QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI VỚI TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Thứ năm - 07/12/2017 07:58
Văn học nghệ thuật là một phạm trù thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội. Văn học nghệ thuật có quan hệ chặt chẽ với mọi phương diện của cuộc sống xã hội, trong đó có đạo đức con người
QUAN HỆ BIỆN CHỨNG GIỮA ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI VỚI TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

     1. Văn học nghệ thuật và đạo đức xã hội:

     Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, là sự phản ánh tồn tại xã hội, là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng như chính trị, pháp luật, tôn giáo, khoa học, nghệ thuật. Nghệ thuật, trong đó có văn học, là một hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh tồn tại xã hội. Quan hệ biện chứng giữa văn học, nghệ thuật và đạo đức xã hội là mối quan hệ qua lại, tác động và phụ thuộc vào nhau, như quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả theo hướng tích cực và phát triển. Giữa văn học, nghệ thuật với cuộc sống nói chung, đạo đức xã hội nói riêng có mối quan hệ thẩm mỹ khăng khít. Bởi vì, văn học, nghệ thuật lấy nội dung phản ánh là cuộc sống xã hội, trong đó có đạo đức, và ngược lại, chính văn học nghệ thuật có tác động trở lại với cuộc sống, với đạo đức con người.

     Với chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ, văn học có ảnh hưởng rất lớn đến con người. Tác phẩm văn học phản ánh cuộc sống cũng là giúp con người nâng cao hiểu biết, mở mang nhận thức, tiếp nhận cái đẹp. Tác phẩm văn học giúp người đọc hiểu biết nhiều lĩnh vực của cuộc sống, vượt ra khỏi cái tôi chật hẹp để đến với cái ta rộng lớn trong các mối quan hệ được phản ánh trong tác phẩm văn học.

     Trung tâm mà nghệ thuật phản ánh là phản ánh cái đẹp, nghệ thuật là nơi hội tụ cái đẹp. Cái đẹp gắn chặt với cái thiện tạo nên cái đẹp hoàn hảo có tác động sâu xa tới tâm hồn, tình cảm con người. Khi nghệ thuật lột tả cái ác, cái xấu xa cũng nhằm mục đích giúp người đọc nhận diện, phân biệt, phê phán… nhằm đạt đến cái đẹp, cái thiện. Văn học nghệ thuật định hướng các chuẩn mực đạo đức xã hội tạo nên thị hiếu thẩm mỹ của con người. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao của dân tộc ta, có nhiều câu mang tính định hướng thẩm mỹ, dạy con người nhận diện cái đẹp, chẳng hạn: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ Xấu người, đẹp nết còn hơn đẹp người”; “Cái nết đánh chết cái đẹp”… Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, có những câu thơ mang tính định hướng cách nhìn nhận giá trị con người và điều chỉnh quan niệm về chữ TRINH ở người phụ nữ: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường/ Có khi biến có khi thường… Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay”. Giá trị giáo dục của Hồ Chí Minh thể hiện qua tác phẩm văn học rất tiêu biểu. Thơ Người ngắn gọn, hàm súc, chuyển tải tư tưởng và thái độ rất rõ ràng. Ví dụ bài “Nghe tiếng giã gạo”: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”. Kêu gọi nhân dân đoàn kết đánh giặc, Người nói mộc mạc, dễ hiểu qua bài thơ “Hòn đá”: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Một người nhắc/ Nhắc không đặng. Hòn đá nặng/ Hòn đá bền/ Chỉ ít người/ Nhắc không lên. Hòn đá nặng/ Hòn đá bền/ Nhiều người nhắc/ Nhắc sẽ lên. Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Làm cũng xong”...vv.

     Một thế hệ người Việt Nam chúng ta đã từng một thời coi cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nicolai A.Ostrovsky là cuốn sách gối đầu giường, bởi nó có một sức hấp dẫn đặc biệt toát ra từ tư tưởng kiên định, từ ý chí cách mạng và tinh thần cách mạng nồng cháy của nhân vật Paven. Nghị lực kiên cường, ý chí thép của nhân vật trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào của cuộc sống đã có sức lay động mạnh mẽ đối với mỗi người dân Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước đang sục sôi chống giặc cứu nước. Nhân vật văn học trở thành tấm gương soi chiếu và tiếp thêm nghị lực cho con người trong xã hội, giáo dục đạo đức xã hội một cách tích cực. Nhìn lại quá trình phát triển của văn học và tác động của nó tới đời sống con người, chúng ta thấy rằng, văn học nghệ thuật đã giữ một vai trò quan trọng trong quá trình giành giữ và dựng xây đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn học đã làm tròn bổn phận của mình, tham gia vào nhiệm vụ chính trị, phản ánh cuộc chiến đấu oanh liệt của dân tộc, động viên khích lệ quân dân dốc lòng cứu nước. Những tác phẩm viết về công cuộc dựng xây miền Bắc xã hội chủ nghĩa như “Bão Biển” của Chu Văn, những câu thơ cháy rực niềm tin và tình yêu Tổ quốc như: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu ), “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu ), “Em ơi em/ Đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và chia sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời” (Nguyễn Khoa Điềm)… đã góp phần giục giã mỗi trái tim yêu nước dốc lòng hiến dâng và xả thân cứu lấy đất nước giang sơn.

     Ý nghĩa biện chứng trong mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và đạo đức xã hội nằm ở chỗ: văn học nghệ thuật đã thực sự tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia chiến đấu trên mọi mặt trận. Đó là hành động gắn lý luận thẩm mỹ với thực tế cuộc sống, nói đi đôi với làm, theo hướng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật với đạo đức xã hội trở nên khăng khít, tạo đà cho sự xây dựng và phát triển nền đạo đức xã hội Việt Nam chúng ta.

     Tóm lại là, tác phẩm văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung, đã góp phần không nhỏ vào công cuộc giành giữ và dựng xây đất nước. Tác phẩm văn học cũng tạo đà cho đạo đức xã hội phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, và ngược lại, thực tế cuộc sống xã hội đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho văn học sinh sôi.

     2. Thực trạng văn học nghệ thuật và đạo đức xã hội hiện nay.

     Lịch sử không dừng lại, văn học nghệ thuật cũng biến động khó lường. Từ khi đất nước hòa bình, nhất là từ khi đổi mới, hội nhập quốc tế, văn học nghệ thuật có chiều hướng chững lại. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam” đã nhận định: “Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại”. Mảng văn học ngoại nhập tràn lan, khó kiểm soát cũng như lối sống du nhập từ bên ngoài tác động không nhỏ đến quan niệm sống, thị hiếu thẩm mỹ của người đọc. Không ít thanh thiếu niên quên dần những lý tưởng cao đẹp, hướng theo lối sống thực dụng của chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Cách nhìn và thái độ viết của nhà văn cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Tính chất tiên phong trong phản ánh và đấu tranh chống tiêu cực của văn nghệ sĩ không được phát huy rộng khắp, trái lại, có tác phẩm lại hướng theo những mục tiêu trái với đạo đức xã hội khiến cho đạo đức xã hội đang xuống cấp thiếu chỗ vịn là tác phẩm văn học nghệ thuật chân chính. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Nhiều nghệ sĩ đã và đang cống hiến, sáng tạo những tác phẩm đẹp với cái nhìn nhiều chiều, nhân văn, hướng vào cuộc sống xã hội hiện đại nhằm đưa ra những chuẩn mực đạo đức phù hợp với thời đại.

     3. Trách nhiệm văn nghệ sĩ trong tình hình hiện nay.

     Bàn về điều này, tôi đồng tình với ý kiến của nhà phê bình văn học, TS Lê Thành Nghị: “Văn học vốn có sứ mệnh vượt lên sự thông thường. Viết về sự xuống cấp đạo đức hôm nay, cần vượt qua những sự thông thường để nắm bắt được phần cốt lõi của hiện thực. Giữ cho ngòi bút mang đầy đủ tinh thần công dân, nhưng biết dừng lại trước sự thăng bằng lý trí của sự phẫn nộ, để xem xét sự việc một cách điềm tĩnh, khách quan, không chối bỏ sự thật, nhưng cũng không làm trang viết trở nên u ám, không rơi vào hư vô chủ nghĩa...,” Thiết nghĩ, tinh thần, tư tưởng của Hồ Chí Minh cũng là một kim chỉ nam cho ngòi bút đấu tranh để giữ gìn cái đẹp của văn học nghệ thuật, cái đẹp của cuộc sống, chống lại cái xấu, cái sai trong xã hội: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

     Kết luận: Giữa văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm văn học nói riêng và đạo đức xã hội có mối quan hệ biện chứng rõ nét. Sự tác động nhân quả giữa hai lĩnh vực này là không thể phủ nhận.

     Văn học nghệ thuật tác động sâu sắc, đem đến cho con người tình cảm đạo đức tốt đẹp. Đạo đức và Văn học nghệ thuật giúp con người tránh cái xấu, học hỏi và hướng đến cái đẹp, làm theo cái đẹp, tiến tới tự giác làm điều tốt. Tương quan giữa đạo đức và nghệ thuật là mối tương quan giữa cái thiện và cái đẹp, cái này làm tiền đề cho cái kia và bổ sung cho nhau cùng phát triển. Nghệ thuật có chức năng giáo dục và hoàn thiện nhân cách con người.         Ngược lại, đời sống đạo đức là nguồn chất liệu làm nền móng cho sáng tác văn học nghệ thuật.

     Nghệ thuật chân chính phải lấy cuộc sống, lấy đạo đức con người làm điểm xuất phát vì nó là cơ sở, là nguồn cảm hứng cho văn học nghệ thuật phát triển.

     Lịch sử đã chứng minh, những tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, bất tử là những tác phẩm chứa đựng các giá trị cao cả về con người. Đó là biểu tượng kiệt xuất về con người, về lý tưởng, về lòng nhân ái, về số phận, về sức mạnh tinh thần và phẩm chất của con người và xã hội con người trong từng thời đại cụ thể. Trong điều kiện đất nước ta hiện nay, Đảng ta chủ trương lãnh đạo nhân dân xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trong nền văn hóa ấy, truyền thống và hiện đại được kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn trên cơ sở gắn liền đạo đức cách mạng và nghệ thuật cách mạng. Chỉ có đạo đức cách mạng và nghệ thuật cách mạng mới đủ dung chứa những giá trị tiên tiến của thời đại và những giá trị quý báu của dân tộc. Nền văn hóa vừa tiên tiến hiện đại vừa mang đậm bản sắc dân tộc sẽ giúp chúng ta hòa nhập mà không hòa tan. Tác phẩm văn hóa nói chung, tác dụng văn học nói riêng sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Triệu Quốc Bình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:31 | lượt tải:8

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:260 | lượt tải:37

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:955 | lượt tải:335

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1120 | lượt tải:351

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1184 | lượt tải:574
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ