BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG BÍ THƯ TẠI LỄ KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LIÊN HIỆP CÁC HỘI VHNT VIỆT NAM

Thứ hai - 30/07/2018 13:59

(Chinhphu.vn) - Sáng 25/7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập (1948-2018) và đón nhận Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

http://baochinhphu.vn/Uploaded/nguyendieuhuong/2018_07_25/Medium_BANH0725155.jpg 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

 

Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các bác, các anh, các chị, các đồng chí và các bạn,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mà tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật yêu nước và cách mạng đã đồng hành và gắn bó với Đảng, với dân tộc và nhân dân ta trong suốt mấy chục năm qua. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, các vị khách quý, anh chị em văn nghệ sĩ có mặt hôm nay và qua các đồng chí, các bạn, gửi đến toàn thể những người làm công tác sáng tạo văn học, nghệ thuật cả nước lời chào thân ái, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các bác, các anh, các chị, các đồng chí, các bạn dồi dào sức khoẻ, dồi dào sức sáng tạo, hạnh phúc và đạt được nhiều thành công mới trong sự nghiệp cao quý của mình. Cũng nhân dịp kỷ niệm trọng thể và đầy ân tình hôm nay, chúng ta dành những tình cảm kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã cống hiến và hy sinh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đến những người đã quá cố, để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm có giá trị, làm phong phú và rạng rỡ cho nền văn học, nghệ thuật cách mạng nước nhà.

Thưa các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn,

Như chúng ta đều biết, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hoá, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc tự giải phóng mình. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939) và Mặt trận Việt Minh (1941- 1945), những người cộng sản và yêu nước đã dùng vũ khí văn học, nghệ thuật để vận động cách mạng từ trong ngục tù cũng như ngoài công chúng trên các báo chí công khai của Đảng. Đặc biệt, sự ra đời của Đề cương Văn hoá Việt Nam năm 1943 - Chiến lược đầu tiên về văn hoá của Đảng - đã có sức thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức-văn nghệ sĩ vào "Hội Văn hoá cứu quốc" - một bộ phận của Mặt trận Việt Minh, góp phần động viên, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tiếp nối Hội Văn hoá cứu quốc, trước những đòi hỏi mới của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang chuyển sang giai đoạn bước ngoặt, tháng 7/1948, Hội Văn nghệ Việt Nam được thành lập, trở thành nơi tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ cả nước trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến với tư cách nghệ sĩ - chiến sĩ, chiến sĩ - nghệ sĩ, đóng vai trò nòng cốt xây đắp nên một nền văn học, nghệ thuật mới kháng chiến và cách mạng, đúng như lời chỉ dẫn của Bác Hồ "Kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến" và "Văn hoá, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

Ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Nhiều văn nghệ sĩ ra mặt trận, vừa cầm bút vừa cầm súng, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, ngoại giao... trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay, nhìn lại, dù có thể chỉ ra một vài hạn chế có tính lịch sử khó tránh khỏi, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền tự hào rằng, giai đoạn văn học, nghệ thuật đó đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng chủ nghĩa xã hội. Cảm ơn các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đã làm nên thành tựu đó! Cảm ơn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thực sự trở thành một môi trường sáng tạo lành mạnh, một mái nhà chung đầm ấm của các thế hệ văn nghệ sĩ trong giai đoạn lịch sử lớn lao, hào hùng này của dân tộc!

Bước sang thời kỳ hoà bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật của chúng ta vừa tiếp tục phát huy truyền thống của mình trong kháng chiến, vừa là một tiếng nói trách nhiệm và tâm huyết, góp phần cùng với Đảng và nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới có ý nghĩa cách mạng sâu sắc từ năm 1986 đến nay. Hơn 30 năm qua, từ sức tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên sự phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hoá về nội dung và phương thức biểu hiện... Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vượt lên chính mình, âm thầm lao động sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Với những thành tích đáng tự hào nêu trên, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành và địa phương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Hàng nghìn văn nghệ sĩ trong cả nước đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian, Nghệ nhân Ưu tú, trong đó có những người được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thể hiện sự đánh giá cao, sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Và tại buổi Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có vinh dự lớn được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và cảm ơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thưa các vị đại biểu và anh chị em văn nghệ sĩ,

Những ngày tháng này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ, đang ra sức phấn đấu, nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhằm đưa đất nước ta ngày càng phát triển. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Đảng ta tiếp tục khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.

Để hoàn thành tốt nhất vai trò to lớn đó của văn học, nghệ thuật, chúng ta cần đặt nó trong yêu cầu, nhiệm vụ chung của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng kinh tế phát triển nhanh và bền vững; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; mở rộng quan hệ đối ngoại... nhằm tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới, phát triển toàn diện và đồng bộ. Ở đây có thể nói, giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt trong các chủ trương lớn đó vẫn là vấn đề xây dựng văn hoá và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Thưa các đồng chí, anh chị em văn nghệ sĩ. Điều đó không phải là lý thuyết mà là một bài học kinh nghiệm thực tiễn to lớn và vô cùng sâu sắc trong gần 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng. Và điều đó cũng có quan hệ mật thiết với sứ mệnh, chức năng, vai trò của văn học, nghệ thuật: "Văn học là nhân học" như M.Gorki đã khẳng định. "Nhà văn là người thư ký của thời đại" như Balzac đã từng nói. Trực tiếp tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước, miêu tả cho hay, cho chân thật, sinh động và có sức thuyết phục sự nảy sinh và phát triển cái mới, cái tốt đẹp, cao cả trong đời sống; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hoá, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, qua đó góp phần tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng con người, đổi mới và phát triển đất nước, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn học, nghệ thuật Việt Nam hôm nay và nhiều năm tới. Đó cũng chính là sức mạnh chiến đấu đặc biệt của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới. Bác Hồ đã dạy: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hoá và trí thức phải làm". Điều đó có nghĩa là, đấu tranh bảo vệ, nuôi dưỡng, khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp và chống cái ác, cái xấu xa, thấp hèn là chức năng, nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật, nó không có bất cứ một áp lực nào từ trên hay từ bên ngoài vào. Đảng không áp đặt, ép buộc, gán cho văn học, nghệ thuật một nhiệm vụ "chính trị" khô khan, giản đơn, nhất thời nào, mà hiểu nó như một sứ mệnh, một sức mạnh vốn có của văn học, nghệ thuật chân chính, đặc biệt trong cuộc đấu tranh ngày hôm nay.

Để làm tốt sứ mệnh đó, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bao gồm các hội chuyên ngành ở Trung ương và các hội địa phương cần phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ và tính ưu việt, đặc trưng của các loại hình cụ thể như văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, kiến trúc, văn nghệ dân gian, lý luận, phê bình văn nghệ để tạo nên tính đa dạng trong khám phá, sáng tạo cuộc sống và con người, đồng thời tìm phương thức phù hợp để hội tụ mọi sự sáng tạo đó vào mục tiêu cao nhất: Nuôi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam của thời kỳ mới.

Cùng với nhiệm vụ đó, tôi đề nghị các anh, các chị, các đồng chí bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với tinh thần tự phê bình và phê bình sâu sắc nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém nảy sinh trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật những năm gần đây, như: Có hay không biểu hiện xa rời những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo đề tài nhỏ nhặt, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục, nhận thức; nặng về tô đậm mặt tiêu cực, đen tối của cuộc sống, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử; tiếp thu thiếu chọn lọc sáng tác, lý luận văn nghệ nước ngoài dẫn đến biểu hiện lai căng, chuộng ngoại, bắt chước, chạy theo thời thượng? Có phải những hạn chế đó đã dẫn tới tình trạng số lượng tác phẩm, tác giả thì nhiều, nhưng còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, làm suy giảm sức hấp dẫn và sự ham say của quần chúng đối với văn học, nghệ thuật? Cần có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó?

Tôi tin tưởng rằng, nền Văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ được rèn luyện, thử thách trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, với truyền thống vẻ vang của dân tộc, phát huy những thành quả của Văn học, nghệ thuật 70 năm qua, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để có thêm nhiều tác phẩm xứng đáng với con người và Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

Để tạo điều kiện cho Văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn mong muốn, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Đồng thời, xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới, hội nhập sâu rộng đang diễn ra rất sôi động, nhanh chóng và xuất hiện nhiều vấn đề mới khác nhiều so với trước đây trong chiến tranh và thời kỳ quan liêu, bao cấp. Điều đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng con người Việt Nam "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Chỉ có như vậy, Văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng.

Nhân đây, tôi có đôi điều muốn trao đổi, tâm tình thêm với anh em văn nghệ sĩ trẻ. Chúng ta đều đã biết, thời đại chúng ta, cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều để nói, để viết, nhưng quan trọng là nói như thế nào, viết như thế nào? Nhiều người thường bảo văn nghệ phải chiếu sáng cuộc sống, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình; văn nghệ bồi dưỡng, nâng cao con người chứ không phải chỉ là nơi giãi bày tâm trạng cá nhân, hạ thấp con người. Mong sao các văn nghệ sĩ nhận thức và thể hiện thật rõ điều đó để xứng đáng là niềm hy vọng mới của nhân dân; đừng để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình. Các đồng chí cần thường xuyên học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, vững vàng hơn. Bài học đó phải chăng vẫn là: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hoà nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường. Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn, có tầm nhìn xa rộng, có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai.

Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực cả về vật chất và tinh thần để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới. Phải coi đây vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.

Một lần nữa, tôi xin chúc các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!

Chúc cho nền Văn học, nghệ thuật nước nhà sắp tới có bước phát triển mới, đầy khởi sắc và nhiều thắng lợi!

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:235 | lượt tải:88

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:209 | lượt tải:58

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:483 | lượt tải:73

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:790 | lượt tải:72

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1388 | lượt tải:366
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ