vnvn

“TÀ THIẾT NGÀY TÔI ĐẾN” - LỜI NHẮN GỬI THẾ HỆ

Thứ năm - 04/05/2023 09:40
Là người Bình Phước, công việc cũng có chút liên quan đến chữ nghĩa, thơ văn, nhưng mãi 15 năm sau khi bài thơ được viết ra, tôi mới lần đầu biết tới “Tà Thiết ngày tôi đến” - một bài thơ rất hay về vùng đất Bình Phước kiên trung, anh dũng. Nhà thơ Hoàng Quý chia sẻ: thơ hay viết về vùng đất lịch sử hay đề tài lịch sử không nhiều và không bao giờ dễ dàng. “Tà Thiết ngày tôi đến” dù được viết rất nhanh trong hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng lại ghi dấu trên dặm trường thi ca của ông.

“Tà Thiết ngày tôi đến” - một bài thơ thể tự do, hơi dài (7 khổ với 37 câu) và… hơi khó đọc đối với người không biết làm thơ như tôi. Nhưng qua giọng đọc của chính nhà thơ, sao nghe bâng khuâng, day dứt đến lạ. Nỗi buồn vu vơ và nhớ thương da diết không thể cắt nghĩa khi những câu thơ ngân rung trên nền nhạc mà tác giả vừa đọc vừa tự đệm ghi ta cho mình:

Nghe hơi gió quen thở trong rừng cây

Nghe như nắng thơm từng búp vương đầy

Tà Thiết! Tà Thiết! Trưa nay tôi đến

Người thiêng về trời!

Rừng thiêng còn đây!

Một giọng thơ phảng phất chất sử thi và lời thơ thủ thỉ như lời kể thâm trầm, bi tráng của rừng già Tà Thiết về những huyền tích nơi đây. Cần nhắc một chút tới lời đề từ cho bài thơ, Hoàng Quý viết: “Trưa 20-7-2008, nhà nghiên cứu lịch sử Phan Văn Dõng và em Thúy, cán bộ khu bảo tồn đưa chúng tôi thăm rừng căn cứ kháng chiến Tà Thiết. Trước những chứng tích, lòng cảm động, tôi đề thơ ở rừng này. Nếu bài thơ chưa hay là bởi tài tôi kém cỏi. Xin cầu chúc cho lịch sử oai hùng không bao giờ bị lãng quên”. Điều gì khiến nhà thơ xúc động đến thế khi thăm khu căn cứ cách mạng Tà Thiết? Điều gì khiến nhà thơ phải cầu chúc cho lịch sử oai hùng không bị lãng quên? Hẳn là nỗi lòng của một người từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi trở lại nơi đây đã cảm thấy day dứt, mắc nợ bởi thấy mình may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ này. Và cả hình hài đất nước qua thế sông thế núi đã khiến ông rung cảm! 

Với mạch cảm xúc dâng trào, những câu thơ tả cảnh vật Tà Thiết hôm nay - dẫu không nhắc tới súng gươm, không đạn bom, không chia ly, cũng không máu và nước mắt, lại khiến người ta liên tưởng tới những ngày cuộc chiến diễn ra khốc liệt nhất: 

Tôi ngắm ngẩn ngơ rặng xoài cổ kính

Một cây, hai cây, ba cây… năm cây…

Me xưa ai vun đã thành cổ thụ

Nhớ gì rơm rớm lá buồn ngơ ngây.

Đích thực rồi. Nhìn rặng xoài cổ kính trong khu di tích lịch sử Tà Thiết mà nhà thơ liên tưởng tới những đoàn quân trùng trùng ra trận năm nào. Một cây, hai cây, ba cây… năm cây… giống như một đoàn quân điểm danh trước giờ xung trận. Và bao người lính đã không trở về sau lần điểm danh cuối cùng ấy! Một nỗi nhớ, niềm thương không sao thoát ra được, dẫu không một từ nào là buồn thương, là mất mát. Chỉ có ngôn ngữ thơ ở một tầm cao cảm thấu mới có thể diễn tả được nỗi lòng, tâm tư ấy. Và nếu không từng là một người lính chiến, không thể nào Hoàng Quý có được sự liên tưởng đớn đau và bi tráng ấy. 

Thật khó mà dứt khỏi mạch cảm xúc của nhà thơ bởi những hình ảnh sống động, tinh tế, giống như một bức vẽ về chiến khu Tà Thiết: 

Từng cửa hầm hoang choàng con mắt mở

Xưa thức vì người

Giờ, thức đợi ai?

Câu hỏi tu từ và hình ảnh những cửa hầm hoang choàng con mắt mở như xoáy vào trí não người đọc, khiến ta phải ray rứt, bồn chồn, như một món nợ với người đã khuất. “Xưa thức vì người/ Giờ, thức đợi ai?”. Nhưng ngay cả khi không dùng bất cứ một câu hỏi nào thì cách diễn đạt sống động với những hình ảnh rất gợi trong thơ Hoàng Quý cũng đặt ra vô vàn câu hỏi. Những câu chữ trong bài thơ thật điềm tĩnh, không đắng cay, cũng không thét gào, trách cứ, nhưng lại thấm sâu vào tâm cảm người đọc đến thế. 

Trước khi trở thành nhà văn hóa, nhà thơ, Hoàng Quý là một người lính, từng lăn lộn qua bao chiến trường, chứng kiến sự hy sinh của bao đồng đội. Bởi thế, trước những chứng tích lịch sử tại Tà Thiết, ông như được sống lại những ngày hào hùng nhất, khi toàn quân, toàn dân ta cùng bước vào trận đánh cuối cùng - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cả dân tộc như nín thở cùng hướng về Thủ đô kháng chiến. Bao khó khăn, gian khổ; bao mất mát, hy sinh; bao chia ly, cách trở mà cuộc chiến không cân sức giữa một dân tộc bé nhỏ với hành trang là lòng yêu nước và quyết tâm sắt đá giữ nước với một kẻ ngoại xâm khổng lồ dồn nén bấy lâu như được bung tỏa trước trận đánh quyết định này. 

Trên chiếc bàn này hình đồ trận cuối

Trái tim mặt trận điểm nhịp đêm ngày

Biết bao binh đoàn, biết bao hướng tiến

Biết bao lo lắng, biết bao vỡ òa

Biết bao nhẫn nại, biết bao náo nức

Từ rừng ta về giành lấy Tự Do.

Là một người lính, cảm xúc của Hoàng Quý là cảm xúc của tất cả những người được tham dự Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự bồn chồn, lo lắng và mong đợi là cảm xúc chung của những người lính trận vào thời điểm ấy. Ta như thấy rất rõ những gương mặt bừng sáng, rạo rực và tiếng bước chân rầm rập của những binh đoàn lớn mạnh đang náo nức tiến về Sài Gòn để giành lấy Tự Do. 

Bao nhiêu cung bậc cảm xúc dồn nén qua những khổ thơ, lúc hừng hực khí thế tiến công, khi bâng khuâng, day dứt, bồn chồn. Thơ là sự giải thoát nội tâm, nhưng cái sự giải thoát nội tâm của Hoàng Qúy trong “Tà Thiết ngày tôi đến” lại giống như một sự tự vấn không chỉ của cá nhân ông đối với lịch sử, và Tà Thiết là một phần lịch sử bi hùng của dân tộc. Hãy đọc thật chậm khổ thơ cuối:

Chỉ lát nữa thôi tôi về xa lắm

Liệu có lần thêm viếng lại nơi này

Nhưng, tôi sẽ mang bao nhiêu là nắng

Bao nhiêu huyền tích lưu hồn trong cây

Và mãi mang theo vô chừng gió thổi

Khâu những vui buồn năm, tháng trên tay…

Câu thơ cuối cùng khép lại với dấu … bỏ lửng. Một hình ảnh lạ, một cách diễn đạt lạ, ngầm ngập ưu tư, xúc cảm và gợi nghĩ sâu quá. Lịch sử dân tộc giống như một tấm áo choàng khoác trên vai Mẹ Tổ quốc. Bao cuộc xâm lăng của những ngoại bang sừng sỏ nhất đã càn qua đất nước này. Bao thế hệ đã ra đi để giữ yên bờ cõi, để bảo vệ trọn vẹn mảnh đất linh thiêng này. Chiến tranh đi qua, mất mát, đau thương là có thật, không thể lảng tránh. Nhưng nỗi đau này không của riêng ai và là cái giá phải trả để có được Tự Do, Độc Lập, để non sông liền một dải. Chính bởi ý nghĩ mạch lạc ấy mà nhà thơ luôn có cách nhìn tích cực, khiến những mất mát hy sinh trong thơ Hoàng Qúy không bi lụy mà luôn hướng đến những hy vọng chứa chan. Câu thơ như đặt ra trách nhiệm thiêng liêng của thế hệ hôm nay, của nhiều thế hệ mai sau là gìn giữ, bảo vệ để tấm áo trên vai Mẹ Tổ quốc luôn lành lặn. 

Tháng 5 này, lớp đại học của tôi về nguồn tại Bình Phước. Trong rất nhiều gợi ý của tôi, các bạn đã chọn Khu di tích lịch sử Tà Thiết. Thật may mắn cho tôi, bởi đã có một món quà quý tặng những người bạn của mình. Tôi sẽ nhờ em Thúy – nhân vật trong bài thơ “Tà Thiết ngày tôi đến” mà nhà thơ Hoàng Quý đã ví giọng thuyết minh của em là giọng của loài chim họa mi, thanh tước trình bày bài thơ này. Để những người bạn mà tôi yêu mến còn có những điều mang theo, ngoài nắng, gió đại ngàn khi rời Tà Thiết!

Thảo Linh
Nguồn: Báo Bình Phước

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:165 | lượt tải:54

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:163 | lượt tải:32

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:313 | lượt tải:46

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:577 | lượt tải:61

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1225 | lượt tải:357
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ