1. Văn học Nghệ thuật (VHNT) đối với công tác xây dựng Đảng.
Hoạt động và sáng tác VHNT luôn cần sự đổi mới nhằm phù hợp với môi trường và điều kiện của Đất nước trong thời kỳ mới. Dưới ánh sáng của của Đảng cộng sản Việt Nam soi đường, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ có 3 dấu mốc quan trọng: Đó là Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ngày 16/7/1998 và Nghị quyết 23 - NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Công tác xây dựng Đảng của chúng ta cũng luôn cần sự đổi mới và đó cũng là phương thức lãnh đạo quan trọng trong tình hình hiện nay.
Sự quan hệ biện chứng giữa hoạt động và sáng tác VHNT với công tác xây dựng Đảng được ví như hình với bóng; có thể nói đây là mối quan hệ không thể thiếu nhau, không thể tách rời nhau. Bởi lẽ, đối tượng chính là con người và lý tưởng cách mạng cùng tồn tại, vun đắp xây dựng một xã hội tốt đẹp! Đối tượng đó phải dựa trên ba vấn đề cốt lõi:
Thứ nhất, về kiến thức: người làm công tác xây dựng Đảng và người hoạt động, sáng tạo nền Văn học cách mạng đều phải trang bị khối tri thức có hệ thống về chuyên môn của mình, nhằm vận dụng phát triển sáng tạo không tách rời thực tiễn học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, về tư tưởng: giá trị của tác phẩm chính là tính lý tưởng, thẩm mỹ, tính nhân văn, tính giáo dục, dự báo và nội dung đáp ứng một phần thị hiếu của công chúng, được công chúng hân hoan đón nhận. Tương tự, công tác xây dựng Đảng nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Ba là, về kỹ năng: Người nghệ sĩ khi sáng tác và hoạt động VHNT số ít là có tài năng thiên bẩm, số còn lại là cần được đào tạo bài bản, có kỹ năng trong sáng tác, sáng tạo, trải nghiệm, cách tiếp cận và sự phát hiện (có thể may mắn bắt gặp trong khoảnh khắc nhưng cũng có thể sắp đặt nhờ tài năng tổ chức, cách bố cục). Kỹ năng của người làm công tác xây dựng Đảng cũng không khác văn nghệ sỹ đòi hỏi phải có tố chất linh hoạt trong mọi tình huống về hình thức tiếp cận, khả năng nhận thức và phân biệt rõ bản chất vấn đề bằng nguyên tắc tổ chức, phương thức đổi mới hoạt động của Đảng trước các luận điểm sai trái của các thế lực thù địch. Điểm chung của người nghệ sĩ làm công tác xây dựng Đảng là vừa kế thừa, vừa chọn lọc, đổi mới, sáng tạo - linh hoạt tiếp cận và xử lý công tác cũng như xây dựng hình tượng nhân vật thật sự tiêu biểu, có tính khái quát, tính đại diện phù hợp với thời đại.
Chính vì vậy, Đảng ta luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư, tình cảm của Văn nghệ sĩ và hơn hết Đảng ta xác định đây là một lực lượng đặc biệt không thể thiếu trong xã hội, đó là: “Nghệ sĩ vừa Hồng vừa Chuyên, nghệ thuật tôn vinh Tổ quốc”; “Văn nhân có Tài có Đức, văn chương phục vụ nhân dân”. Có lẽ từ thực tế đó nên vai trò của trí thức - người làm công tác văn hóa văn nghệ đặc biệt quan trọng trong mọi thời đại ví như người chiến sỹ; Thư Bác Hồ gửi cho anh chị em văn nghệ sĩ năm 1951 Bác viết: “Văn hóa - Văn nghệ cũng là một mặt trận, các anh chị em văn nghệ sĩ chính là chiến sĩ trên mặt trận ấy!”
Quan hệ giữa công tác văn hóa, văn học nghệ thuật với hệ thống pháp luật của Nhà nước ta cũng được thừa nhận: Hiến Pháp sửa đổi năm 2013 đã ghi rõ“Mọi người đều có quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật”(Điều 40), và “Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”(mục 2 Điều 60). Như vậy, từ công tác xây dựng Đảng và cơ sở pháp lý của Nhà nước ta cho thấy công tác văn hóa, VHNT luôn được đặc biệt quan tâm, mục đích để có nhiều tác phẩm VHNT hay, tác phẩm chạm đến cảm xúc của nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội; hơn hết tác phẩm VHNT sẽ góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về lý tưởng, niềm tin vào sự nghiệp Cách mạng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
2. Tác phẩm VHNT kịp thời cổ vũ, động viên Nhân dân ta một lòng theo Đảng.
Trước hết, hai tác phẩm VHNT được xem là điểm sáng gắn liền với Cách mạng Việt Nam, đó là: Lá cờ đỏ sao vàng và Tiến quân ca (Quốc ca). Theo nhiều tài liệu: “năm 1931, trong một lớp huấn luyện ở trong tù, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) - khi đề cập đến triển vọng của cách mạng nước ta, có nói là, sau khi giành được độc lập, sẽ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc kỳ sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở chính giữa với ý nghĩa là màu đỏ của nền cờ màu biểu tượng cho tính triệt để chiến đấu của cách mạng, ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc, gồm sĩ, nông, công, thương, binh. Tại Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của cuộc khởi nghĩa. Sau đó, Xứ ủy phân công cho Họa sĩ Nguyễn Hữu Tiến sáng tác mẫu cờ. Đêm 22 rạng 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ mãnh liệt. Ở tỉnh Mỹ Tho, cuộc khởi nghĩa nổ ra quyết liệt nhất là tại xã Long Hưng (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ trong cao trào khởi nghĩa, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện ở tại đây. Đến tháng 5-1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cả Nghị quyết Trung ương VIII và Chương trình hành động của Việt Minh đều ghi là: sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Được biết, lá cờ đỏ sao vàng treo tại buổi lễ thành lập Việt Minh hiện được lưu giữ ở Bảo tàng cách mạng Việt Nam tại Hà Nội”.
Đối với Quốc ca: “lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính nhạc sĩ Văn Cao viết. Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng. Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19 tháng 8năm 1945, trong cuộc mít tinh, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên chỉ huy” (theo lichsuvietnam.vn).
Quả thực, VHNT luôn đồng hành với lịch sử dân tộc; Văn nghệ sĩ đã xuất hiện kịp thời và đảm nhận trọng trách tuyên truyền, cổ vũ, động viên tích cực nhiệm vụ cách mạng, giúp cho Đảng hoạt động khỏe khoắn hơn. Tất nhiên, còn rất nhiều tác giả gắn với tác phẩm nổi tiếng đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng: Cả về Thơ ca, Âm nhạc, Mỹ thuật, Điện ảnh… Còn nhớ, những năm 80 của thế kỉ XX, thế hệ học sinh chúng tôi khi làm văn viết về đề tài Cách mạng, thường mở đầu bài, bao giờ cũng đặt vấn đề nhận định với nhà thơ Tố Hữu - là con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng hay nói cách khác là người gây men Cách mạng bằng thơ! (cả sáng tác lẫn bản dịch):
Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng
Trước như trẻ thơ tôi nào biết được
Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước
Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông
Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng…
(Tố Hữu dịch: lời thơ Aragon - Pháp)
Hay, Ba mươi năm đời ta có Đảng - 1961, Tố Hữu viết:
… Đảng ta sinh ở trên đời
Một hòn máu đỏ nên Người hôm nay.
Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây, xương sắt da đồng
Đảng ta, muôn vạn công nông
Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin.
Đảng ta Mác - Lênin vĩ đại
Lại hồi sinh, trả lại cho ta
Trời ca, đất rộng bao la
Bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người…
Có ý kiến cho rằng, Tố Hữu sáng tác, bên cạnh các chủ đề về dân tộc, đất nước, Bác Hồ kính yêu, chủ đề về Đảng là một phần quan trọng, Đảng là nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim…” (Từ ấy)
Nhiều văn nghệ sĩ “đúng nghĩa là chiến sĩ”, họ viết lịch sử dân tộc bằng tác phẩm VHNT; bởi vì họ là những Nhà thơ, Nhà văn, Họa sĩ, Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Nhà Đạo diễn Điện ảnh và Diễn viên… giàu cảm xúc và lý tưởng cách mạng; họ đã, đang và tiếp tục say mê sáng tác, hoạt động VHNT không ngừng nhằm tôn vinh, xây dựng Đảng ngày một vững mạnh hơn. Văn nghệ sĩ thông qua tác phẩm đau đáu với nước nhà khi Đất nước còn lầm than nô lệ, khi có giặc ngoại xâm và cũng sẵn sàng trong xây dựng phụng sự Tổ quốc, làm tươi đẹp cho Tổ quốc bằng VHNT.
3. Vai trò hoạt động, sáng tác VHNT góp phần để cuộc vận động học tập và làm theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu và có tính lâu dài trên diện rộng:
Học tập và làm theo Bác là việc làm thường xuyên của mọi người dân nói chung và Văn nghệ sĩ nói riêng, nhất là từ khi có Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để việc học tập và làm theo Bác thật sự có chiều sâu, lâu dài trên diện rộng và đặc biệt không mang tính hình thức, người nghệ sĩ cần xác định vai trò - nhiệm vụ và hội đủ các điều kiện:
- Về vai trò - nhiệm vụ: Trước hết cần nhìn thấy những hạn chế của hoạt động - sáng tác VHNT, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; bên cạch những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học nghệ thuật còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm: ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt chưa chưa xứng đáng với vai trò, vị trí của nó; một số tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm thường, chất lượng kém được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ còn nhiều bất cập, hạn chế, nội dung và phương pháp lãnh đạo chậm đổi mới…
- Về điều kiện nội tại của Văn nghệ sĩ: Sáng tác VHNT không nên dễ dãi mà cần có tính khát vọng và phát hiện cao. Một nhà văn người Anh từng nói “Cuộc sống không có những thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mà thôi”, đó là tính lý tưởng của văn học. Khi hoạt động và sáng tác nếu thiếu những tư tưởng, tình cảm lớn, sáng tác của người nghệ sĩ trở nên khô cứng, thiếu sức sống. Tác phẩm VHNT cần bắt được “mạch sống, hơi thở” của thời đại. Cho nên việc sáng tác ai cũng được quyền sáng tác nhưng không phải ai cũng sáng tác được! Một tác phẩm hay là điểm cộng cho tác giả nhưng đồng thời là điểm sáng cho một giai đoạn phát triển VHNT. Lê nin đã từng đề cập “Chân lý là cụ thể, Cách mạng là sáng tạo”, biết rằng trong VHNT phải luôn sáng tạo nhưng sự sáng tạo đó phải dựa trên nền tảng thực tiễn đời sống. Vì vậy, người nghệ sĩ có thể không thật trong đời sống nhưng không thể dấu mình trong tác phẩm. Mặt khác, sự giả dối trong văn chương là thứ đáng sợ nhất, trước sau gì cũng bị công chúng bài bài xích, không thừa nhận. Bài học quý trong cuộc sống cũng như hoạt động - sáng tác VHNT: muốn tồn tại và không muốn bị xa lánh thì phải trung thực. Tác phẩm VHNT góp phần tạo nên nhân cách con người bằng sự thẩm thấu, môi trường hưởng thụ VHNT; thông qua tác phẩm VHNT con người thấu hiểu sâu sắc đời sống, sự biến thiên của xã hội, để rồi xóa bỏ hận thù bằng nhiều phương diện hòa hợp, hòa giải, kết nối, xích lại gần nhau giữa các châu lục, quốc gia, vùng miền. Người nghệ sĩ muốn viết hay, diễn hay thì phải sống đẹp, đúng với trái tim của mình, đồng thời cũng cần cả sự dấn thân, hy sinh niềm riêng. Tác phẩm VHNT vừa là lăng kính soi rọi bản chất xã hội vừa là một bộ phận cấu thành bản chất của bản chất xã hội ấy bởi VHNT chính là con người. Theo Bác “Đảng trong nhiều người nhưng ý chí chỉ là một”. Tương tự, sáng tác VHNT không dành riêng ai nhưng lý tưởng sáng tác, tính nhân văn của tác phẩm, sự trung thực của tác phẩm là hướng sáng tác duy nhất.
Văn nghệ sĩ nghiêm túc lao động sáng tạo và có những quan tâm đặc biệt trong hoạt động, sáng tác tác phẩm VHNT như một số điều chúng tôi lạm bàn, chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công. Trước mắt, đề tài viết về Đảng, về Bác Hồ kính yêu luôn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận như các văn nghệ sỹ thế hệ đi trước đã có nhiều tác phẩm sáng tác thành công, lay động muôn triệu trái tim là góp phần để cuộc vận động học tập và làm theo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu và có tính lâu dài trên diện rộng.
PHẠM HIẾN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn