vnvn

NGHĨ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Thứ hai - 11/06/2018 15:13

GS,TS Đinh Xuân Dũng

Về vấn đề đặt ra trên đây, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ trả lời 2 câu hỏi đơn giản: Vì sao? và làm gì?

I. Vì sao?

1. Khi suy nghĩ và dự định viết về vấn đề này, tôi bỗng nhớ ra rằng, hình như đã có nhiều kiến nghị, đề xuất, bài viết về các giải pháp củng cố và phát triển đội ngũ, lực lượng cán bộ làm công tác lý luận, phê bình văn nghệ ở nước ta trong thời gian qua. Tìm đọc lại một số văn bản, báo cáo, bài báo của các cơ quan và của nhiều người viết đã gửi đi hoặc đã đăng tải trên các báo, tạp chí, tôi cho rằng, phần lớn các đề xuất, kiến nghị đó đều đúng và cần thiết. Một số kiến nghị đã được triển khai và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Ví dụ như việc Ban Bí thư quyết định thành lập Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương vào năm 2003 cũng như cho ra đời Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - cơ quan ngôn luận của Hội đồng. Hoặc như việc xây dựng và thông qua Chiến lược xây dựng và phát triển các trường văn hóa, nghệ thuật, trong đó có nhắc đến, tuy chỉ ít dòng, về đào tạo đội ngũ này. Song, khách quan mà nhận xét và từ khảo sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến tâm huyết, nguyện vọng chính đáng của nhiều đồng nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực này, tôi nhận thấy, tình hình chưa có tiến triển được bao nhiêu, hiệu quả của những dự định tốt đẹp để phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ mang tính hệ thống và vững chắc còn nhiều bất cập. Nhiều đề xuất, kiến nghị vẫn còn nằm đấy, trên giấy và trên mặt báo, chưa thấy có phản hồi. Trước thực tế đó, việc tiếp tục suy nghĩ đề xuất các giải pháp, có thể mới hoặc không mới, nhưng vẫn cần thiết. Mặt khác, có lẽ, cần phải tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ, vừa nêu ra các giải pháp chính, vừa lý giải vì sao cần nó và đề xuất nên làm như thế nào để từng bước được hiện thực hóa trong đời sống văn nghệ nước nhà. Như một thao tác quen thuộc, tôi đặt câu hỏi đầu tiên: “Vì sao?”.

Cũng có người nghĩ rằng, đất nước đang phải giải quyết những vấn đề vĩ mô như kinh tế, chính trị, chống tham nhũng, đối ngoại, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ… vì vậy, vấn đề đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ trở nên nhỏ bé, không cấp thiết, lọt thỏm giữa những vấn đề “khổng lồ” đang và chưa giải quyết xong. Hãy tự lo để đỡ “gánh nặng” cho xã hội. Thế nhưng, có khi chỉ một sáng tác văn học, nghệ thuật, một bài lý luận, phê bình văn nghệ được coi là “có vấn đề” đã làm “vất vả” không chỉ người lãnh đạo mà còn tác động trực tiếp, ngay tức khắc đến xã hội. Thành ra, vấn đề tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ, tưởng là thoáng qua, mà thực ra đã để lại những dấu hỏi ẩn sâu trong tư duy người đương thời không phải dễ tìm đáp số. Xin lấy một ví dụ: Các đây khoảng hơn 20 năm, nhà văn quân đội tài năng Nguyễn Minh Châu, một trong những người đi đầu trong đổi mới tư duy sáng tạo về đề tài quen thuộc của Anh - đề tài chiến tranh - đã đưa ra luận điểm “hãy viết lời ai điếu cho một nền văn học minh họa”. Luận điểm đó đúng - sai như thế nào khi đối chiếu với thực tiễn văn học Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt, đến nay, vẫn còn tồn tại những đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược, đối nghịch nhau. Người khen hết mực, người chê hết lời. Và có lẽ, với tình hình lý luận văn nghệ hiện nay, trong tương lai, vẫn còn bỏ ngỏ sự đánh giá luận điểm trên của Nguyễn Minh Châu! Và điều ấy không chỉ tác động đến giới sáng tác lý luận, phê bình văn học khi nhìn nhận một thời kỳ văn học mà còn liên quan đến việc đánh giá tâm thế, thế giới tinh thần của con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đặc thù của dân tộc. Lấy một dẫn chứng đó để trình bày một ý định rằng, tôi định viết giải pháp số 1 trong bài viết này là “nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, nhưng cảm thấy, câu ấy đã quá quen thuộc, lặp đi lặp lại nhiều lần, vì vậy, rất dễ trở thành mòn cũ, công thức và mất đi tác động “thức tỉnh” của nó. Không ít các bài phát biểu có tính chỉ đạo, định hướng đều nói đến giải pháp này. Hàng vài chục năm nay, người ta đã nhắc đến, nhấn mạnh yêu cầu và giải pháp “nâng cao”, song hiệu quả và việc làm cụ thể để “nâng cao” còn quá ít ỏi. Vì thế, thay cho tiêu đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trên, tôi đặt câu hỏi “Vì sao phải củng cố và phát triển đội ngũ này?”

Rõ ràng là, dẫn chứng về một ý kiến rất ngắn của Nguyễn Minh Châu cho ta thấy, tác động của lý luận, phê bình văn nghệ không chỉ nằm bó hẹp, khép kín trong giới này, mà nó là “hàn thử biểu” để đo xu hướng, khuynh hướng vận động của tư tưởng xã hội. Còn rất nhiều dẫn chứng khác minh chứng cho nhận định trên. Nhiều vấn đề của lý luận, phê bình văn nghệ đã và đang xuất hiện trong đời sống xã hội còn bị bỏ lửng, đồng tình hay phê phán vừa là dấu hiệu của quá trình dân chủ hóa, vừa là biểu hiện của sự lúng túng, lảng tránh trước cái cần khẳng định và cái cần điều chỉnh hay phê phán. Và đó không còn là vấn đề nhỏ của văn học, nghệ thuật nữa!

Cũng có ý kiến cho rằng, theo quy luật phổ quát của sự phát triển văn học, nghệ thuật nhân loại từ hàng ngàn năm nay, đó là, đã có sáng tác văn học, nghệ thuật thì tất yếu sẽ có lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, vì vậy, cần gì phải tìm giải pháp để củng cố và phát triển nó. Quy luật “thuận theo tự nhiên”, hai lĩnh vực đó song hành với nhau, về cơ bản là sự “đồng hành”, còn có những lúc, do tác động của sự phát triển lịch sử - xã hội, lý luận, phê bình hoặc là tụt hậu, đi sau sáng tác hoặc ngược lại, đi trước, đón trước để dự báo, đoán định và góp phần định hướng cho sự vận động và phát triển của các trào lưu, khuynh hướng sáng tác.

Để có được một đời sống văn nghệ, một nền văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện, cân đối, hài hòa, đồng bộ, chúng ta cần đồng thời sự phát triển về chất lượng của hai lĩnh vực không thể thiếu nhau trên: sáng tác và lý luận, phê bình vì như đã trình bày trên, lý luận, phê bình văn nghệ chính là quá trình văn nghệ tự ý thức về mình. Trong quá trình đó, thực tiễn chỉ ra rằng, lý luận, phê bình thường đứng ở một trong ba vị trí so với sáng tác. Một là, đồng hành, bạn đường, bạn đối thoại. Hai là, vừa đồng hành vừa góp phần điều chỉnh, dự báo, định hướng. Và ba là, tụt hậu, lạc hậu, đi sau sáng tác. Vậy, hiện nay, lý luận, phê bình văn nghệ của ta đang đứng ở vị trí nào? Tôi đã rà soát, đọc lại nhiều văn bản của Đảng và nhà nước và chú tâm lục tìm các bài viết về thực trạng lý luận, phê bình của nhiều bạn đồng nghiệp đều nhận thấy một điểm gặp nhau là: bên cạnh việc biểu dương “dè dặt” một số bước tiến “đáng khích lệ” của lý luận, phê bình những năm qua là sự chỉ rõ hoặc tự ý thức về những bất cập, yếu kém kéo dài trên lĩnh vực này. Dù là có phần xấu hổ của người tự xếp mình vào lĩnh vực này, cũng xin trích ra đây những đánh giá có tính tổng quát: “Lý luận văn nghệ còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của thực tiễn văn học, nghệ thuật; còn xa rời thực tiễn sáng tác; có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, chưa hình thành được tiêu chí khoa học cho phê bình, đánh giá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Lý luận văn học, nghệ thuật mác xít chưa được nghiên cứu tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Lực lượng làm lý luận, phê bình vừa mỏng lại phân bố không đều. Nhìn chung, lý luận, phê bình có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiên của phê bình bị xem nhẹ, xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống chuẩn mực tin cậy để đánh giá tác phẩm; văn hóa phê bình bị hạ thấp…”.

Có thể không nên bàn xem đánh giá trên có “nặng” hay không, mà cần coi đó là sự cảnh báo thẳng thắn và cần thiết. Nguyên nhân nào làm nên “thảm cảnh” (dùng từ này hơi cường điệu) đó? Lãnh đạo có, quản lý có, không thể lảng tránh. Song, trước hết và trực tiếp là thuôc về đội ngũ, như một nhận định được nêu ra ở trên “lực lượng làm lý luận, phê bình vừa mỏng lại phân bố không đều” và xem xét kỹ hơn, tất cả các bất cập, yếu kém nêu trên đều có nguyên nhân từ lực lượng này. Có nghĩa là, không nên quy tất cả các bất cập, yếu kém trên cho lãnh đạo và quản lý, mặc dù theo chức trách, bổn phận được giao, họ có trách nhiệm đối với lực lượng, đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ, và cùng đồng trách nhiệm với họ là chính chúng ta - những người hoạt động trên lĩnh vực này.

Với những nhận định trên, rõ ràng là trong quan hệ với sáng tác, lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam hiện nay đang đứng ở vị trí thứ ba “tụt hậu, lạc hậu, đi sau sáng tác”, và một trong các nguyên nhân gây nên thực trạng đó nằm trong đội ngũ, lực lượng hoạt động trên lĩnh vực này. Có nghĩa là, bài toán đặt ra là: làm sao phải đưa lý luận, phê bình văn nghệ lên vị trí thứ 1 (đồng hành, bạn đường, bạn đối thoại) hoặc cao hơn là vị trí thứ 2 (vừa đồng hành vừa góp phần đánh giá, điều chỉnh, dự báo và định hướng) đối với sáng tác văn học, nghệ thuật. Không làm được điều đó, chúng ta sẽ khó xây dựng được một nên văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại phát triển toàn diện, cân đối, đồng bộ và hài hòa. Không ai khác, đội ngũ lý luận, phê bình phải trực tiếp gánh vác trọng trách này bằng cách hợp lực đưa lý luận, phê bình văn nghệ vượt qua sự tụt hậu, lạc hậu… để đồng hành cùng sáng tác, trở thành một thành tố hữu cơ có ích cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật.

Như vậy, củng cố và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ là một quy luật phổ quát của sự phát triển một nền văn nghệ hiện đại, và qua đó, nó là hàn thử biểu để “đo” thực trạng, trình độ phát triển của tư duy, nhận thức của một thời kỳ lịch sử. Vì vậy, xin ai đó đừng nghĩ rằng, đó chỉ là công việc của một nhóm người, của năm, ba nghìn người hoạt động trên lĩnh vực “hẹp” này. Xét cho cùng, đó là diện mạo tinh thần của một xã hội hiện đại có phát triển theo đúng quy luật khách quan hay không?

2. Tôi đang viết những dòng trên thì phải dừng lại vì nghe một biên tập viên - người dẫn chương trình đối thoại, tọa đàm trên truyền hình - nói về một sự kiện “nóng” đang được cư dân mạng và dư luận báo chí - xã hội bàn tán, bình luận cả phê phán và bảo vệ sôi nổi, đó là 12 bức tượng tạc 12 con giáp với đầu và mặt là con vật (các con giáp), còn thân là hình người nhưng hoàn toàn sex (khỏa thân) được đặt tại một bờ biển - nơi du lịch nổi tiếng ở Hải Phòng. Để xoa dịu dư luận phản bác gay gắt, chủ khu du lịch đã phải mặc bikini cho các bức tượng rồi lại đeo các chùm lá nho vào “chỗ kín” mà lâu nay để hở hang hoàn toàn. Dư luận quần chúng (bảo vệ hay phê phán) còn khác nhau và chưa có hồi kết, tuy sự chê bai có phần mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Tôi không có ý định bàn về sự kiện này, mà qua đó, muốn lạm bàn hai thiển ý sau: Một là, việc 12 bức tượng trên không phải là hiện tượng cá biệt trong điêu khắc nói riêng, trong mỹ thuật nói chung của nước ta. Nhưng năm qua, sự vận động và phát triển của mỹ thuật Việt Nam đã và đang đặt ra rất nhiều những tìm tòi khác lạ, tạo nên những “ẩn số” chưa thể lý giải ngay. Cái gọi là tìm tòi cách thể hiện ở 12 bức tượng trên còn giản đơn và ít nhiều thô thiển. Sự phức tạp và khó tìm ra đáp số là những trăn trở thực sự của các hoạ sĩ đi theo các trào lưu hiện đại như sắp đặt, tượng trưng, lập thể… Số phận của nó sẽ ra sao trong lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam? Quần chúng tiếp nhận các trào lưu đó như thế nào, khi mà khoảng một thế kỷ qua, người tiếp nhận Việt Nam chủ yếu là thưởng thức những tác phẩm mỹ thuật theo khuynh hướng tả thực, tả chân? Và Hai là, trả lời cho các câu hỏi, tìm lời giải cho các ẩn số trên, không ai khác, trực tiếp là thiên chức của các nhà lý luận, phê bình mỹ thuật. Không làm được thiên chức đó, họ sẽ đứng ngoài, đứng bên lề của sự vận động đang diễn ra hết sức mau lẹ, đa dạng và phức tạp của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Những dấu hiệu, hiện tượng mới, khác lạ không chỉ diễn ra trong mỹ thuật, mà từ hơn 20 năm nay, nó đã hình thành và phát triển trong tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật Việt Nam, nó vừa là biểu hiện của sự tìm tòi, đổi mới để đi đến quá trình hiện đại hóa, hòa nhịp với thế giới, vừa đặt ra gay gắt những ẩn số cần đến “con mắt xanh” của các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để dự đoán số phận và quy luật phát triển của nó trong thực tiễn chính trị - xã hội - văn hóa - văn nghệ Việt Nam và trong quan hệ của nó với truyền thống văn hóa Việt Nam. Từ bộn bề các dẫn chứng, chỉ xin khái lược ở đây một vài dấu hiệu và hiện tượng mới, khác lạ đó. Đối với văn học là tiểu thuyết sắp đặt, là các tác phẩm thơ và văn xuôi được một số cây bút phê bình xếp vào “hậu hiện đại”, là sự xâm nhập lẫn nhau giữa các thể loại… Đối với âm nhạc là các thể loại nhạc Jazz, Pop, Hiphop, Rap, Bolero, âm nhạc dân gian đương đại và cả nhạc “ma túy”… Đối với múa là sự xuất hiện của các tác phẩm múa đương đại hoàn toàn khác với múa dân tộc truyền thống. Đối với điện ảnh là các phim truyền hình nhiều tập, có lúc đến “phát sợ”, phim “chế biến” từ kịch bản vay, mượn của nước ngoài, bên cạnh là các phim cực ngắn… Trong tình hình đó, khi mà sự bùng nổ không cưỡng lại được, sự xâm nhập ồ ạt và cả sự lên ngôi, chiếm thị phần ngày càng lớn hơn của các thể loại mới thì vị trí của các thể loại vốn quen thuộc với công chúng tiếp nhận sẽ ra sao? Tiểu thuyết, hội họa… tả thực có còn giữ vai trò lớn như trước đây? Âm nhạc trữ tình truyền thống của 30 năm (1945-1975) mà gần đây, người ta muốn lưu giữ nó bằng “giai điệu tự hào”, giữ vị trí ra sao trong tương quan với “nhạc trẻ”, với Jazz, Pop, Hiphop,?... Liệu thể loại sang trọng làm nên chất lượng cao và sự phát triển toàn diện của một nền âm nhạc hiện đại như giao hưởng, nhạc không lời sẽ có vai trò như thế nào trong sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại? Và ngay cả đối với các thể loại mới được du nhập vào nước ta, những thể nghiệm, tìm tòi mới, liệu số phần của nó ra sao trong tiến trình phát triển, nếu quá trình “Việt hóa” không đạt được các kết quả đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng tiếp nhận Việt? Ai sẽ trả lời - bằng nghiên cứu công phu và dự báo khoa học - cho những câu hỏi đó. Có người nói, theo luật đào thải và chọn lọc tự nhiên. Nhưng để chủ động xây dựng và phát triển một nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì nhiệm vụ trên chủ yếu thuộc về những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Như vậy, có nghĩa là, nói rằng, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có vai trò định hướng thì có vẻ hơi to tát, song, không thể phủ nhận, bằng nghiên cứu, nghiền ngẫm nghiêm túc, bằng tư duy khoa học và bằng năng lực cảm thụ tốt, người làm lý luận, phê bình hoàn toàn có thể nhận định, đánh giá và dự báo sự vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật trong một thời kỳ mà văn học, nghệ thuật của chúng ta đang ở giai đoạn giao thời, quá độ vất vả, khó khăn, chưa định hình như ngày hôm nay.

3. Trong những năm gần đây, lý luận, phê bình văn nghệ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiếp nhận và người tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật và xác định người tiếp nhận như người đồng sáng tạo và chỉ thông qua hiệu quả tiếp nhận thì giá trị của một tác phẩm từ là một tiềm năng mới trở thành giá trị hiện hữu. Với vị trí đó, người tiếp nhận trở thành một thành tố không thể thiếu, rất quan trọng và chủ động trong “vòng đời” của một tác phẩm. Chủ thể tiếp nhận đó, trong những năm vừa qua và có lẽ, trong những năm sắp tới, đang diễn ra một quá trình biến đổi cực kỳ nhanh chóng theo các chiều hướng sau: đa dạng hóa, cá thể hóa, phân nhóm và phân hóa. Không còn dễ dàng tìm thấy sự đồng nhất, thống nhất trong đánh giá, thưởng thức văn học, nghệ thuật như nhiều năm trước. Không chỉ biến đổi theo hướng đa dạng hóa, phân nhóm thị hiếu mà còn bộc lộ rõ cả sự khác nhau, thậm chí đối chọi nhau, ngược nhau trong tiếp nhận, đánh giá, cảm thụ tác phẩm. Những ý kiến trái ngược nhau xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa khác nhau, là một thực tiễn, ví dụ đối với các tác phẩm và cả các khuynh hướng sáng tác như “Thân phận tình yêu”, “Cánh đồng bất tận”, “Bóng đè”, Thơ và nhạc trẻ, “Bi ơi, đừng sợ”, múa đương đại, nghệ thuật sắp đặt…

Trong sự biến đổi phong phú, phức tạp trên của thị hiếu người tiếp nhận đang có sự cùng tồn tại, đan xen nhau giữa cái đúng và cái lệch lạc, cái truyền thống và cái mới, cái đã định hình và cái đang trong quá trình tự tìm kiếm. Đặc điểm đó đã và đang tác động mạnh sâu đối với đời sống và sáng tác văn học, nghệ thuật, không chỉ hôm nay và chắc chắn đối với nhiều năm sắp tới.

Cần nhận thức rằng, sự biến đổi, biến động của công chúng văn nghệ là một quy luật khách quan, và cao hơn là sự phát triển của quá trình dân chủ hóa. Vấn đề đặt ra là một mặt, tôn trọng sự phát triển hợp quy luật đó và mặt khác cần có năng lực, bản lĩnh điều chỉnh, định hướng và đáp ứng các nhu cầu tốt đẹp, lành mạnh, phong phú của công chúng nghệ thuật. Bên cạnh xu hướng cảm thụ mới mẻ, lành mạnh, đã và đang xuất hiện sự lệch lạc, tầm thường, thiếu hiểu biết trong thị hiếu của một bộ phận người tiếp cận. Đồng thời, vẫn còn tồn tại cách tiếp nhận cũ, lỗi thời, đặc biệt là xu hướng xã hội học dung tục. Những dấu hiệu trên đang đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống văn học, nghệ thuật của chúng ta.

Không ai khác, giới lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, cả những người hoạt động trực tiếp, chuyên nghiệp và cả các thầy cô giáo giảng dạy văn học, nghệ thuật ở nhà trường, từ phổ thông đến đại học, có trách nhiệm trong công việc cần nhiều công phu, tâm huyết, kiên nhẫn, tỉnh táo nhưng đầy khó khăn này.

4. Những năm gần đây, tôi chăm chú, chịu khó và rất hứng thú đọc một số bài và một số công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học của thế hệ được quen gọi là trẻ (nhưng thường đã trên dưới 30, 40 tuổi). Rõ ràng có một giọng điệu mới, những dấu hiệu đổi mới trong tư duy - khoa học và cả nghệ thuật - của các cây bút này. Nhiều người trong họ đã có thành tựu riêng và trở thành lực lượng “tác chiến” trên lĩnh vực này, đang thay thế dần cho đội ngũ lão thành. Đó là quy luật. Một trong những đặc điểm nổi trội của họ là luôn tìm sự đồng hành, song hành, đối thoại với sáng tác và qua đó, thể hiện mình. Mặt khác, sự tự thể hiện đó, ở một số cây bút, còn ở chỗ luôn chú ý tiếp nhận, vận dụng trực tiếp các lý thuyết phê bình của nước ngoài trong các bài, công trình lý luận, phê bình của mình. Đó là một bước tiến trong tư duy lý luận, phê bình của ta những năm qua khi giao lưu, tiếp biến và hội nhập văn hóa, có nghĩa là, đó là một đòi hỏi khách quan. Tuy vậy, có lúc tôi thất vọng khi đọc xong một bài phê bình tác phẩm cụ thể, tôi không hình dung nổi nội dung tác phẩm đó là gì, cái mới, cái riêng của nó ở đâu, mà chỉ thấy một mớ lý thuyết được áp đặt cho tác phẩm, chỉ được đọc những dòng tư biện, cao đàm, khoát luận của người viết tỏ ra biết nhiều, đọc nhiều (cả nguyên bản tiếng nước ngoài) các lý thuyết văn học, nghệ thuật của phương Tây. Từ cái “khuôn” đó, người viết đã “gọt chân cho vừa giầy”, đánh mất đi năng lực cảm thụ nghệ thuật, một trong những đòi hỏi không thể thiếu của phê bình cùng với yêu cầu tư duy khoa học nhuần nhuyễn, chuẩn xác của nó. Đó là hai mặt của một tờ giấy, có hai mặt đó, mới có phê bình văn học, nghệ thuật đích thực. Thực ra, nêu vấn đề trên, bài viết không có ý định đánh giá, mà qua đó, mong rút ra một suy nghĩ rằng, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc am hiểu sâu rộng truyền thống, đặc trưng của văn học, nghệ thuật dân tộc với năng lực vận dụng linh hoạt, tỉnh táo các thành tựu lý thuyết phê bình hiện đại, giữa bản lĩnh khoa học và năng lực cảm thụ nghệ thuật là những yêu cầu, đòi hỏi mới và cao đối với đội ngũ lý luận, phê bình văn nghệ thời kỳ mới - hiện nay và những năm dài sắp tới. Và phải chăng, đó là một nội dung quan trọng trong hệ thống các giải pháp nhằm củng cố và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam.

5. Khi cố gắng lý giải câu hỏi đơn giản “Vì sao” phải củng cố và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta hiện nay, bài viết đã đụng chạm đến một nội dung khác, đó là những lý do nội tại, cần thiết phải nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của lý luận, phê bình văn nghệ trong đời sống văn nghệ đương đại Việt Nam. Hay nói một cách khác, đó là giải pháp tổng quát nhất của hoạt động này. Chỉ có điều, nếu trình bày theo quy chuẩn quen thuộc, luận giải có tính chất lý thuyết chung cho mọi nền văn nghệ, thì bài viết dễ rơi vào công thức. Từ đó, bài viết có ý định gắn chặt vị trí, vai trò (có tính lý thuyết đó) với thực tiễn văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay để nhấn mạnh 4 lý do có tính thực tiễn cần phải nâng cao nhận thức vị trí, vai trò của lý luận, phê bình văn nghệ, đó là:

- Góp phần trực tiếp tạo nên một nền văn học, nghệ thuật phát triển toàn diện, cân đối, hài hòa, đồng bộ.

- Tham gia trực tiếp giải đáp những ẩn số đã và đang hình thành trong sự vận động nhanh chóng, phức tạp của văn nghệ Việt Nam đang ở một giai đoạn quá độ của sự phát triển.

- Đóng góp trực tiếp định hướng và phát triển trình độ nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng nghệ thuật đang trong giai đoạn đang diễn ra quá trình đa dạng hóa, cá thể hóa, phân nhóm và phân hóa.

- Góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình theo một kiểu mẫu mới: gắn với dân tộc, hiểu biết sâu rộng văn hóa dân tộc và tỉnh táo tiếp thu thành tựu của thế giới hiện đại, bản lĩnh khoa học hòa quyện với năng lực cảm thụ thẩm mỹ.

Mong ước của bài viết là, những người có trách nhiệm, những cán bộ đang giữ vị trí lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật có sự đồng cảm với ý định trên để không chỉ hiểu giải pháp tổng quát này như là một điều hiển nhiên, không cần làm rõ thêm.

Như vậy, phần thứ nhất của bài viết này có thể hiểu là: Cần nhận thức rõ hơn vai trò của lý luận, phê bình từ đòi hỏi của thực tiễn, thực trạng đời sống văn nghệ Việt Nam hiện nay.

Phần thứ hai, xin được đề cập đến hệ thống các giải pháp chính và cụ thể.

II. Làm gì?

1. Cho phép tôi kể về một kỷ niệm lớn trong đời. Tháng 8 năm 1966, tôi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thầy giáo tôi là giáo sư Lê Đình Kỵ, thấy tôi có ít nhiều khả năng nghiên cứu lý luận văn học và có sự ham thích lĩnh vực này, thầy đã gọi tôi lên và nói: Tôi sẽ giới thiệu em với giáo sư Vũ Khiêu, lúc đó đang phụ trách bộ môn Mỹ học ở Viện Triết học. Năm đó, cả khoa tôi đang sơ tán ở Đại Từ - Thái Nguyên. Thầy dặn cả thầy và tôi sẽ về Hà Nội gặp bác Vũ Khiêu. Một buổi tối ở Hà Nội lúc đó rất vắng người, vì người Hà Nội đã đi sơ tán vãn hết, tôi hồi hộp tìm đến nhà giáo sư Vũ Khiêu. Thầy Kỵ đã giới thiệu tôi với giáo sư. Nhìn tôi, giáo sư hỏi nửa thật, nửa vui đùa: “Thế em muốn trở thành cây dây leo hay thành cây cổ thụ?” Tôi bị bất ngờ, trả lời ngập ngừng như một bản năng: “Em không muốn trở thành dây leo cũng chẳng nghĩ gì tới cây cổ thụ, nhưng em thích môn này lắm”. Giáo sư Vũ Khiêu cười vui và nói với thầy tôi: “Tôi đồng ý nhận em này”. Nhưng, khoảng vài ba tháng sau, tôi nhận được quyết định ở lại trường, trở thành giáo viên chuẩn bị giảng bộ môn Lý luận văn học do thầy tôi - giáo sự Lê Đình Kỵ - làm Tổ trưởng. 52 năm đã qua, tôi vẫn nhớ câu chuyện đó và không bao giờ quên sự chăm lo cho học trò của mình của thầy Lê Đình Kỵ và sự định hướng nghề nghiệp cho tôi của giáo sư Vũ Khiêu, dù chỉ là một câu hỏi! Kể lại kỷ niệm này, tôi chỉ muốn rút ra một vài nhận thức thực sự bổ ích. Thứ nhất, để làm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, cần phải đào tạo, trong đào tạo phải có những người thầy giỏi, uyên thâm, luôn chăm lo cho sự phát triển của học sinh mình. Thứ hai, con đường đi tới được thành công trong lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, như gợi ý của giáo sư Vũ Khiêu, từ đào tạo trong nhà trường, phải qua quá trình dài “tự đào tạo” mới hy vọng đi dài trên con đường ấy. Vậy, đặc trưng của sự đào tạo ấy là gì?

Tôi nghe nói, ở một số trường đại học văn hóa, văn nghệ ở nước ta, khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh, thường có đề xuất ngay từ đầu, chỉ tiêu tuyển sinh ngành lý luận, phê bình, như Đại học Sân khấu - Điện ảnh chẳng hạn, hoặc như một thời có khoa “lý sáng chỉ” của nhạc viên? Có nghĩa là, ngay từ đầu đã có mục tiêu đào tạo lý luận, phê bình. Tôi nghĩ rằng, có lẽ, điều đó không đúng. Và vì thế mà có trường “xin” được chỉ tiêu sinh viên bộ môn lý luận, phê bình, nhưng hầu như không năm nào tuyển đủ và không biết, trong quá trình học có “rơi rụng” tiếp không, đặc biệt, khi tốt nghiệp, còn ai đi tiếp con đường của mình? Phải chăng, đó là một trong những lý do mà đội ngũ lý luận, phê bình các ngành nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, múa… luôn luôn thiếu hụt và không được bổ sung?

Cần phải có một cuộc cải cách thực sự công việc đào tạo đội ngũ này. Đó là nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu và chuyên biệt. Chuyên ngành là đào tạo toàn diện một ngành nghệ thuật. Những cây bút lý luận, phê bình tương lai cũng phải được đào tạo như sinh viên các ngành tương ứng để họ có vốn, có kiến thức cơ bản của một ngành nghệ thuật. Chuyên sâu, là sau một thời gian đào tạo chung (3 hoặc 4 năm đại học), cần phát hiện và chọn ra những sinh viên nào có năng khiếu, có ham thích bộ môn lý luận, phê bình để tập trung đào tạo “nghề” cho họ. Như vậy, không nên có “chỉ tiêu” lý luận, phê bình ngay từ đầu vào. Chuyên biệt là trong quá trình đào tạo ở giai đoạn 2, cần đưa những sinh viên này vào không gian và sinh hoạt nghệ thuật thuộc ngành mình để họ từng bước “nhập cuộc”, “tập sự”. Một không khí học thuật, trao đổi, tranh luận, tiếp xúc với quá trình “sản xuất tác phẩm” như biểu diễn âm nhạc, triển lãm mỹ thuật, dàn dựng vở kịch…) sẽ vô cùng bổ ích đối với người làm lý luận, phê bình trong tương lai. Quá trình đào tạo đó sẽ tạo ra những người làm lý luận, phê bình nghệ thuật vừa có một hiểu biết đầy đủ về ngành nghệ thuật của mình, vừa là người có năng lực nhận định, đánh giá có tính khoa học các sản phẩm của ngành nghệ thuật đó. Có nghĩa là, họ là người trong cuộc, chứ không phải là người viết lý luận, phê bình “chay”, như một vài “cây bút” chuyên điểm tác phẩm trên báo chí sau khi “lắng nghe” được một vài thông tin, dư luận về tác phẩm đó. Như vây, đào tạo một người sáng tác, chỉ huy, đạo diễn, diễn viên… đã rất công phu, thì nhiệm vụ đào tạo những người làm lý luận, phê bình lại có một quy trình đặc thù. Cái đặc thù đó còn thể hiện ở nội dung đào tạo, đặc biệt ở giai đoạn 2, giai đoạn chọn những người có năng khiếu, có ham thích, có khả năng tư duy khoa học. Đó là việc cung cấp vốn văn hóa, “phông” văn hóa cho họ. Người làm lý luận, phê bình, nếu chỉ hiểu biết chuyên ngành cụ thể, mà không có sự am tường rộng và sâu các lĩnh vực có liên quan (như văn hóa, triết học, chính trị học, lịch sử, xã hội học, các lý thuyết lý luận, phê bình…) sẽ không thể đi dài, đi xa được trên lĩnh vực của mình. Biết bao tấm gương lớn, cả thế giới và trong nước, đã minh chứng cho điều đó. Có nghĩa là, đào tạo đúng hướng trong nhà trường giữ vai trò vô cùng cần thiết, song tự đào tạo trong toàn bộ cuộc đời bao giờ cũng là nhân tố quyết định cho công việc của nhà lý luận, phê bình, theo đúng nghĩa của nó. Từ suy nghĩ trên, tôi nhận thấy, nếu so sánh với thực tiễn đào tạo lý luận, phê bình hiện nay ở các trường đại học văn hóa - nghệ thuật của ta, có lẽ cần phải bàn kỹ lại từ đầu và có một đề án mới. Nếu không làm như vậy, chúng ta chỉ dậm chân tại chỗ và thực trạng yếu kém của đội ngũ lý luận, phê bình nghệ thuật sẽ không thể khắc phục được.

2. Đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình, từ nhiều năm qua, không được quan tâm đúng mức và không có những giải pháp đột phá. Cái hạn chế đó lại đi cùng với một hạn chế khác, dai dẳng và nặng nề hơn, đó là vấn đề sử dụng đội ngũ này. Có nhà quản lý, chỉ đạo báo chí cho rằng, “đốt đuốc” đi tìm một cán bộ có năng lực trên lĩnh vực này mà không thấy để đặt họ vào đúng vị trí tham mưu, trợ lý cho Đảng, Nhà nước hoặc có nhiệm vụ “tác chiến” trên lĩnh vực lý luận, phê bình của các tờ báo, tạp chí. May mắn “vớ” được một cây bút nào đó để đưa về cơ quan đang là cách sử dụng, chọn người khá phổ biến hiện nay. Ở đây có mối tương quan tưởng như lỏng lẻo, nhưng thực chất có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, đó là quan hệ giữa đào tạo và sử dụng. Cần phải đào tạo theo nhu cầu, theo địa chỉ, theo vùng miền từ tỉnh, thành phố đến các ngành của Trung ương. Trong cả nước, chúng ta có khoảng 200 tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản và vài chục cơ quan nghiên cứu cần người làm công tác lý luận, phê bình văn hóa, văn học, nghệ thuật. Hiện nay, đội ngũ này, đặc biệt trên lĩnh vực các loại hình nghệ thuật, thiếu trầm trọng. Mặt khác, ở một số địa phương, những năm gần đây xuất hiện một số cây bút trẻ viết lý luận, phê bình có triển vọng, song phần lớn họ là “tự bơi”, rất ít được quan tâm thực chất. Như vậy, vấn đề quy hoạch (đào tạo gắn với sử dụng) đội ngũ này trong một thời gian tương đối dài, trở thành một giải pháp lớn, mà lâu nay, hình như chưa hề làm. Nhà trường cần nắm được nhu cầu của các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, của các cơ quan nghiên cứu, của các báo, tạp chí cả ở Trung ương và địa phương để lập kế hoạch đào tạo theo địa chỉ, từng bước lấp dần chỗ thiếu vắng. Mặt khác, các đơn vị, cơ quan sử dụng người, cần có sự liên kết trong đào tạo để bổ sung một cách chủ động cho đội ngũ lý luận, phê bình của mình. Không chỉ đào tạo cử nhân làm lý luận, phê bình mà cao hơn, đón đầu nhanh nhậy hơn, cần đào tạo những người có bằng cấp thật trên lĩnh vực khoa học này: thạc sĩ, tiến sĩ. Để làm được quy hoạch gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, cần có một đề án riêng mà người chủ trì nó chắc phải là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự phối kết hợp chặt chẽ, thực chất của các cơ quan, đơn vị sử dụng từ trung ương đến địa phương. Tuy địa phương (tỉnh, thành phố) nào cũng cần, song, trong những năm trước mắt, cần tập trung cho các trung tâm lớn về văn hóa, văn học, nghệ thuật như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Trong sử dụng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, cần đồng thời chú ý hai lực lượng chính: những người nghiên cứu lý luận chuyên sâu và đội ngũ “tác chiến” trên lĩnh vực này, có mặt thường xuyên để đồng hành với đời sống sáng tạo đang diễn ra sôi động, khẩn trương và phức tạp. Cần có sự xuất hiện các tài năng trong cả 2 lực lượng này và bằng những việc làm cụ thể, để chủ động tác động cho sự xuất hiện đó. Để làm được điều đó, cần nghĩ tới các giải pháp cụ thể sau:

- Tăng “đất” cho chuyên môn lý luận, phê bình của các báo và tạp chí chuyên ngành và cả các báo, tạp chí chủ lực của Đảng nhà nước. Lâu nay, hầu như bài lý luận, phê bình nào trước hết cũng bị “gò” vào số trang, số chữ. Tất nhiên, viết dài không phải là dấu hiệu của chất lượng, song biên tập viên, người đặt bài hầu hết cũng nói câu mở đầu: báo, tạp chí tôi chỉ cho “đất” thế thôi. Tôi được biết, ở nhiều nước, các tạp chí chuyên ngành hoàn toàn có thể chở được các bài lý luận chuyên sâu, nếu bài đó có giá trị phát hiện, có chất lượng khoa học cao.

- Tạo không khí trao đổi khoa học, tranh luận dân chủ đối với một số vấn đề lý luận văn nghệ đang đặt ra và đối với một số sự kiện, hiện tượng, tác phẩm mới xuất hiện đang có dư luận, ý kiến khác nhau. Nếu có định hướng đúng, “người cầm chịch” khách quan, có bản lĩnh, có trình độ, có tâm… Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra không khí học thuật dân chủ, khách quan, xây dựng, vì vậy, thiết nghĩ không nên né tránh công việc này. Có lẽ, công việc vốn bình thường đã trở nên “không bình thường”, trở nên “nhạy cảm” nên không khí trao đổi, đối thoại học thuật trên lĩnh vực này, vài năm gần đây, hầu như vắng bóng. Có những hội thảo khoa học lớn, quy mô “quốc gia” nhưng chỉ có người đọc bài viết sẵn, thậm chí có người nói, cố tạo không khí trao đổi, mà chẳng có lời hưởng ứng! Có ai vỗ tay mà chỉ có một bàn tay? Vì vậy, rất nhiều vấn đề lý luận văn nghệ và nhiều sự kiện văn học, nghệ thuật còn bỏ ngỏ. Hậu quả đó, ai cũng biết, nhưng đến nay, chưa có một hướng giải đáp khoa học, hợp lý. Bỏ ngỏ rồi bỏ lửng!

- Xuất bản những công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật với số lượng phù hợp để công bố những kết quả nghiên cứu mới về những đánh giá, phê bình có chất lượng. Những năm gần đây, một số nhà xuất bản đã “dũng cảm” cho ra mắt những công trình đó. Nói là dũng cảm, không hề có ý “ngoa ngữ”, mà là sự thật, vì tiêu thụ các công trình đó trong tình hình hiện nay, quả là khó khăn bội phần. Tôi đã được thẩm định một số công trình thực sự có chất lượng, song số bản in chỉ là 300 (với dân số cả nước gần 100 triệu), và có công trình, tác giả phải tự bán, tự tìm cách phát hành. Vì tình hình đó, gắn liền với đề xuất trên, xin đề nghị thành lập một quỹ cho xuất bản các công trình loại này. (Tôi được biết, ở Hàn Quốc, để dịch, xuất bản, phát hành một tác phẩm văn học, một công trình nghiên cứu văn học của Hàn Quốc ra nước ngoài, người dịch, nhà xuất bản, nhà phát hành được nhận từ quỹ hỗ trợ khoảng 12.000 đô la!). Một bài phê bình văn học, nghệ thuật ở ta được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành có uy tín, tiền nhuận bút chỉ từ 500.000đ đến 900.000đ. Cần có những giải thưởng thực sự có giá trị hàng năm trao cho những bài, những công trình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Xin lưu ý, tiền giải thưởng cao rất quan trọng, song, cùng với nó là biểu hiện của sự tôn vinh, tôn trọng các giá trị khoa học, giá trị trí tuệ của người lao động, sáng tạo trên lĩnh vực thầm lặng này.

3. Những người làm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thuộc thành viên của các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương. Ở ta, nhiều năm nay tổ chức như vậy đã ổn định. Và phải nhận thấy rằng, vượt qua những năm trước đây ít nhiều bị “lép vế”, chỉ như là bộ phận “thêm vào” của sáng tác trong các Hội, thì những năm gần đây, lực lượng này đã được chú ý hơn. Tuy vậy, cách tổ chức như vậy không có điều kiện làm rõ tính đặc thù, đặc trưng nghề nghiệp của đội ngũ lý luận, phê bình và mặt khác, đội ngũ này bị xé lẻ ra, không có không gian khoa học để trao đổi, luận bàn, học hỏi và thông tin với nhau. Liệu có một phương án khác có thể khắc phục được các hạn chế trên mà không “xáo trộn”, “phình ra” về mặt tổ chức? Hiện nay, ở các hội cụ thể đều có hội đồng (hoặc ban) lý luận, phê bình của riêng mình. Nếu những người làm lý luận, phê bình thuộc các hội trên tổ chức thành Hiệp hội Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ tạo nên sức tập hợp chung rộng lớn hơn và thể hiện đặc trưng nghề nghiệp của họ rõ ràng hơn. Tổ chức đó có thể trở thành một thành viên của Hội Liên hiệp văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đề xuất này không mới, hình như đã có từ vài chục năm trước, có thời gian đã “rục rịch” chuẩn bị, song đâu lại về đấy, trở về mô hình truyền thống (Được biết, sau nhiều năm chuẩn bị, năm 2015, mô hình ấy đã ra đời ở Trung Quốc). Có lẽ, cần có một đề án riêng cho giải pháp này.

Nguồn: Tạp chí Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung Ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:166 | lượt tải:54

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:166 | lượt tải:33

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:327 | lượt tải:46

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:589 | lượt tải:62

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1239 | lượt tải:357
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ