MẠCH NGẦM KẾT NỐI QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Thứ tư - 09/08/2023 01:18
                CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ VĂN HÓA TỈNH BÌNH PHƯỚC NĂM 2023               

Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là những giá trị văn hóa gắn liền với con người và môi trường sống của họ mà ở đó, trí tuệ, kinh nghiệm của cộng đồng được đúc kết thành những giá trị lâu đời và được tiếp nối liên tục. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, con người đặt nặng vấn đề vật chất, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một. Do đó, việc bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể đang được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm.

BẢO TỒN TRƯỚC NGUY CƠ MAI MỘT

Bình Phước là nơi định cư và sinh sống của 41 dân tộc đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. Trong đó, đồng bào dân tộc M’nông ở Bình Phước có hơn 10.000 người, chiếm 1,1% dân số toàn tỉnh, phân bố chủ yếu tại 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập. Với kinh nghiệm tích lũy từ bao đời, người M’nông đã tạo nên các nghề truyền thống riêng của dân tộc mình, trong đó có dệt thổ cẩm.
img01

Nhiều di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh đã và đang được tu bổ, tôn tạo, sưu tầm và phục dựng như mạch ngầm kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh và huyện Bù Đăng tham quan sản phẩm thổ cẩm của đồng bào M'nông ở Bình Phước - Ảnh: Trương Hiện

Theo các nghệ nhân, nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông được tích lũy và phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện kỹ thuật qua đôi tay khéo léo và sáng tạo của người phụ nữ để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Dệt thổ cẩm đòi hỏi phải có năng khiếu, kỹ năng, nắm rõ kỹ thuật dệt. Bên cạnh đó, người dệt phải nhận biết và khai thác đúng các nguyên liệu từ thiên nhiên như lá cây, vỏ cây rừng để tạo ra chất liệu nhuộm màu, cũng như kỹ thuật tạo hình hoa văn. Những kỹ thuật, tri thức này còn thể hiện sự ghi nhớ, chắt lọc, sáng tạo và tích lũy qua thời gian để tạo ra sản phẩm độc đáo, riêng có của người M’nông. 
img02

Nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông không chỉ mang nhiều ý nghĩa văn hóa đặc sắc mà còn là văn hóa ứng xử của cư dân với cộng đồng, thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng. Chính vì thế, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và các xã Đồng Nai, Thọ Sơn, Phú Sơn, Đắk Nhau (huyện Bù Đăng). Điều này thể hiện nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là các nghệ nhân trong duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thổ cẩm. 
img03

Lễ hội cầu bông của người Kinh tại Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng và Bình Long được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Vĩnh, để phát huy giá trị văn hóa nghề dệt thổ cẩm của người M’nông, thời gian tới các địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ những gia đình còn duy trì nghề dệt thổ cẩm tiếp cận nguồn vốn nhằm tạo điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường. 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh và 6 di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến nay, đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phục dựng được 8 lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy và thực hành như: mô hình đan lát truyền thống của người Khmer, kỹ thuật chế biến rượu cần và dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng…
“Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi với nghệ nhân dệt thổ cẩm, người có tay nghề giỏi, chính quyền các cấp cần nghiên cứu, xây dựng các buôn, sóc thành điểm du lịch cộng đồng; thành lập các hợp tác xã dệt thổ cẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo khách du lịch. Bên cạnh đó, cần đầu tư, cải tiến sản phẩm mang tính hiện đại hơn; cải tiến kỹ thuật dệt nhằm rút ngắn thời gian, phục hồi chất liệu truyền thống, giảm công sức của người dệt và giảm giá thành sản phẩm” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khắc Vĩnh lưu ý.

CẦN ĐẦU TƯ XỨNG TẦM

Chủ trương chung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI luôn coi trọng văn hóa và văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Nhờ đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được vinh danh, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo; các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác sưu tầm, lưu giữ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống như lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống... vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số đề tài khoa học về xã hội và nhân văn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số di tích lịch sử - văn hóa bị xuống cấp. Việc nghiên cứu, đầu tư, khai thác và phát huy các di sản văn hóa, phong tục, tập quán, các ngành nghề truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian chưa được quan tâm tương xứng.

img04
Nghề dệt thổ cẩm của người M’nông không chỉ mang nhiều ý nghĩa văn hóa đặc sắc mà còn thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng.

Cách đây gần 20 năm, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận số 30-KL/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó chỉ đạo: “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước; tiếp tục bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa”. 

Tuy nhiên, đối với Bình Phước, ngân sách đầu tư lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn hạn chế, sự nghiệp phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, tỷ trọng chi ngân sách cho văn hóa, thể thao và du lịch chưa tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2010-2022, tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa, thể thao và du lịch bình quân 1,38% tổng chi ngân sách địa phương. Trong khi đó, theo yêu cầu giai đoạn 2015-2020 chiếm khoảng 2-3% tổng chi ngân sách…

Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023 sẽ là dịp để tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vị thế, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân khách quan, chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm; nhận diện thời cơ, thách thức và những vấn đề đặt ra. Từ đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mới tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước thời kỳ đổi mới. Khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Xuân Túc
Nguồn: Bình Phước Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:37 | lượt tải:9

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:270 | lượt tải:39

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:963 | lượt tải:338

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1128 | lượt tải:352

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1190 | lượt tải:575
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ