vnvn

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP TỎA SÁNG: TỰ CHỦ - TỰ QUYẾT - TỰ CƯỜNG!

Thứ tư - 01/09/2021 14:54
Tròn 76 năm trước, cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công! 

Sự kiện này đã làm nên những bước tiến dài của dân tộc, của đất nước trên con đường đi tới bến bờ độc lập, tự do! Vì, đây là cuộc cách mạng toàn diện nhất, triệt để nhất và sâu sắc nhất trong toàn bộ các cuộc biến đổi của lịch sử dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm qua - một cuộc cách mạng "sinh thành" Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; cuộc cách mạng phát triển, nâng Việt Nam lên một vị thế mới, với một tầm vóc mới - “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”, bình đẳng với tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, không lực lượng nào bác bỏ được! 

Vì, đây là cuộc cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam, kết tinh sức mạnh trầm tích, nhưng quật cường mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam, trong ngọn gió thời đại về quyền độc lập, tự do và quyền tự quyết dân tộc, trên quy mô toàn cầu, không ai và không lực lượng nào đánh đổ được.

hinh1

Không chỉ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Tuyên ngôn Độc lập còn khẳng định quyền độc lập, tự chủ của dân tộc. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt số 1, Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu thực hiện nghi thức chào cờ đầu tuần - Ảnh: Hồng Ánh

Và vì, đây là cuộc cách mạng 15 năm, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam mở đầu một kỷ nguyên mới trong toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội: “đánh đổ thực dân Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, giành lại quyền “bình đẳng”, “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; kết tinh và tỏa sáng khát vọng mấy trăm năm của nhân dân Việt Nam - tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 bất hủ, không ai chối cãi được.

*

*         *

Tròn 76 năm qua, kể từ ngày 2-9-1945, đất nước qua bao thăng trầm, càng ở những khúc quanh còn mất của lịch sử, toàn thể dân tộc Việt Nam càng bất khuất vượt lên, vì nền độc lập của Tổ quốc, quyền tự do và khát vọng hạnh phúc của mình, vì những giá trị cao quý và thiêng liêng của nhân loại, bởi lời thề của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Đó là sự di duệ và kết tinh khí phách "Nam quốc sơn hà" (1076) - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc; là sự phát triển và tỏa sáng của "Bình Ngô đại cáo" (1428) - bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc; là sự mở đường và gặp gỡ của tư tưởng mang tầm vóc thời đại của các bản Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa năm 1960, Công ước quốc tế về Các quyền kinh tế và văn hóa năm 1966 và Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế năm 1970 của Liên hợp quốc.

Quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, đó là độc lập của đất nước, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân - linh hồn của lời tiêu ngữ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945. Tư tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc ấy hội tụ 2 giá trị hết sức lớn lao: giá trị của thế giới và giá trị của Việt Nam, khi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thể hiện khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc chúng ta - thay mặt cho quốc dân, đồng bào, trịnh trọng tuyên bố trước thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập". 

Lời thề núi sông độc lập ấy thể hiện rõ quyết tâm của cả dân tộc sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, mất mát để bảo vệ thành quả quý giá nhất, lớn lao nhất vừa giành được. Độc lập là khát vọng của dân tộc Việt Nam từ khi khai sơn phá thạch, cháy bỏng trong tâm can đồng bào ta trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40, âm ỉ và sục sôi suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, bừng lên ở Bạch Đằng giang khi Ngô Quyền diệt Nam Hán mở lại nền độc lập năm 938, rồi chống Tống bên bờ sông Như Nguyệt năm 1076, đạp Nguyên 3 lần suốt thế kỷ XIII, lại bình Minh năm 1427, diệt Thanh năm 1789 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi suốt hơn 80 năm, đến giữa thế kỷ XX, để một ngày mùa thu Ất Dậu, bản Tuyên ngôn Độc lập bố cáo khắp năm châu.

hinh2

Bảo vệ vững chắc quyền tự chủ, tự quyết và tự cường dân tộc, trước hết phải giữ vững chủ quyền quốc gia. Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cùng đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ chốt số 2, Đồn biên phòng Lộc Thiện làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới - Ảnh: Đặng Hùng

Trên nền móng độc lập ấy - một nền độc lập được giành lại và bảo vệ bằng máu của lớp lớp đồng bào, dân tộc Việt Nam giữ vững và nêu cao quyền tự quyết, quyền lựa chọn chế độ chính trị - xã hội và quyết định con đường phát triển của dân tộc mình mà không một dân tộc nào khác có quyền can thiệp, không một lực lượng nào có thể làm vấy bẩn được. Đó là sự thống nhất quyền dân tộc - quyền tự quyết của dân tộc - quyền độc lập - tự do của dân tộc Việt Nam: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia, dân tộc ngày càng tùy thuộc lẫn nhau và quyền dân tộc, quyền độc lập, tự do ngày càng phát triển không ngừng. Các quốc gia dân tộc đều có quyền quyết định thể chế chính trị và lựa chọn con đường phát triển của mình một cách phù hợp và tự do. Điều đó càng cho thấy giá trị thời đại tỏa sáng trong giá trị của mỗi quốc gia dân tộc một cách tất yếu, thống nhất trong đa dạng của thế giới ngày nay mà Tuyên ngôn Độc lập thâu thái, hàm chứa, dự báo, thể hiện sinh động và tự nhiên, không gì làm vấy bẩn được, suốt 76 năm qua.  

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, dân tộc Việt Nam nối đời giữ gìn nền độc lập, chủ quyền dân tộc, lấy quyền lợi của dân tộc làm tiền đề để thực hiện quyền lợi của mỗi cá nhân, từng cộng đồng, từng dân tộc, nhưng quyền lợi dân tộc là tối thượng, cao hơn hết thảy. Tuyên ngôn Độc lập thấm đẫm, nâng cao và tỏa sáng tư tưởng ấy và hôm nay càng rực rỡ. Nước Việt Nam là của người Việt Nam, vốn đã mấy nghìn năm: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, và khi bị xâm lăng, toàn dân tộc quyết “Đánh cho lịch sử biết rằng, nước Nam anh hùng là có chủ”. Việc bảo vệ và thực hiện quyền con người không thể tách rời việc bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người; và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền trong thời đại ngày nay. Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam phải do người Việt Nam xác quyết trên nền tảng pháp lý quốc tế. Suốt 76 năm qua, chúng ta đã kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, chung sống hòa bình, hữu nghị với tất cả các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Không gì thay đổi được!

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Và việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến to lớn về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.

Nếu đất nước không có Độc lập, dân tộc không có Tự do, thì nhất định nhân dân không bao giờ có Hạnh phúc!

*

*         *

Chúng ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hướng tới năm 2045 - 100 năm Tuyên ngôn Độc lập - không gì cản được!

Chưa khi nào như hiện nay, độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế trên con đường phát triển lại đòi hỏi sự kiên định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa như hiện nay. Vì thế, chưa bao giờ như bây giờ, sự chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5-1947, khi Người trả lời phỏng vấn của thông tín viên hãng Reuters, có giá trị đặc biệt: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào” trên con đường hội nhập toàn cầu đầy thách thức mất còn như bây giờ. Quyền tự chủ đất nước và quyền tự quyết dân tộc phải được giữ vững trên con đường hội nhập tất yếu toàn cầu.  

Đặc biệt, ở những bước ngoặt của lịch sử nước ta: khi chúng ta khởi động công cuộc đổi mới năm 1986, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã năm 1991, khi cuộc khủng hoảng chạm đáy của chúng ta vào những năm sau đó, thì những kết luận của Người, ngày 13-7-1952, càng có ý nghĩa to lớn về tầm nhìn và quyết sách chính trị đối với chúng ta: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Và hôm nay, giữa cuộc cạnh tranh mạnh được yếu thua, sinh tử, mất còn trên địa cầu, thì phương lược lúc sinh thời của Người tìm mọi cách để duy trì sự độc lập, tự chủ của nhân dân Việt Nam càng có giá trị đặc biệt: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”, kể cả sự can thiệp của các đồng minh.  

Để tăng cường sức mạnh nội lực không có nghĩa là đóng kín, khước từ sự giúp đỡ ở bên ngoài mà là phải tìm mọi cách gia tăng sự ủng hộ của thế giới để nhân lên sức mạnh của nội lực. Nghĩa là tự mình phải trở nên hùng mạnh trên con đường hội nhập quốc tế. Trong mọi hoàn cảnh, luôn phải “lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”, vì mọi sự phụ thuộc, lệ thuộc đều dẫn đến việc đánh mất quyền độc lập dân tộc, quyền tự do của nhân dân. Nội lực quốc gia dân tộc luôn giữ vai trò quyết định. Tự lực, tự cường là tiền đề của độc lập, tự do và là điều kiện tiên quyết để phát triển các quan hệ quốc tế bình đẳng, cùng có lợi trên con đường hội nhập thế giới.

Đó chính là bài học lịch sử to lớn về kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để giữ vững nền độc lập dân tộc và phát triển quyền tự quyết dân tộc thiêng liêng và vô giá. Nghĩa là, “trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”.  

Đó là con đường lịch sử tất yếu để gìn giữ và phát triển tư cách độc lập của chúng ta trong cuộc hội nhập toàn cầu hiện nay và tương lai. Thực tiễn 35 năm đổi mới, chúng ta càng thấm thía sự phát triển phẩm giá dân tộc tự do và giữ vững pháp quyền, để đất nước phát triển độc lập và bền vững. Tự lực, tự chủ là phẩm chất, quyền lợi mang “tính người” và nếu con người không có quyền tự chủ thì không còn là con người nữa. Đất nước càng như vậy! 

Tự lực, tự cường là phẩm giá cao quý mà người có đạo đức, có lòng tự trọng phải có, nên mỗi người cần “có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Tự chủ của đất nước là bảo đảm tự do cho mỗi người trước mọi bạo lực, cường quyền, trước mọi sự áp chế hà khắc, là bảo đảm để dân tộc tự do và ngày càng tự chủ trước mọi sức ép từ bên ngoài, hóa giải mọi hiểm họa xâm lăng. 

Và, để có tự do chân chính cho mỗi người và cả dân tộc không thể không giữ vững và phát triển pháp quyền. Vì tự do của mỗi người và toàn thể dân tộc là cái tất yếu về pháp quyền được nhận thức, thực thi phù hợp với đất nước và tương dung với thông lệ, pháp lý quốc tế. Không thể chấp nhận thứ tự do vô hạn độ của bất cứ ai, của bất kỳ lực lượng nào đứng ngoài, đứng cạnh, đứng trên pháp luật cũng như không thể dung thứ thứ pháp luật nào ngăn cản tự chủ, bóp nghẹt tự do. Và, càng không thể dung thứ bất cứ quốc gia dân tộc nào, với bất cứ lý do gì, chèn ép, xâm phạm quyền tự chủ, tự quyết nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, tức là chà đạp lên đạo lý và pháp lý quốc tế. Đó là khí phách của dân tộc. Tất cả phải nhằm giữ vững nền độc lập của đất nước, bảo đảm hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục tiêu phát triển nhân văn của chúng ta! Vì, nếu không bảo đảm phát triển tự do chắc chắn sẽ không có bất kỳ sự tự chủ, càng không có bất cứ một sự tự quyết nào xứng đáng với độc lập! Do đó, càng thực thi công cuộc đổi mới, khi “mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do” thì nhất định chúng ta càng sẽ vượt qua mọi khó khăn. 

Nếu Cách mạng tháng Tám thành công “mang sức ta mà giải phóng cho ta” và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với phương châm là “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” thì hạnh phúc của nhân dân và phát triển đất nước một cách bền vững là đích đến của độc lập và tự do trên nền tảng tự lập, tự cường.  

Trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay và tương lai, ngay từ bây giờ, chúng ta tiếp tục “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước” như Đảng ta chỉ rõ.  

Dân tộc chúng ta phải tự mình ngày càng trở nên hùng cường. Không thịnh vượng không thể tự chủ trong quyết định mọi công việc của mình, không thể tự do trước mọi rào cản, dù ở bên trong hay bên ngoài, càng không thể tự chủ định đoạt những công việc, dù nhỏ nhất, thuộc về vận mệnh của mình. Khi đó không thể có bất cứ một mảy may sự tự do, hạnh phúc nào cho nhân dân và bất cứ một sự phát triển nào như mong đợi cho giang san xã tắc. Và, như thế, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì!

TS. Nhị Lê
(Theo nguồn baobinhphuoc.com.vn)

 
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:166 | lượt tải:54

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:166 | lượt tải:33

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:327 | lượt tải:46

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:589 | lượt tải:62

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1239 | lượt tải:357
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ