Văn học, nghệ thuật chính thống của một chế độ xã hội bao giờ cũng phục tùng, phục vụ việc xây dựng và củng cố chế độ xã hội ấy. Cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh rõ ràng: Văn học, nghệ thuật không thể đứng ngoài chính trị, không thể tách khỏi sự lãnh đạo của giai cấp cầm quyền. Đó là quy luật. Ấy vậy mà, một số người, nhóm người vẫn cố tình đi ngược lại quy luật khách quan đó.
Thời gian qua, một số người biến chất hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật nước nhà được sự hà hơi, tiếp sức, kích động của các thế lực bên ngoài đã lớn tiếng kêu gọi và đòi văn học, nghệ thuật không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng ngoài chế độ chính trị hiện hành (cho dù chính chế độ này đã mang lại cho họ những giá trị đích thực và họ đã, đang được hưởng). Vì thế, họ ra sức truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), phủ nhận thành quả của cách mạng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ đề cao, cổ súy một số tác phẩm của những văn nghệ sĩ cực đoan, quá khích. Thậm chí, họ còn cho rằng, những tác phẩm này đã tạo nên "luồng gió mới" trong lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật nước ta và đã "tiên phong" thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện đúng tinh thần "văn nghệ mở".
Bên cạnh đó, một số kẻ đã cố tình bôi nhọ, đả kích các nhân vật, các nhà phê bình văn học có quan điểm chính thống; xuyên tạc cho rằng họ là những "bồi bút” cho Đảng, "con rối" trên diễn đàn văn chương... Điển hình trong đó có nhóm tự xưng “Ban vận động Văn đoàn Việt Nam độc lập”, phiến diện cho rằng: Văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học, nghệ thuật minh họa nghị quyết, tô hồng thực tế theo chỉ đạo của Đảng. Thật đáng buồn hơn, khi có nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong nền văn chương cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng đã “mắc bệnh nặng” nên “mờ mắt”, phủ nhận chính những đứa con tinh thần của mình khi "loạn ngôn" cho rằng: Các tác phẩm văn học viết trong chiến tranh là những kiểu viết minh họa đầy chất “đặt hàng” của Đảng mà không phải viết do cảm xúc, do tình người của nhà văn. Do đó, những tác phẩm đó không có giá trị và phải có nhận thức mới để thoát khỏi sự can dự của Đảng (!)
Chắc chắn các “nhà văn nghệ mở” đều đã biết, sự tồn tại của chính trị trong một xã hội thường được thể hiện trên hai phương diện là học thuyết chính trị và nhà nước. Trong đó, học thuyết chính trị giữ vai trò chủ đạo trong ý thức xã hội để giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc, các tầng lớp trong xã hội và xây dựng nên một nhà nước nhằm tổ chức, quản lý, điều chỉnh và định hướng xã hội phát triển theo lý luận, quan điểm của học thuyết chính trị đó.
Như vậy, trong một xã hội, nói đến chính trị là nói đến vai trò chủ đạo cả trong ý thức xã hội lẫn hệ thống thiết chế mang tính chất nhà nước để bảo đảm cho sự hiện thực hóa tư tưởng chính trị. Khi đã hiển nhiên giữ vai trò chủ đạo trong một xã hội, thì chính trị không chỉ ảnh hưởng và tác động tới các hình thái ý thức xã hội khác cùng trong một kiến trúc thượng tầng, mà còn giữ vai trò lãnh đạo và chi phối mọi hoạt động trong lĩnh vực vật chất, tinh thần của xã hội. Bằng cách tiếp cận thực sự khách quan, toàn diện, khoa học, Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra, văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội nhưng là hình thái ý thức xã hội đặc thù; biểu hiện tập trung, đầy đủ, sâu sắc nhất quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực và luôn nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải thấm nhuần tư tưởng cách mạng, có tính giai cấp, tính đảng, tính định hướng...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”[1]. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, văn học, nghệ thuật vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Ý thức chính trị và ý thức văn học là những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội.
Một cảnh trong vở kịch hát "Hoa lửa Truông Bồn". Kịch bản: PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ; Đạo diễn: NSND. Lê Hùng. Ảnh: tuyengiao.vn
Thực hiện sứ mệnh mà dân tộc, nhân dân giao cho, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo văn học, nghệ thuật nhằm phát huy cao nhất tính “chân, thiện, mỹ” của nó, vì khát vọng cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật không phải là sự áp đặt, mà trở thành nhu cầu khách quan, không chỉ cho việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, mà còn vì chính sự tồn tại, phát triển của văn học, nghệ thuật; bảo đảm cho “hình thái ý thức xã hội đặc thù” này phát triển đúng hướng, toàn diện, có ích và đáp ứng khát vọng tốt đẹp, phong phú, lành mạnh của nhân dân, của dân tộc.
Vì vậy, ngay từ năm 1943, Ðề cương văn hóa-chiến lược đầu tiên về văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) của Ðảng đã đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Quan điểm đúng đắn đó, được khẳng định lại trong nhiều nghị quyết của Ðảng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là sự bảo đảm cho phát triển bền vững: "Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”[2].
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể như cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn hóa... Đảng chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo đối với văn học, nghệ thuật theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25-7-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, đường lối văn học, nghệ thuật của Ðảng là một bộ phận trong đường lối phát triển con người, phát triển đất nước, được xây dựng trên những căn cứ khoa học xác đáng, hướng tới những mục tiêu cao đẹp mà văn học, nghệ thuật cũng nhằm hướng tới. Do đó, văn học, nghệ thuật Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chuyển hóa lập trường cho nhiều trí thức tiểu tư sản sang người trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước.
Đơn cử như, bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu (năm 1938) là một mốc son đánh dấu sự chuyển biến, đi theo lý tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh của giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm ơn Đảng: Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng đã khẳng định: Chính Cách mạng Tháng Tám đã cứu sống đời ông, giải phóng cho gia đình ông và giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của ông... Trong giai đoạn cách mạng từ 1930 đến 1945, văn học, nghệ thuật đã có vai trò quan trọng trong vận động cách mạng, cổ vũ đồng bào cả nước làm nên thắng lợi lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các tên tuổi, như: Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Xuân Hồng, Phạm Tuyên, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân... đã vừa cầm súng, vừa cầm bút; vừa chiến đấu, vừa sáng tác, góp phần làm nên hình ảnh cao đẹp, đáng tự hào-“Người nghệ sĩ-chiến sĩ”. Họ đã có những tác phẩm đạt tới tầm cao về tư tưởng, văn học, nghệ thuật; tạo ra những hình tượng đậm chất lý tưởng, thực sự mang tầm văn hóa lớn trong đấu tranh cách mạng, hướng bạn đọc đi đến những cái cao thượng anh hùng... Từ khi đất nước thống nhất, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới, văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được những thành tựu đáng trân trọng; đại đa số các văn nghệ sĩ phát huy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ-chiến sĩ, sáng tác ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa nước nhà, xứng đáng đại diện cho “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng”[3].
Thực tế là vậy! Thử hỏi các “nhà văn nghệ mở”, các ngòi bút “tiên phong” rằng, đó có phải là bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt tư tưởng, quan điểm trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; hay trấn áp những văn nghệ sĩ, đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo không? Và, nếu các tác phẩm được viết theo kiểu “minh họa”, hay viết theo “đặt hàng mà không phải do cảm xúc” thì liệu có đạt tới tầm cao về tư tưởng, văn học, nghệ thuật như vậy không? Phải chăng, từ ý thức chính trị kết hợp với tài năng và tấm lòng trong sáng đã đem tới các thế hệ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam ý chí, tình yêu vô bờ bến với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc. Từ ý thức đó, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và vững bước cùng dân tộc, góp phần cùng dân tộc làm nên những kỳ tích mà lịch sử sẽ còn lưu giữ mãi.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã cấm phát hành và quyết định thu hồi một số tác phẩm, ấn phẩm văn học đã phát hành là do vi phạm Luật Xuất bản; thậm chí có tác phẩm có những quan điểm, nhận định, đánh giá thiếu căn cứ khoa học, mơ hồ về chính trị, hoặc có nội dung xuyên tạc lịch sử, thông tin tư liệu sai lệch, tuyên truyền chủ nghĩa xét lại một cách cực đoan, kích động thù hằn dân tộc, tạo tâm lý oán trách...
Việc làm đó là hoàn toàn chính xác, đúng đắn để tạo điều kiện cho nền văn học, nghệ thuật chân chính phát triển, góp phần tích cực vào xây dựng chế độ XHCN mà nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã lựa chọn, chứ không như một số người rêu rao: Trừng trị, triệt tiêu những đóng góp của giới tinh hoa, trí thức! Có chăng, đó chỉ là việc làm ngăn chặn những tác phẩm bôi đen, trút bức xúc và hằn học cá nhân, lấy cái tôi để làm thước đo phẩm chất cộng đồng...; những tác phẩm đó bao giờ cũng mang tới sự “phản giá trị” đối với tác phẩm và chính chủ nhân của nó. Đó là sự thật không thể chối cãi được. Cho nên, khi người ta đòi hỏi tách văn học, nghệ thuật khỏi chính trị, thì nếu đó không nhằm tiếp tay, thực hiện ý đồ đen tối cho các thế lực phản động, thì cũng là biểu hiện của sự ấu trĩ, mất phương hướng trong nhận thức mà thôi.
Đại tá, TS PHẠM QUANG THANH, Phó chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT, Trường Sĩ quan Chính trị
[1]- Hồ Chí Minh-Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr.504.
[2]- ĐCSVN-Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 47, Nxb CTQG, H.2006, tr.464.
[3]- ĐCSVN-Văn kiện Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. CTQG, H.1998, tr.56.
(Theo nguồn qdnd.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn