Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới cũng đã nêu rõ: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu; thể hiện khát vọng vươn tới chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Như vậy, văn học, nghệ thuật góp phần xây dựng con người ngày càng hoàn thiện, xây dựng xã hội ngày càng tiến bộ, nhưng muốn làm tốt việc này cần có sự định hướng cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục, cổ vũ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sỹ nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng cảm thụ, năng lực sáng tạo, bản lĩnh và chân thực trong hoạt động sáng tác. Chú trọng, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác. Khuyến khích văn nghệ sỹ bám sát thực tiễn của đất nước, của địa phương, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ cái hay, cái đẹp, lên án cái xấu, cái ác để xây dựng một tác phẩm tốt, phản ánh cuộc sống một cách chân thật, sinh động có tính thẩm mỹ và giáo dục cao.
Năm 2007, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 22-CT/TW về việc tăng cường công tác tư tưởng chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay. Qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, các hoạt động sáng tác, biểu diễn có đổi mới về nội dung và hình thức, từng bước nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa ở một số lĩnh vực, quan tâm hướng về cơ sở. Tính đến nay, đội ngũ văn nghệ sỹ đã sáng tác và được phát hành trên 30 đầu sách, tuyển tập về thơ, văn, ca nhạc, mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, hơn 120 tranh nghệ thuật, phát hành 3.000 đĩa CD, VCD, DVD ca nhạc. Tạp chí Văn nghệ mỗi năm phát hành 12 số, với số lượng bình quân 1.000 bản/kỳ. Hàng năm, tổ chức từ 2 đến 3 cuộc triển lãm tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, góp phần xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ ngày càng lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm văn học, nghệ thuật tốt đã có tác động tích cực trong việc hình thành nhân cách, vun đắp tâm hồn cao đẹp con người.
Trong Chương trình hành động số 42-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa đã nhấn mạnh: Xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh có tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống văn hóa theo phương châm "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 260/KH-UBND về thực hiện Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 11 nội dung cụ thể dành cho mọi đối tượng thực hiện. Đối với cơ quan truyền thông, báo chí đã tiến hành xây dựng chuyên mục “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” nhằm mục đích cuối cùng là hình thành con người có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã đề ra. Tạp chí Văn nghệ Bình Phước đã xây dựng chuyên mục này là nhằm đề cao vai trò, xác định trách nhiệm của đội ngũ sáng tác trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Việt Nam, góp phần trong việc thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”.
Có ai đã từng nói: không có New tơn thì trái táo vẫn rơi; không có một số nhà khoa học lớn phát minh ra máy hơi nước, bóng đèn điện...thì theo thời gian cũng sẽ xuất hiện, tuy có thể chậm, nhưng không có Nguyễn Du thì mãi mãi không có tuyệt tác "Truyện Kiều", không có Lev Tolstoy thì không có kiệt tác "Chiến tranh và Hòa bình". Tất nhiên, ở đây không có sự so sánh, đề cao lĩnh vực nào hơn lĩnh vực nào, nhưng thực tế là vậy. Nêu ra vấn đề này là để chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, một số sở, ngành, đơn vị có sự quan tâm tạo điều kiện cho hoạt động văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương, đơn vị còn thờ ơ, xem văn hóa, văn nghệ là dạng "cờ đèn kèn trống; đài hoa loa thùng" không tạo ra của cải vật chất, nên xếp vào hàng "thứ yếu" ít quan tâm. Và đây cũng là vấn đề đặt ra để chúng ta xem xét một cách thấu đáo, từ đó có cái nhìn khách quan, công bằng hơn đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời gian tới để đội ngũ văn nghệ sỹ được tạo điều kiện tốt nhất về mặt vật chất cũng như tinh thần để có động lực tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phục vụ công chúng.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 - 2022 Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tỉnh ủy tặng cho đại hội Bức Trướng với dòng chữ: "Đoàn kết - Dân chủ - Trí tuệ - Đổi mới" với mong muốn trong thời gian tới, hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ngày càng phát triển, thực hiện tốt sự đoàn kết, dân chủ, đổi mới; đội ngũ cán bộ, văn nghệ sỹ luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ, sáng tạo để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị. Qua đó, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài tỉnh về vùng đất, con người Bình Phước năng động, thân thiện, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học, nghệ thuật của tỉnh, đề cao phẩm chất, đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách con người Việt Nam, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đây cũng là kỳ vọng của Đảng bộ tỉnh về thực hiện tốt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tóm lại, để đưa nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật đi vào cuộc sống nói chung và vào hoạt động sáng tác nói riêng một cách thiết thực, hiệu quả. Điều quan trọng nhất, cần xác định quan điểm, chủ trương đúng, phải xem văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, có vị trí, vai trò lớn trong đời sống xã hội, để từ đó tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng; nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hiệu lực, hiệu quả về quản lý Nhà nước của chính quyền và sự đồng tình hỗ trợ của các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể xã hội. Có như vậy, tin tưởng rằng hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển, đáp ứng trước yêu cầu mới cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
TRẦN VĂN QUÂN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn