TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT GÓP PHẦN XÂY DỰNG NHÂN CÁCH, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CON NGƯỜI VIỆT NAM

Thứ năm - 07/12/2017 14:06
Quy luật xã hội luôn vận động theo xu hướng phát triển tích cực nhằm vươn đến ước vọng của con người về Chân - Thiện - Mỹ. Xã hội sẽ tự triệt tiêu những cái cũ, cái không phù hợp đồng thời nảy sinh những mâu thuẩn mới buộc chúng ta bằng cách này, cách khác phải tự điều chỉnh đáp ứng sự tiến bộ và hiện đại.
Ảnh: D. Hoàng
Ảnh: D. Hoàng

     Đất nước ta qua hơn 30 năm đổi mới, bằng những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước kịp thời, năng động, đã từng bước đưa nền kinh tế phát triển khởi sắc; đời sống người dân có nhiều thay đổi, từ chỗ nhà nhà, người người phải tập trung lo “Cơm no - áo ấm”, giờ đây đã chuyển sang nhu cầu “Ăn ngon - mặc đẹp”, thậm chí cao hơn thế là “Ăn kiêng - mặc model”! Tuy nhiên, khi bài toán kinh tế đã và đang giải quyết có hiệu quả thì vấn đề hình thành nhân cách, đạo đức xã hội lại có chiều hướng đi xuống khiến toàn xã hội phải đặc biệt quan tâm, vì đây là vấn đề được xem là gốc rễ, cốt lõi của của sự phát triển đất nước bền vững. Vấn đề Văn hóa, Văn học Nghệ thuật được quan tâm, bàn thảo trên nhiều diễn đàn nghị sự; đặc biệt được cụ thể hóa bằng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ngày 16/7/1998; Nghị quyết 23 - NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đó cũng là phương thức lãnh đạo, đổi mới quan trọng về văn hóa, văn nghệ trong tình hình hiện nay của Đảng ta. Từng bước mở rộng những biên độ tư tưởng - thẩm mĩ cho động lực sáng tạo văn học nghệ thuật.

     CỦNG CỐ NHÂN CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC

     Có lẽ để hiểu và giải quyết “củng cố” một vấn đề, trước hết chúng ta có quan niệm đúng và thống nhất về mặt khái niệm: “Nhân cách” là hệ thống phẩm giá của một người, được đánh giá từ mối quan hệ giữa người đó với bản thân và với môi trường. Cũng có thể hiểu, nhân cách là tư cách làm người. Có trường hợp người có kiến thức phong phú, nhưng nhân cách kém; cũng có trường hợp kiến thức kém nhưng nhân cách rất cao! Nhân cách không phải là bẩm sinh, sẵn có mà được hình thành và phát triển phụ thuộc vào ba yếu tố sau đây: Thứ nhất, nhân cách phải dựa trên tiền đề sinh học và tư chất di truyền học, một cá thể sống phát triển cao nhất của giới hữu sinh. Thứ hai, môi trường xã hội là yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của nhân cách thông qua sự tác động biện chứng của gia đình, nhà trường và xã hội đối với mỗi cá nhân. Thứ ba, hạt nhân của nhân cách là thế giới quan cá nhân, bao gồm toàn bộ các yếu tố như quan điểm, lý luận, niềm tin, định hướng giá trị... Còn về “Đạo đức”, chính là những đức tính đúng đắn đã đúc rút qua thời gian, được đa số công nhận là những tính tốt. Đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắcquy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Bắt đầu từ những việc nhỏ về sức mạnh của sự tử tế, đối với văn nghệ sĩ là sáng tác viết về những câu chuyện tử tế, đó chính là giá trị đạo đức!

     Vậy nhân cách và đạo đức con người Việt Nam chính là những yếu tố chung nhất như vừa đề cập kết hợp với giá trị văn hóa truyền thống, những vấn đề thuộc quá trình tiếp cận, tiếp biến văn hóa của người Việt, sự giao lưu - sinh hoạt trong từng cộng đồng và ảnh hưởng trực tiếp của nền giáo dục qua các thời kì, trong đó có nền văn học nghệ thuật nước nhà góp phần quan trọng xây dựng nên nhân cách, đạo đức của công chúng. Vì vậy việc quan tâm, củng cố, xây dựng nền văn học nghệ thuật lành mạnh, có tính giáo dục và thẩm mỹ cao sẽ dần định hướng xã hội hình thành nên nhân cách, đạo đức người Việt tốt đẹp.

     So với chủ đề Tọa đàm thì vấn đề bàn đến còn một khía cạnh chưa đề cập đó là “lối sống”. Tuy nhiên, thiết nghĩ lối sống là hình thức bên ngoài của nhân cách và đạo đức còn đạo đức và nhân cách chính là nội hàm bên trong của mỗi người.

     SỨ MỆNH TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

     Theo một số diễn đàn đánh giá, thời gian gần đây, xuất hiện ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí vương hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn.

     Trước tình hình đó Nghị quyết 33 của TW ngày 9/6/2014 đã nhấn mạnh: Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.

     Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Bảo đảm quyền hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và của cộng đồng. Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam. Với những nội dung cơ bản của Nghị quyết đặt ra như vậy thì tác phẩm văn học nghệ thuật và hoạt động của văn nghệ sĩ cần xác định sứ mệnh cụ thể.

    Trước hết cần nhìn thấy những hạn chế của hoạt động - sáng tác VHNT, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, bên cạch những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học nghệ thuật còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm: tác phẩm văn học nghệ thuật còn chưa xứng đáng với vai trò, vị trí của nó; một số tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung lệch chuẩn mực giá trị truyền thống văn hóa dân tộc được phát hành, truyền bá gây tác hại, ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ…

     Tác phẩm có giá trị cao là tác phẩm có sự kết hợp giữa khát vọng và tài năng. Sáng tác VHNT không nên dễ dãi vì văn học nghệ thuật có sứ mệnh quan trọng tác động đến xã hội, do đó cần có tính khát vọng và phát hiện cao. Một nhà văn người Anh từng nói “Cuộc sống không có những thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mà thôi”, đó là tính lý tưởng, khát vọng, cách nhìn xã hội tươi sáng ở các mặt tích cực của người nghệ sĩ. Khi hoạt động và sáng tác nếu thiếu những tư tưởng, tình cảm lớn, sáng tác của người nghệ sĩ trở nên khô cứng, thiếu sức sống. Tác phẩm VHNT cần bắt được “mạch sống, hơi thở” của thời đại; Đó là sự chia sẻ, đi vào những góc khuất, những thân phận con người để phản ánh một cách khách quan nhất. Cho nên vấn đề rút ra là: việc sáng tác ai cũng được quyền sáng tác nhưng không phải ai cũng sáng tác được! Một tác phẩm hay là điểm cộng cho tác giả nhưng đồng thời là điểm sáng cho một giai đoạn phát triển VHNT. Lê nin đã từng đề cập “Chân lý là cụ thể, Cách mạng là sáng tạo”, biết rằng trong VHNT phải luôn sáng tạo nhưng sự sáng tạo đó phải dựa trên nền tảng thực tiễn đời sống. Vì vậy, người nghệ sĩ có thể không thật trong đời sống  nhưng không thể dấu mình trong tác phẩm. Mặt khác, sự giả dối trong văn chương là thứ đáng sợ nhất, trước sau gì cũng bị công chúng bài bài xích, không thừa nhận. Bài học quý trong cuộc sống cũng như hoạt động - sáng tác VHNT: muốn tồn tại và không muốn bị xa lánh thì phải trung thực. Tác phẩm VHNT góp phần tạo nên nhân cách con người bằng sự thẩm thấu, môi trường hưởng thụ VHNT; thông qua tác phẩm VHNT con người xóa bỏ hận thù bằng nhiều phương diện hòa hợp, hòa giải, kết nối, xích lại gần nhau giữa các châu lục, quốc gia, vùng miền. Người nghệ sĩ muốn viết hay, diễn hay thì phải sống đẹp, đúng với trái tim của mình, đồng thời cũng cần cả sự dấn thân, thiệt thòi cả niềm riêng tư. Tác phẩm VHNT vừa là lăng kính soi rọi bản chất xã hội vừa là một bộ phận cấu thành bản chất của bản chất xã hội ấy bởi VHNT chính là con người. Tương tự, sáng tác VHNT không dành riêng ai nhưng lý tưởng sáng tác, tính nhân văn của tác phẩm, sự trung thực của tác phẩm là hướng sáng tác duy nhất.

      Thiết nghĩ, văn nghệ sĩ nghiêm túc trong hoạt động và sáng tác tác phẩm VHNT như một số điều chúng tôi lạm bàn chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công.

     VAI TRÒ HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

     Hội Văn học Nghệ thuật có nhiều chức năng quan trọng của một tổ chức Chính trị - xã hội - nghề nghiệp: Tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng sáng tạo, trao đổi, giới thiệu tác phẩm…và là mái nhà chung của anh chị em văn nghệ sĩ địa phương. Đi vào cụ thể, cần bám sát việc phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh việc sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước. Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật của địa phương.

      Hội Văn học Nghệ thuật cần đổi mới phương thức hoạt động của Hội nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Khuyến khích hội viên sáng tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Công việc này tùy vào tính đặc thù của tỉnh Bình Phước để Hội xây dựng kế hoạch đầu tư, khơi gợi, sáng tác - hoạt động gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh.

     Hội Văn học Nghệ thuật có cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật với ý thức đầy đủ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Trọng dụng, tôn vinh trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân. Chú trọng phát triển năng khiếu và tài năng trẻ yêu thích sáng tác văn học nghệ thuật.

     Để kết thúc tham luận tại Tọa đàm “Trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Phước với việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người Việt Nam”, tôi xin mượn lời một danh ngôn, đại ý rằng: “Các Văn nghệ sĩ không nên ngừng tham gia hoạt động và sáng tác, vì khi đối mặt với hành động dã man thì văn hóa, văn họcnghệ thuật là lá chắn lớn nhất mà các văn nghệ sĩ chính là vũ khí sắc bén nhất!”.
PHẠM HIẾN

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:26 | lượt tải:7

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:254 | lượt tải:36

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:948 | lượt tải:334

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1114 | lượt tải:348

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1178 | lượt tải:573
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ