vnvn

BÌNH PHƯỚC TẬP TRUNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI

Thứ sáu - 09/06/2023 08:19
Bình Phước được biết đến trong lịch sử với nhiều địa danh và dấu mốc quan trọng, làm nên những chiến công vang dội trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bình Phước hôm nay là một đô thị trẻ, năng động đang trên đà phát triển thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
img01
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành dự án Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết).

Bình Phước còn là tỉnh có đường biên giới dài nhất giáp với Vương quốc Campuchia. Dân số Bình Phước rất đa dạng, với gần 1 triệu dân, bao gồm 41 dân tộc anh em trong cả nước đã hội tụ về xây dựng và phát triển vùng đất này với nhiều cơ duyên khác nhau. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng làm nên sự đa dạng, phong phú trong văn hóa của người dân Bình Phước.  

Hơn 26 năm kể từ ngày tái lập, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ở Bình Phước luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức chính trị xã hội quan tâm triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả quan trọng.

XÂY DỰNG NGƯỜI BÌNH PHƯỚC CÓ NHÂN CÁCH, LỐI SỐNG TỐT ĐẸP

Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai rất bài bản; chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo và đề ra bộ quy tắc ứng xử cho từng đối tượng, gia đình, cơ quan, cộng đồng để thực hiện với phương châm “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Nét đẹp văn hóa truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” cũng được thể hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, trong từng khu dân cư, trong cộng đồng và ở nhiều đối tượng khác nhau, với những phong trào như: “Ngày vì người nghèo”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Bếp cơm tình thương”, “Heo đất tặng bạn nghèo”, “Nhà tình thương, nhà đại đoàn kết”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Chia sẻ nỗi đau”, “Kết nối yêu thương”, “Tiếp sức cho em đến trường”, “Mẹ đỡ đầu”, “Nghĩa tình biên giới”, “Biên giới trong tim tôi”. Đặc biệt là sự sẻ chia, thấu hiểu, đồng tình và quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua… Đó là những phong trào mang đậm tính nhân văn cao cả, tinh thần đoàn kết nhân ái của con người Việt Nam cần tiếp tục nhân rộng.

Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục công dân trong các cấp học được thực hiện tốt hơn. Việc triển khai thực hiện phong trào gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập (thôn, ấp, khu phố) đạt trên 90%. Ngành giáo dục hằng năm phối hợp với đoàn thanh niên tổ chức cho học sinh, đoàn viên thanh niên du khảo về nguồn, thăm các khu di tích, bảo tàng, nhà truyền thống, mời nhân chứng lịch sử nói chuyện chuyên đề... Việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ còn được thực hiện thông qua việc biên soạn giáo trình lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường học để bổ sung kiến thức lịch sử địa phương cho học sinh, sinh viên.

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA LÀNH MẠNH

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng. Những kết quả cụ thể trong việc hiến đất làm đường giao thông, đóng góp xây dựng nhà văn hóa, vận động hỗ trợ người nghèo, đóng góp xây dựng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19, hỗ trợ vốn xoay vòng để phát triển sản xuất… thời gian qua đã trở thành những hoạt động thường xuyên ở cộng đồng dân cư, có sức lan tỏa lớn, góp phần hình thành những nét văn hóa mới, đồng thời tô đậm thêm truyền thống đoàn kết dân tộc. Đây thực sự là những nét đẹp văn hóa xuất phát từ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân Bình Phước, những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân.

 Cùng với thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng. Các hoạt động hội thi, hội diễn được tổ chức hằng năm đang từng bước trở thành hoạt động truyền thống của các khu phố, ấp vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Công tác xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao cũng có những chuyển biến rõ rệt, đã huy động được sức dân trong xây dựng phong trào thể thao quần chúng; nhiều câu lạc bộ, sân tập thể thao do nhân dân tự xây dựng và vận hành. Hằng năm, toàn tỉnh có trên 99% hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; trên 95% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa; trên 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và đại diện các đơn vị tham dự buổi gặp mặt Văn nghệ sĩ năm 2023

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng và đại diện các đơn vị tham dự buổi gặp mặt Văn nghệ sĩ năm 2023.

Nhiều điển hình văn hóa cơ sở khác như: văn hóa treo cờ trong các dịp lễ, tết của dân tộc; văn hóa hiếu học của gia đình, dòng họ; văn hóa ứng xử; văn hóa trong chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27-CT/TW và Kết luận số 51-KL/TW của Trung ương trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% thôn, ấp, khu phố đã xây dựng được hương ước, quy ước có nội dung lồng ghép thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; góp phần tích cực trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, đồng thời góp phần hỗ trợ quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở.

Bình Phước còn là vùng đất nổi tiếng với những địa chỉ đỏ oanh liệt đi vào thơ ca của các thế hệ cha anh đi trước, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia. Bình Phước còn là nơi Trung ương cục Miền Nam chọn đặt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 23-12-2015)…

NHIỀU GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT, ĐỒNG BỘ, PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN MỚI

Để giải quyết tốt những thách thức đặt ra trong thời kỳ mới và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong thời gian tới Bình Phước xác định: tiếp tục bám sát mục tiêu phát triển con người toàn diện; giữ vững định hướng để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa có mối quan hệ biện chứng với phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” bằng những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp với điều kiện mới. 

Bằng các giải pháp như: tăng cường đầu tư cho phát triển lĩnh vực văn hóa, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong quần chúng nhân dân. Phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được ưu tiên đặt vào vị trí trung tâm. Đồng thời tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống, pháp luật, bồi dưỡng ý thức tự giác, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình, từ đó xây dựng niềm tin, khát vọng phát triển Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030; góp phần xây dựng và phát triển đất nước bền vững, sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Duy trì công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả các hoạt động giáo dục truyền thống đối với các di tích lịch sử, văn hóa. Giữ gìn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; khuyến khích tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo tồn nghề truyền thống.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm chấn chỉnh kịp thời các hoạt động, dịch vụ văn hóa không lành mạnh, gắn trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi để xảy ra sai phạm. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa. Chỉ đạo các cơ quan quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đề cao tính gương mẫu của đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, trong đạo đức, lối sống. Phát huy vai trò của gia đình,dòng họ, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lĩnh vực văn hóa; có chế độ đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa. Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, quan tâm tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa phục vụ cộng đồng; ưu tiên các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa sự nghiệp văn hóa, thể thao; xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Đào Thị Lanh
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:166 | lượt tải:54

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:166 | lượt tải:33

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:327 | lượt tải:46

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:589 | lượt tải:62

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1239 | lượt tải:357
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ