Chúng tôi xin trình bày: Mấy suy nghĩ về việc “Tập hợp, bồi dưỡng tài năng trẻ” - nhiệm vụ quan trọng của Hội VHNT tỉnh Bình Phước chúng ta.
…
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II nhiệm kỳ (2011-2017) đã ghi rõ: “Tập hợp và phát triển hội viên trẻ tham gia công tác Hội trong sinh viên các trường học, trong lực lượng Đoàn thanh niên… phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ hoạt động lâu dài trong lĩnh vực VHNT của tỉnh”.
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nói trên, Hội đã phân công, giao nhiệm vụ cho một Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công việc này. Năm 2012, Hội đã tổ chức đi thực tế cho 33 thầy cô giáo và học sinh các trường Phổ thông Trung học trong tỉnh đến một số địa danh, di tích lịch sử, khu công nghiệp, khu du lịch của Bình Phước. Kết thúc đợt thực tế này, không Tổng kết rút kinh nghiệm và không thấy tác phẩm nào ra đời.
Năm 2013, Hội lại tổ chức đưa 15 em học sinh đi dự trại sáng tác tại Đà Lạt. Chuyến đi này có khá hơn. Một vài tác phẩm được công bố trên Tạp chí Văn nghệ của Hội. Từ đó đến nay, nhiệm vụ “Tập hợp, phát triển Hội viên trẻ” mặc nhiên rơi vào quên lãng.
Năm năm qua đi, Ban Chấp hành Hội chưa có một cuộc họp nào bàn chuyên đề vấn đề này. Ủy viên Ban Chấp hành được phân công phụ trách “mảng văn học nghệ thuật trong hệ thống nhà trường” cũng im hơi, lặng tiếng, không đề xuất được một điều gì với Hội.
Như vậy, Hội mới thành công về mặt tổ chức là có 2 đợt đi thực tế. Nhưng chưa hiệu quả về việc định hướng sáng tác, chưa đổi mới cách tập hợp, bồi dưỡng đội ngũ trẻ. Chưa kiên trì đến với các nhà trường để phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ mà ít nhiều chờ sẵn vào sự phát triển tự thân của anh chị em… Bởi thế, hiện tại Hội viên trẻ đếm được trên đầu ngón tay. Nghĩa là quá ít anh em trẻ tham gia Hội.
Thực tế cho thấy: lực lượng hội viên chúng ta có hơn 80% là người cao tuổi. “Tre đã già, nhưng măng chưa mọc rộ”, đó là điều hẫng hụt đáng lo ngại. Trong Báo cáo Tổng kết nhiêm kỳ II trình bày với Đại hội cũng khẳng định “việc bồi dưỡng kết nạp hội viên trẻ chưa được quan tâm đúng mức”. Cứ đà này, đâu là lực lượng kế cận hoạt động VHNT của tỉnh trong tương lai?
…
Việc quan tâm bồi dưỡng, kết nạp hội viên trẻ là vấn đề khó khăn, vì sáng tạo nghệ thuật là của cá nhân; biết rằng lực lượng trẻ ngày nay hầu hết được đào tạo cơ bản. Một số đã khẳng định tay nghề và có những thành công bước đầu đáng trân trọng. Tuy nhiên, do mặt trái của cơ chế thị trường tác động; khi việc tuyên truyền tập hợp, bồi dưỡng đội ngũ trẻ chưa được quan tâm đúng mức và thường xuyên, chưa đổi mới tạo sức hút hấp dẫn, nên phần đông anh chị em chưa thiết tha vào Hội.
Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta: Phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ để có tài năng trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng vì tuổi trẻ là sức sống, tương lai của nước nhà, của Hội VHNT và của tỉnh Bình Phước.
Việc “Đãi cát tìm vàng” là khó khăn, lâu dài, nhưng không phải là không làm được.
Chúng tôi xin đề xuất như sau:
- Một là: Sau Đại hội, Ban Chấp hành khóa mới có Nghị quyết cụ thể cho từng năm, đề ra biện pháp khả thi, quyết tâm thực hiện mạnh mẽ. Nói đi đôi với làm để phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ vào Hội.
- Hai là: Phát hiện năng khiếu VHNT.
Đối tượng tìm kiếm, phát hiện năng khiếu là trong các trường học (nhất là Phổ thông Trung học), thông qua sự phát hiện, giới thiệu của các thầy cô giáo, là người trực tiếp gắn bó trong thời gian dài với học sinh có năng khiếu. Phải tổ chức các đợt vận động, các cuộc thi sáng tác VHNT do Hội chủ trì. Đồng thời thông qua việc phát hiện của hội viên các chi hội; các Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ.
- Ba là: Bồi dưỡng năng khiếu VHNT.
Phát hiện được năng khiếu, thì công việc bồi dưỡng là một tất yếu. Nếu không bồi dưỡng thì năng khiếu sẽ bị thui chột. Nội dung bồi dưỡng có nhiều vấn đề: từ tư tưởng, tình cảm, vốn sống, vốn văn hóa, nghệ thuật đến các nội dung có tính chất kỹ thuật sáng tạo. Cần có sự bồi dưỡng toàn diện mới có tác giả vững chắc, lâu dài. Có thể bồi dưỡng tập trung ngắn hạn qua các khóa đào tạo. Bồi dưỡng thường xuyên tại cơ sở, mở trại sáng tác có sự phối hợp giữa Hội VHNT với các cơ sở; đặc biệt là ngành Giáo dục - Đào tạo. Bồi dưỡng thông qua giáo viên giảng dạy các bộ môn: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật… hoặc các tác giả. Bồi dưỡng qua việc trao đổi, góp ý, định hướng, nhận xét của các Biên tập viên Tạp chí Văn nghệ của Hội.
- Bốn là: Tạo môi trường cho các năng khiếu có điều kiện hoạt động sáng tác.
Mở các cuộc vận động sáng tác với đề tài và quy mô phù hợp tâm lý lứa tuổi, điều kiện học sinh, khuyến khích sự sáng tạo. Lấy mục tiêu có tác giả hơn là chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.
Dùng Tạp chí Văn nghệ làm vườn ươm cho các năng khiếu phát triển thành tài năng. Tập hợp tác phẩm của các tác giả trẻ in thành tập riêng, quảng bá rộng rãi đến các trường học trong và ngoài tỉnh. Tổ chức giải thưởng của Hội hàng năm. Có giải giành cho tác giả trẻ, hoặc các giải phụ như: Giải ấn tượng, giải triển vọng về văn học nghệ thuật.
- Năm là: Tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác “Tập hợp, bồi dưỡng, kết nạp tài năng trẻ từng năm, rút ra kinh nghiệm hay, khắc phục những hạn chế, đề ra nhiệm vụ phấn đấu cho kế hoạch năm sau. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có đóng góp xứng đáng trong việc tìm kiếm, bồi dưỡng tài năng trẻ.
…
NGUYỄN DUY HỒNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn