*PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Năm 2023, nước ta tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, tổng kết, vinh danh văn hóa và con người Việt Nam như: 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943); 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật; gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nội dung, nhiệm vụ mà Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24-11-2021 đề ra và bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị quan trọng này.
Việc Bình Phước tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh ngày 11-8-2023 cũng trong khuôn khổ các hoạt động chấn hưng văn hóa của cả nước, của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước rất coi trọng và kỳ vọng nhiều ở hội nghị này.
Vùng đất giàu trầm tích văn hóa
Nếu nói thật ngắn gọn thì Bình Phước là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, “địa lợi, nhân hòa”, gần Thành phố Hồ Chí Minh; giáp biên giới với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia, giáp vùng Tây Nguyên xanh trù phú; giáp các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông; vừa hội tụ vừa lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Từ bao đời nay, các dân tộc Kinh, S’tiêng, Khmer… ở Bình Phước đoàn kết, ấm áp, chung lòng, chung sức khai phá, xây dựng quê hương; sau này có thêm một số dân tộc ít người nữa từ phía Bắc vào như Tày, Nùng, Mường, Dao, Thái…
Lễ Mừng lúa mới là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào S’tiêng. Trong ảnh: Một nghi thức tại lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng -
Ảnh: Anh Tuấn
Bình Phước có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều danh lam thắng cảnh, các lễ hội và hoạt động văn hóa tiêu biểu như: Rừng nguyên sinh Tây Cát Tiên, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, trảng cỏ Bù Lạch, núi Bà Rá - Thác Mơ, các thác nước Đắk Mai, thác Đứng, thác Voi, rừng bán ngập lòng hồ thủy điện Cần Đơn; di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, di tích lịch sử cách mạng ở núi Bà Rá, sóc Bom Bo; các đình, chùa như: chùa Sóc Lớn, Đình thần Hưng Long, các di tích thành đất hình tròn Lộc Tấn 2, Thuận Phú 2... Lễ hội Cầu mưa của người S’tiêng, Lễ hội miếu Bà Rá, tết mừng lúa mới của người M’nông, tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer… Tỉnh còn có các món ngon dân dã mà ấn tượng như bánh hạt điều, hạt điều rang muối, cơm lam, canh thụt, đọt mây nướng…
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước xác định phát triển văn hóa, xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng, mục tiêu, động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đoàn viên thanh niên các Trường THPT Bù Đăng và THPT Lê Quý Đôn, huyện Bù Đăng tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo - Ảnh: Anh Tuấn
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Các giá trị cơ bản của quốc gia, văn hóa và con người Việt Nam hiện nay có thể căn cứ vào đường hướng, nội dung, mục tiêu mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu ra: Hệ giá trị quốc gia là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ; công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam được xác định là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cụ thể hơn là dân tộc, dân chủ, khoa học, nhân văn. Hệ giá trị con người Việt Nam là yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương.
Phát triển văn hóa, xây dựng con người Bình Phước cần bám sát, thống nhất với các hệ giá trị đã nêu của quốc gia, vừa coi trọng bản sắc của địa phương. Đây là công việc mà chúng ta đang nghiên cứu, trao đổi để đi đến xác định cơ bản các hệ giá trị của đất và người Bình Phước.
Xây dựng văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc địa phương
Để phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong những năm tới, tỉnh cần tập trung xây dựng văn hóa quê mình tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu có bản sắc địa phương; khơi dậy khát vọng phát triển quê hương Bình Phước ngày càng đổi mới, tiến bộ, giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc. Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, với những phẩm chất yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình, nhân văn.
Trong tình hình mới, Bình Phước cần đẩy mạnh việc xây dựng nền văn hóa số thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế xanh, xã hội số, công dân số... Chú trọng đầu tư, phát triển công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa. Số hóa các di sản văn hóa, các nguồn tài nguyên văn hóa nhằm tạo dựng nguồn dữ liệu số đầy đủ, hấp dẫn về văn hóa, con người Bình Phước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh theo định hướng của nền kinh tế số... Xác lập quyền lực mềm quốc gia và sức mạnh mềm của quê hương Bình Phước bằng văn hóa, con người với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. |
Tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt coi trọng việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống quê hương, trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.
Gắn kết chặt chẽ, nhuần nhuyễn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người Bình Phước với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Không gian văn hóa đọc sách do TP. Đồng Xoài thực hiện năm 2022 thu hút đông thanh thiếu nhi trên địa bàn tham gia - Ảnh: X.T
Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa đã có và sẽ có.
Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa của tỉnh và cấp huyện, xã, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa khoa học, phù hợp với chuyên môn, trình độ ở tất cả các cấp, lĩnh vực...
Đầu tư phát triển một số cơ sở đào tạo năng khiếu, tài năng văn hóa nghệ thuật ở tỉnh hoặc gửi các nơi khác phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập cùng đất nước ra thế giới. Hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống. Khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia giảng dạy, bảo tồn, trao truyền các bộ môn nghệ thuật đặc thù.
Coi trọng việc xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng, cơ quan công quyền trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, sáng tạo, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. |
Khơi dậy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam, thương hiệu Bình Phước có uy tín trên thị trường vùng, trong nước và quốc tế. Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước…
Phát triển văn học, nghệ thuật Bình Phước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X). Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, quê hương…
Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, phát triển và quảng bá văn học nghệ thuật, hỗ trợ xuất bản. Xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm. Các địa phương, cơ quan, công sở, trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp, khu dân cư... có thiết chế văn hóa phù hợp (thư viện, nhà văn hóa, công trình thể thao...) tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn