NHIẾP ẢNH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT”

Thứ năm - 07/12/2017 08:47
Trong sinh hoạt, con người bên cạnh chữ viết đã biết vẽ tranh, điêu khắc, diễn kịch, múa và chụp ảnh,… đây là những bộ môn nghệ thuật thị giác. Bằng những tác phẩm đó, con người đã truyền đạt và lưu giữ được những dung tinh hoa của nhân loại qua hàng ngàn năm lịch sử.
Ảnh: D. H
Ảnh: D. H

     Hiện nay nhiếp ảnh đã thật sự trở nên phổ biến trong thế giới hiện đại. Hầu hết mọi người trong chúng ta đều biết cách chụp một tấm ảnh và đã từng chụp ảnh (dù nó có đẹp hay không thì vẫn là chụp ảnh). Trong các sự kiện quan trọng của các tổ chức, cộng đồng hay gia đình, cá nhân chắc chắn không thể thiếu người chụp ảnh.

     Nhiếp ảnh ra đời mang theo một sứ mạng là ghi lại hình ảnh thể hiện những khoảnh khắc, nội dung, cảm xúc của con người, của các nền văn hoá, văn minh trên toàn thế giới này. Nhiếp ảnh tồn tại bền vững bởi vì tính chính xác và nhanh chóng của nó. Dựa vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những bức ảnh ra đời ngày càng có độ chính xác cao so với thực tế và chính thức được sử dụng như một bằng chứng trong các ngành khoa học.

     Hình ảnh là những gì chúng ta thấy được thông qua thị giác sau đó truyền về não giúp ta cảm nhận một sự vật, sự việc một cách chân thực nhất, từ đó đưa ra những phản xạ hoặc cảm nhận về hình đó. Chúng ta thường nghe câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, thực sự thì khi ta nghe kể về một câu chuyện cảm động, về một hoàn cảnh đáng thương thì chưa chắc đã hình dung ra được và cảm xúc sẽ không mạnh mẽ bằng việc chỉ cần xem một tấm ảnh với vài dòng chú thích. Hay thật khó để miêu tả chân thực một cảnh vật nào đó bằng việc đưa ra một tấm ảnh về nó.

     Từ đó ta có thể thấy tầm quan trọng của hình ảnh như thế nào trong cuộc sống.

     Đối với phần lớn mọi người thì nhiếp ảnh đơn thuần chỉ là việc cầm một máy ảnh và chụp một tấm ảnh, đơn giản vậy thôi, nhưng thực tế lại không phải vậy. Nhiếp ảnh còn là cách ta giao tiếp với thế giới, là phương tiện để ta kể lại những câu chuyện... Dưới đây là một số định nghĩa về nhiếp ảnh của một số nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới:

     - Berenice Abbott (1898 - 1991): “Nhiếp ảnh là giúp mọi người nhìn nhận thế giới xung quanh”

     - Burk Uzzle (1938): “Nhiếp ảnh là chuyện tình giữa nhiếp ảnh gia và cuộc sống”.

     - David DuChemin: “Đôi khi nhiếp ảnh là sự giao thoa giữa hiện tại và quá khứ”.

     - Don McCullin (1935): “Nhiếp ảnh với tôi không phải là quan sát mà là cảm nhận. Nếu bạn không cảm nhận được những gì bạn đang nhìn thấy, bạn sẽ không bao giờ khiến người khác có cảm xúc khi xem ảnh của bạn”.

     - Elliott Erwitt (1928): “Với tôi, nhiếp ảnh là nghệ thuật quan sát.      Bạn phải tìm kiếm sự đặc biệt trong những điều bình thường nhất”.

     Nhiếp ảnh cũng giống như các môn nghệ thuật khác sẽ gồm có 2 phần chính là phần kỹ thuậtvà nghệ thuật. Kỹ thuật luôn luôn là quy tắc, không thể thay đổi được, còn nghệ thuật nó là trừu tượng và tuỳ thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Kỹ thuật để tạo ra các bức hình, còn phần nghệ thuật thì đó chính là nét riêng của mỗi người. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh bằng hiểu biết về kỹ thuật, kết hợp với cảm nhận để tạo ra cho mình những bức hình đẹp và ý nghĩa nhất.

     NHIẾP ẢNH VIỆT NAM ĐÃ ĐI CÙNG VỚI CUỘC ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ THỂ HIỆN SÂU SẮC CHÂN DUNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH:

     Cùng với thế giới, nhiếp ảnh Việt Nam vẫn phát triển không ngừng. Cùng với các kênh thông tin, văn hóa, nghệ thuật khác, nhiếp ảnh đã góp phần rất lớn của mình vào việc cổ vũ động viên toàn đảng, toàn dân kháng chiến chống thực dân, đế quốc và dựng xây đất nước.

     Qua các giai đoạn lịch sử dân tộc, nhiếp ảnh mô tả sâu sắc sự bóc lột tàn bạo của thực dân xâm lược với những đòn roi uất hận, cảnh người dân bị xiềng xích, gầy guộc đói ăn đã cho ta thấy sự khổ đau tận cùngcủa phận người nô lệ.

     Hình ảnh chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, hay “O du kích nhỏ dương cao súng/thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”.

     Hay là hình ảnh anh giải phóng quân:

     Bằng tấm ảnh chiếc xe tăng tiếnvào Dinh độc lậpcùng với lá cờ giải phóng đã có thể nói lên tất cả.

     Những tấm ảnh đó đã góp phần khắc họa nên truyền thống anh dũng hy sinh, vượt qua gian khó, đi đến chiến thắng vinh quang của dân tộc Việt Nam. Những tấm ảnh đó đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử, là tư liệu quý để hun đúc tinh thần quật cường dân tộc và để giáo dục các thế hệ mai sau.

     Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh đã đồng hành với Người từ ngày ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville của Pháp. Cùng với Người qua những đêm lạnh Pari bằng hình ảnh viên gạch hồngdùng để gối đầu. Nguyễn Ái Quốc là trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp thể hiện qua tấm hình phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp ở Tua năm 1920.

     Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào cả nước, khai sinh một nhà nước -Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới,là nước  thuộc địa đầu tiên khu vực Đông nam Châu á có chínhquyền công nông.

     Nhìn vào hình ảnh Bác đi thị sát chiến trường ở mặt trận Đông khê trong chiến dịch bên giới 1950 ta thấy được sự tập trung cao độ, cùng với Chỉ huy chiến trường tìm phương án tốt để đánh thắng giặc.

     Với bức ảnh Bác tưới cây vú sữa (món quà của nhân dân miền Nam gửi tặng), ta lại liên tưởng đến:

    “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà 

    Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”

     Rất nhiều bức ảnh Bác Hồ với trẻ emđã nói lên tình thương yêu của Bác đối với thiếu niên nhi đồng.

     Với hình ảnh về Bác Hồ, nếu tổng hợp, phân loại, biên tập theo chủ đề thì ta có thể minh họa và làm sáng tỏ hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người theo từng chủ đề cụ thể.

     NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA NHIẾP ẢNH ĐỂ GÓP PHẦN TÍCH CỰC CHO CUỘC VẬN ĐỘNG: “NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY - LÀM VIỆC TỐT”

     Người nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia thế nào với cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt”:

     Theo nhận thức của cá nhân, với tư cách là người nghệ sĩ, nhiếp ảnh sẽ tham gia cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” với những nội dung sau:

     - Cùng với các tổ chức khác tuyên truyền tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

     - Tuyên truyền thành quả của Đảng bộ và quân dân tỉnh Bình Phước.

     - Giới thiệu điển hình tập thể, cá nhân làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

    - Góp phần hoàn thiện nhân cách tốt đẹp của con người Bình Phước hôm nay.

    Người nghệ sĩ nhiếp ảnh là người tạo ra tác phẩm.Chúng ta thường hiểu rằng chụp ảnh chỉ là việc cầm máy ghi lại những hình ảnh diễn ra trong cuộc sống. Nhưng nếu chỉ suy nghĩ như thế thôi thì chúng ta không thể trở thành “người nghệ sĩ”thực sự và tác phẩm của chúng ta làm ra sẽ không đạt yêu cầu. Người nghệ sĩ chiến trường năm xưa đã phải luồn lách dưới tầm lửa đạn, cùng sống với hiểm nguy mới có được những tấm ảnh bom cày đạn xới, mới ghi lại đượchình ảnh đoàn xe bộ đội vượt Trường sơn.Như bài tham luận này đã đề cập ở phần trên, nhìn tấm ảnh Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tua,ta thấy ẩnchứa bên trong khí phách của một người chiến sĩ mang trong mình lý tưởng cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân loại bị áp bức bóc lột.Hay tấm ảnh chiếc xe tăng xô ngã hàng rào Dinh tổng thống Ngụy, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ tay sai cho giặc, lá cờ giải phóng trong đó thể hiện sự chiến thắng vinh quang của quân và dân ta với đế quốc xâm lược. Những tác phẩm đó đã toát lên ý nghĩa cao cả của nó, từ đó mới được lưu truyền và trở thành tác phẩm của lịch sử, của dân tộc.

     Với cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt”, người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có nhiều “đất dụng võ” vì nội dung rất rộng và ý nghĩa. Nhưng trước hết phải tự rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với Đảng, với nhân dân, với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc hiện nay. Để bản thân mỗi người cầm máy phải thật sự nhập cuộc, phải thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong đó, những tấm ảnh tạo ra phải có ý nghĩa thật sự, phải nói lên điều gì hơn ngoài yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật.

     Khi đã có nhận thức đúng về tư tưởng, mục tiêu, ta mới hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động, ta sẽ nắm bắt được vấn đề, như thế ta sẽ chọn được thời gian và địa điểm nào, vấn đề gì, nhân tố trong tấm ảnh đó và phải thực hiện ra sao để thực hiện tác phẩm của mình.Xác định được vai trò của người nghệ sĩ ta mới tình nguyện nhập cuộc, tìm tòi, lăn xả hết mình mới có được những tác phẩm đẹp, ý nghĩa, phản ánh tốt cuộc vận động. Trong mỗi tác phẩm, cần khai thác triệt để vẻ đẹp bên trong của chủ thể và cả vẻ đẹp còn tiềm ẩn, ý nghĩa của tấm ảnh, sự khác biệt của nó về nội dung và hình ảnh,phải trả lời cho được tác phẩm của mình phản ánh nội dung gì của cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt”, vai trò của nó như thế nào với cuộc vận động.

     Ngoài ý nghĩa và mục tiêu tốt đẹp, cuộc vận động này còn mang tính quần chúng và rộng khắp. Việc “Nói lời hay - Làm việc tốt” xuất hiệnở khắp nơi, ở các cơ quan, xí nghiệp, lực lượng vũ trang, ở các cấp, các ngành. Điển hình không chỉ có ở trung tâm hay đô thị mà cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Vì thế người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải hòa vào cuộc sống, phải hiểu “nói lời hay - làm việc tốt” là ở trong nhân dân, trong quần chúng và nó xuất hiện rất ngẫu nhiên. Từ đó nghệ sĩ phải chấp nhận “đi”, phải có mặt ở những nơi cần đến mới tiếp cận được vấn đề, mới gặp được chủ thể, mới có được điển hình “Nói lời hay - Làm việc tốt”, mới đóng góp được vai trò của mình với cuộc vận động.

     Các tổ chức xã hội hãy cùng nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt”:

     Như nhận định ở trên thì vai trò người người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã rõ, nhưng sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội là rất quan trọng. Trước hết phải định hình cho được “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” trong cơ quan, đơn vị mình là gì? Hình mẫu ở đâu? Việc phát động, triển khai ra sao? Công tác sơ kết, tổng kết, kết quả thu được phải như thế nào? Bởi vì hình mẫu mỗi địa phương, đơn vị, mỗi cấp, mỗi ngành là có khác nhau, có những đặc trưng riêng biệt.

     Từ việc phát động triển khai chủ trương, đường lối, bằng những chỉ tiêu, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, từ những yêu cầu của xã hội, từ những khó khăn của người dân; sẽ đưa ra được những biện pháp phù hợp, hiệu quả để thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ xuất hiện những gương sáng, sẽ có những công trình ý nghĩa. Cũng từ đó sẽ xây dựng được chuẩn mực “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt” của cơ quan, đơn vị mình.Những gương sáng, những điển hình sẽ xuất hiện từ những việc làm cụ thể hàng ngày. Đó là nguồn lực lớn để nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia thực hiện cuộc vận động trong vai trò, vị trí của mình.

     Hội Văn học Nghệ thuật hãy hỗ trợ đội ngũ nhiếp ảnh thực hiện cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt”:

     Đối với nhiếp ảnh, Hội Văn học Nghệ thuật(VHNT) của tỉnh là cơ quan thường trực quản lý các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Bằng việc tổ chức các Chi hội tham gia, triển khai hoạt động chuyên ngành, quản lý về mặt chính trị tư tưởng của hội viên. Mặt khácHội VHNT là cơ quan tiếp nhận những chủ trương đường lối từ trên, triển khai đến Chi hội và hội viên.

Giữ vai trò là cơ quan lãnh đạo và quản lý về nhiếp ảnh, Hội VHNT cần hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên, để có sự quản lý, điều hành phù hợp và hiệu quả. Với cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay - Làm việc tốt”, Hội VHNT hãy cùng đồng hành với các Chi hội khác và hội viên Chi hội Nhiếp ảnh.

     Do Bình Phước có địa bàn rộng nên rất cần thiếtphát triển hội viên cả về số lượng và chất lượng, phải bảo đảm có Chi hội và hội viên ở tất cả các huyện, thị. Điều đó sẽ rất thuận lợi cho việc tham gia cuộc vận động, tiếp cận từ cơ sở, nơi  bắt nguồn Cuộc vận động.

     Tiếp theo Hội cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt trong hội viên về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động; vai trò, vị trí của Hội và hội viên tham gia Cuộc vận động; triển khai nội dung Cuộc vận động và biện pháp tổ chức thực hiện.

    Hỗ trợ hội viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ nhiếp ảnh bằng việc mở các lớp bồi dưỡng, tổ chức giao lưu học tập với các tỉnh/thành nhằm phục vụ tốt hơn Cuộc vận động.

     Nắm bắt nội dung triển khai Cuộc vận động, tiến độ thực hiện của các cấp ngành, tổ chức đơn vị; thông tin, truyền đạt cho hội viên biết; giao nhiệm vụ cụ thể cho Chi hội về địa bàn, nội dung, lĩnh vực,...

     Thường xuyên tổ chức các cuộc thi ảnh và trưng bày tại địa bàn các huyện/thị nhằm giới thiệu điển hình sâu rộng hơn, đến gần với quần chúng hơn, hiệu quả Cuộc vận động sẽ cao hơn. Có thể tổ chức các cuộc thi ảnh bằng các kênh mới như gửi qua facebook để dễ thực hiện, có nhiều nhiếp ảnh ở xa tham gia, nhiều người tiếp cận thưởng lãm.

     Chủ động phối hợp với các ban, ngành để tổ chức thi, trưng bày ảnh gần với đối tượng hơn, như chủ đề Thanh niên làm theo lời Bác, Phụ nữ với cuộc sống hôm nay, Người lính cụ Hồ, người Công an nhân dân, Nông dân thời đại mới, Doanh nghiệp Bình Phước vươn vai, Đồng Xoài thị xã tôi yêu, Bình Long ngày mới, v.v...

     Cần tăng cường kênh thông tin để truyền tải gương điển hình sát với quần chúng hơn như mở thêm chuyên mục về ảnh trên tạp chí VHNT, mở lại tờ tin ảnh trước đây đã có, tạo webste,facebook chuyển tải hình ảnh để tiếp cận sâu rộng hơn với tuổi trẻ.
Nguyễn Hữu Quý

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:193 | lượt tải:69

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:185 | lượt tải:51

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:415 | lượt tải:60

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:711 | lượt tải:67

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1316 | lượt tải:362
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ