Lan tỏa sáng tác về Bác
Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phát động từ năm 2016, chia thành nhiều giai đoạn, đến nay vừa kết thúc đợt 1 của giai đoạn 2022-2025. Tham gia giải thưởng này ngay từ những ngày đầu, đến nay chị Ngô Thị Ngọc Diệp ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài đã có một “bộ sưu tập nhỏ” các thành tích giá trị.
33 năm là giáo viên dạy tiếng Anh, thế nhưng “nghiệp văn chương” và “duyên báo chí” đã gắn với chị từ lúc nào không rõ. Năm 2011, chị Diệp chính thức trình làng những tác phẩm thơ, văn và cả viết báo. Khi biết có giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chị đã mạnh dạn tham gia và đạt một số kết quả đáng khích lệ. Nhất là ở đợt 1 giai đoạn 2022-2025, chị đã xuất sắc giành giải A lĩnh vực văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm gồm 3 ghi chép, 1 truyện ngắn và 1 tản văn với nhan đề “Đồng Xoài ngày ấy - bây giờ”. Theo chị, việc học và làm theo Bác với mỗi người có một cách cảm nhận và thực hành khác nhau. Đó cũng là cách mà chị thể hiện lòng tri ân với Bác, với cuộc đời này.
“Tôi thường nhắc học trò của mình là phải rèn luyện 5 điều Bác Hồ dạy. Tôi nghĩ không chỉ trẻ em mới cần làm tốt 5 điều này mà người lớn cũng phải thực hành tốt để làm một công dân tốt. Trong cuộc sống, tôi thấy nhiều người làm theo Bác rất tốt. Vì thế, tôi muốn đưa họ vào trong những tác phẩm của mình. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật của tôi đều thấm đẫm chất liệu cuộc sống” - chị Diệp chia sẻ.
Bộ sưu tập quý giá
Là người có niềm đam mê với các hiện vật, trong những bộ sưu tập của anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn 9, xã Long Hà, huyện Phú Riềng có một bộ sưu tập mà anh rất quý và cũng đã dành khá nhiều thời gian để sưu tầm. Đó là những tư liệu, hình ảnh và hiện vật liên quan đến Bác Hồ. Là thanh niên thế hệ 9X, những gì anh biết về chiến tranh cũng như con đường hoạt động cách mạng của Người đều qua sách vở. Và việc sưu tầm tư liệu về Bác giúp anh có cơ hội được hiểu thêm về vị Cha già kính yêu của dân tộc, về tình cảm của bạn bè quốc tế dành cho Bác, cho dân tộc Việt Nam. Từ đó, anh càng thấu hiểu giá trị của những bài học mà Người để lại.
Ông Nguyễn Quang Khải cùng con trai Nguyễn Văn Nghĩa (xã Long Hà, huyện Phú Riềng) xem tư liệu về Bác Hồ.
Anh Nghĩa bộc bạch: “Từ lúc sưu tầm những hiện vật về Bác, tôi cũng có cơ hội đọc những tư liệu, sách vở về cách dạy thanh niên của Người. Tôi cảm thấy những lời dạy của Người rất thiết thực, gần gũi trong cuộc sống. Bản thân tôi cũng học được tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và thực hành vào cuộc sống hằng ngày”.
Hiện anh Nghĩa đang sở hữu gần 1.000 hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Bác. Số tài sản quý giá này không chỉ giúp anh gần Bác hơn mà còn là cầu nối để anh chia sẻ với những người cùng yêu quý, ngưỡng mộ Người. Mỗi khi sưu tầm được một hiện vật, anh lại kể những câu chuyện thú vị hay lịch sử gắn liền với nó để người thân cùng am hiểu.
Không gian trưng bày bộ sưu tập về Bác Hồ tại gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa.
“Nghĩa có thói quen khi sưu tầm được hình ảnh, tư liệu của Bác từ các nơi về thì thường cho gia đình cùng xem. Từ đó, gia đình cũng biết thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng, cuộc sống thường ngày và cách làm việc của Bác. Có nhiều câu chuyện mà nay tôi mới được biết, rất xúc động” - ông Nguyễn Quang Khải, cha của Nghĩa chia sẻ.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ là nguồn cảm hứng vô tận của nhân loại. Dù năm tháng qua đi, những bài học Người để lại vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Mỗi công dân Việt Nam phải luôn có trách nhiệm gìn giữ, nghiên cứu, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn để làm món quà xứng đáng dâng lên Bác mỗi khi tháng 5 về…
Ly Na
Nguồn: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn