vnvn

Di sản Bình Phước: "HÀNH TRÌNH ĐI TÌM NHẠC CỤ ĐÃ MẤT CỦA NGƯỜI S'TIÊNG"

Thứ tư - 06/12/2017 09:06
Kèn sừng trâu là loại nhạc cụ độc đáo và riêng có của người S'tiêng. Kèn sừng trâu được sử dụng để phối hợp biểu diễn chung với cồng chiêng, gắn liền với cồng chiêng và cũng là là loại nhạc cụ quý, là của gia bảo, là phương tiện để trao đổi thông tin với các thần linh, là loại nhạc cụ gắn bó với người S'tiêng kể từ khi chào đời cho đến khi về với ông bà tổ tiên. Mặc dù không được xếp trong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng cồng chiêng S'tiêng có nhiều điểm tương đồng với cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên và cũng có nhiều nét độc đáo riêng về tính năng nhạc khí, biên chế số lượng, phương pháp diễn tấu mà đặc biệt là sự phối hợp biểu diễn giữa cồng chiêng và kèn sừng trâu.
Ông Điểu Hoi bàn giao bộ kèn sừng trâu của người S'tiêng cho ông Nguyễn Ngọc Lương
Ông Điểu Hoi bàn giao bộ kèn sừng trâu của người S'tiêng cho ông Nguyễn Ngọc Lương

     Tôi may mắn được phân công công tác tại Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo. Mặc dù thời gian công tác ngắn nhưng do trước đây khi làm công tác Đoàn đã có thời gian sống và làm việc trong vùng đồng bào, nên khi nhận nhiệm vụ tôi nhanh chóng làm quen với già làng, các cán bộ cốt cán và thanh niên tiêu biểu tại địa phương. Ngay khi nhận nhiệm vụ tôi xác định việc tổ chức các hoạt động văn hóa như: thành lập đội chiêng, đội múa, tìm những người biểu diễn được các nhạc cụ dân tộc để tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ du khách đến tham quan là việc cần làm ngay. May mắn là đồng bào sống xung quanh Khu Bảo tồn đã có sẵn một đội múa, một đội chiêng, một số người biểu diễn được các nhạc cụ dân tộc dù tuổi đã cao. Tôi dễ dàng tập hợp và tổ chức tập luyện thành một chương trình để phục vụ du khách.

     Tôi gặp nghệ sỹ nhân dân Phi Long và nhạc sỹ Kpa Y lăng hỏi những kiến thức về múa dân gian và cồng chiêng tây nguyên, các thầy đã giảng giải cho tôi nhiều về những kiến thức trên và còn chỉ cho tôi địa chỉ có nhiều thông tin nhất là Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhanh chóng xuống Viện để tìm hiểu và gặp ngay anh Trần Văn Trung cán bộ của Viện, người đã có thời gian nghiên cứu văn hóa của người S'tiêng tại Bù Đăng về các nội dung như phong tục, tập quán, các lễ hội, dân ca, trang phục và ẩm thực. Anh kể cho tôi nghe quá trình nghiên cứu của mình vì không có chữ viết nên tất cả các kiến thức văn hóa của người S'tiêng chủ yếu là truyền miệng hoặc phải tìm hiểu qua thực tế đời sống của đồng bào. Anh không biết tiếng S'tiêng nên sau mỗi ngày nghiên cứu, qua những bản ghi chép và ghi âm anh nhờ anh Điểu Đưu, dịch ra tiếng Việt hoặc diễn giải những nội dung nghiên cứu được rõ hơn. Anh Trung sau khi cung cấp cho tôi những thông tin và tư liệu nghiên cứu, còn nhắc tôi nên về tìm anh Điểu Đưu sẽ có những kiến thức thực tế hơn.

     Tôi về và hỏi những người quen ở Đăk Nhau về anh Điểu Đưu nhưng do thời gian đã lâu, hơn 10 năm nên không ai biết cả, phải hơn hai tháng tìm hiểu tôi mới biết nơi anh Đưu ở trước đây là xã Đăk Nhau nhưng nay đã tách ra thành xã Đường Mười. Gặp nhau tôi mới biết anh hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng già làng xã Đường Mười. Tôi giới thiệu mình làm ở Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo đang đi tìm hiểu văn hóa của người S'tiêng và mời các đội chiêng tham gia chương trình biểu diễn cồng chiêng và nghệ thuật truyền thống S'tiêng do Khu Bảo tồn tổ chức, tôi cũng kể đã gặp anh Trung và được anh Trung giới thiệu gặp Anh. Anh vui vẻ và say sưa kể với tôi về văn hóa của người S'tiêng, đặc biệt là chương trình biểu diễn cồng chiêng trong các lễ hội, nhưng anh cũng nuối tiếc vì cồng chiêng S'tiêng ở buôn sóc của anh bây giờ không còn nữa. Cả sóc mà không còn một bộ cồng chiêng nào, người đánh cồng chiêng thì chỉ còn những người già, lớp trẻ thì hầu như không biết. Anh kể ngày xưa có lễ hội, cồng chiêng đánh suốt cả ngày đêm, hết đội này thì đến đội khác, nhiều người biết đánh nên vui lắm, vừa đánh vừa uống rượu cần rồi thi đua với nhau, có khi đánh cồng chiêng còn biểu diễn với kèn sừng trâu mà cái này thì khó lắm, chỉ người giỏi mới biết biểu diễn thôi.

     Khi hỏi kèn sừng trâu là kèn như thế nào? Anh giải thích kèn sừng trâu là loại kèn được làm bằng sừng trâu dùng để diễn chung với chiêng. Tôi đặt vấn đề nó có giống cái tù và không? Anh nói không, tù và thì khoét lỗ ở đầu sừng để thổi còn cái này thì khoét ở giữa và một bộ phải có sáu cái như bộ chiêng vậy. Nguyên bộ chiêng của người S'tiêng biên chế 06 cái, đây là nhạc cụ làm cơ sở để chế tác các nhạc cụ khác như: Đàn Đinh Jứt cũng có sáu dây (Người Raglay gọi là đàn Chapi, nhưng chỉ có 04 dây do chế tác theo bộ mã la chỉ biên chế 04 cái), đàn bầu có sáu ống nứa được gắn vào trái bầu khô, kèn sừng trâu có sáu cái được chế tác từ sừng trâu. Khi biểu diễn chiêng, người S'tiêng sẽ đeo chiêng vào vai trái, dùng tay phải đánh vào mặt chiêng ở khoảng giữa tâm và mép ngoài của chiêng, tay trái thì dũng chặn ngắt ở mặt trong để tạo ra bội âm. Cách đánh thì có thể ngồi, xếp hàng ngang hoặc đi vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Thường thì người S'tiêng chỉ diễn chiêng mà ít khi phối hợp với các nhạc cụ khác, nhưng khi biểu diễn chiêng chung với kèn sừng trâu thì thực sự là một sự độc đáo mà không một bộ cồng chiêng của dân tộc nào có được.

     Sự độc đáo trước hết thể hiện ở việc trâu là một loài động vật thường được dùng làm vật hiến sinh trong lễ hội của các dân tộc. Nhiều bộ phận của trâu được sử dụng để hiến thần, chế tác các nhạc cụ hoặc làm vật dụng. Cũng như các dân tộc khác, trong lễ hội, người S'tiêng dùng máu trâu và đầu trâu để hiến thần, dùng da trâu để làm trống, dùng đuôi trâu để gắn vào chuôi của cây lao, nhưng độc đáo hơn người S'tiêng còn dùng sừng trâu để chế tác thành nhạc cụ là kèn để biểu diễn chung với chiêng, điều này thì các dân tộc khác không có. Nếu có thì chỉ là những nhạc cụ dùng để diễn độc lập chứ không thể diễn chung với chiêng. Kèn sừng trâu thực sự là một nhạc cụ riêng có của người S'tiêng.

      Sự độc đáo của chiêng và kèn sừng trâu là khi biểu diễn cùng nhau, một người phải cùng lúc sử dụng cả hai nhạc cụ này. Tay thì đánh chiêng còn kèn sừng trâu thì được đeo trên đầu, miệng ngậm vào lỗ hơi để thổi và cứ tay đánh bài chiêng nào thì miệng lại thổi bài chiêng đó, nhịp điệu và tiết tấu phải rất nhịp nhàng với nhau.

     Độc đáo như vậy nhưng khi hỏi anh Đưu ở đâu có bộ kèn này thì anh nói không biết. Đã lâu rồi anh không còn thấy nó nữa và cũng không được nghe ai nói là ở đâu có nó. Nhưng có một điều may mắn là anh biết có người còn làm được bộ kèn này. Tôi hỏi ở đâu thì anh nói bên xã Bù Gia Mập, (tên là gì thì anh không nói), nếu có sừng trâu thì anh có nhờ người đó làm được không? Anh nói là nhờ được nhưng sừng trâu ở đâu, vì phải tìm nhiều cái sau đó lựa ra sáu cái từ lớn đến nhỏ mới làm được, mà sừng trâu thì khó kiếm lắm. Tôi nói là tìm được và anh hứa với tôi nếu có thì anh sẽ nhờ người đó làm. Anh còn nói, sau khi làm xong sẽ tập một đội ở xã Đường Mười để biểu diễn. Tôi về, một tuần sau thì mang lên cho anh 16 cái sừng trâu, anh mừng lắm và hứa sẽ làm ngay. 10 ngày sau anh gọi lại nói là chưa làm được vì còn thiếu sáp ong nữa. Anh nói phải có sáp của con ong đất là loài ong sống dưới đất hoặc trong bọng cây, sáp của nó màu đen có độ kết dính rất cao thì mới làm được mà bây giờ anh không biết tìm ở đâu ra.

     Tôi về hỏi mọi người ở Khu Bảo tồn có thể tìm được không thì ai cũng nói khó kiếm lắm nhưng sẽ cố gắng. Nhiều ngày trôi qua mà cũng không tìm được, tôi sực nhớ đến Điểu Sroi là người ở xã Đồng Nai cũng biết làm và biểu diễn nhạc cụ S'tiêng mà lại hay đi rừng. Tôi hỏi anh có tìm được không anh nói tìm được nhưng mắc lắm, phải 300.000 đồng một lạng. Tôi nói được anh cứ tìm đi, ba hôm sau thì anh báo tôi có rồi, khi anh mang ra cục sáp màu đen chỉ bằng nắm tay thôi, tôi trả tiền cho anh rồi chạy ngay vào nhà Anh Điểu Đưu, nhìn cục sáp ong anh Đưu nói đúng rồi, anh vui lắm và hứa sẽ mang ngay sang Bù Gia Mập để làm.

     Tôi về nhà và tiếp tục chờ đợi, nhưng nhiều ngày, nhiều tháng trôi qua mà liên lạc với anh không được, vào nhà thì anh đi vắng, gọi điện có lúc anh nghe máy, có lúc thì không, khi nghe máy thì anh nói đang làm. Tôi sốt ruột lắm nhưng không biết làm sao. Tự nghĩ chắc là người đó cũng không làm được nên anh ngại không dám nói thật với tôi.

     Sau đó thì tôi chuyển về cơ quan cũ và không làm ở Khu Bảo tồn nữa. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh có thư mời Đoàn nghệ thuật S'tiêng xuống biểu diễn. Tôi được cơ quan phân công thành lập đoàn và tập luyện tiết mục để tham gia. Tôi liên hệ đội Chiêng và Đội múa của Khu Bảo tồn Sóc Bom Bo, mời em Điểu Chương là học sinh Trường Dân tộc nội trú tỉnh và nghệ nhân Điểu Kiêu ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập tham gia. Hôm lên nhà anh Điểu Kiêu để kiểm tra tiết mục, tôi đi cùng nhà báo Đông Kiểm của Báo Bình Phước, anh là người nhiệt tình với nghề Báo, muốn tìm hiểu văn hóa S'tiêng để viết bài. Tiện thể tôi gọi lại Anh Điểu Đưu để hỏi về người làm kèn sừng trâu, lúc này anh mới nói đó là anh Điểu Hoi ở xã Bù Gia Mập. Tôi và anh Đông Kiểm cùng anh Kiều Đình Tháp ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập vào nhà anh Điểu Hoi. Hỏi ra mới biết anh làm được kèn sừng trâu, đã nhận 16 cái sừng trâu và sáp ong do Anh Điểu Đưu mang sang nhưng anh Điểu Đưu chưa đưa tiền nên anh chưa làm. Tôi hỏi bao nhiều tiền anh nói bộ kèn cuối cùng mà anh làm là năm 1989 cách đây đã 28 năm, lúc đó anh đổi cho một người ở Đăk Nhau với giá một con trâu nghé, bây giờ phải trả tiền cao anh mới làm. Hóa ra là như vậy, vì nhiều tiền quá nên anh Điểu Đưu ngại mà không dám nói thật với tôi. Tôi thỏa thuận và đồng ý đặt anh làm một bộ, tôi đặt tiền cọc rồi cùng anh và mọi người nói chuyện về bộ kèn sừng trâu. Tôi hỏi anh về cách chế tác và biểu diễn, về những câu chuyện gắn với kèn sừng trâu, về những hình ảnh và kỷ niệm của anh với kèn sừng trâu, về lý do vì sao kèn sừng trâu không được chế tác để biểu diễn cùng với chiêng nữa? Anh trả lời và tôi hiểu rằng mình thật may mắn khi được gặp anh, vì thực sự người biết làm kèn sừng trâu như anh không còn nhiều nữa.

     Sau chuyến đi biểu diễn kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN về, tôi liên lạc thì anh Điểu Hoi đã làm xong bộ kèn. Tôi mời Anh Phạm Hữu Hiến - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, anh Trần Quốc Thăng - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Gia Mập và nghệ nhân Điểu Kiêu cùng đi với tôi để lên nhận bộ kèn. Khi đi tôi nhờ anh Kiêu mang theo một bộ chiêng để thử, lên đến nơi thì mọi người đang chờ, chúng tôi khẩn trương kiểm tra chất lượng và  âm thanh, anh Hoi cũng mời một số người biết đánh chiêng đến, chúng tôi nhờ mọi người đeo chiêng và kèn sừng trâu vào để cùng diễn tấu. Trong ánh nắng của buổi chiều tà, dưới bóng cây điều, lần đầu tiên tôi và mọi người được nghe tiếng chiêng hòa tấu cùng kèn sừng trâu. Những nghi ngờ và lo lắng của tôi kể từ khi được nghe thông tin về kèn sừng trâu hầu như tan biến. Tôi cảm nhận rằng sự độc đáo của Chiêng và kèn sừng trâu của người S'tiêng là có một không hai.

      Sau khi về tôi giao luôn bộ kèn cho anh Điểu Kiêu để tổ chức tập tại Sóc của anh, vì Sóc của anh đã có đội chiêng mạnh, được nằm trong đề án bảo tồn văn hóa S'tiêng của huyện Bù Gia Mập. Như vậy, nhạc cụ kèn sừng trâu đã tìm lại được, quá trình đó gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa phải là đã thành công mà điều quan trọng là phải có các đội chiêng để tập luyện và diễn tấu. Nhưng tôi tin với Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo và những nghệ nhân như các anh Điểu Hoi, Điểu Kiêu, những đội chiêng tại các buôn sóc trên địa bàn toàn tỉnh và những chính sách của nhà nước, kèn sừng trâu sẽ được sống lại cùng với những bộ chiêng, là sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của người S'tiêng Bình Phước và sẽ được giới thiệu đến  du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới./.

Nguyễn Ngọc Lượng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:166 | lượt tải:54

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:166 | lượt tải:33

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:327 | lượt tải:46

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:589 | lượt tải:62

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1239 | lượt tải:357
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ