Tự hào cùng mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, bao thế kỷ đi qua, người dân đất Việt lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc Giỗ. Ði ngược về xuôi, lên non xuống bể không ai quên ngày Giỗ Tổ. Từ khi UNESCO công nhận Tục thờ cúng Vua Hùng là di sản văn hóa phi vật thể, niềm tự hào của dân ta càng nhân lên gấp bội. Càng khắc sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Càng trân quý hai tiếng thiêng liêng “đồng bào”, để rồi đắp bồi thêm truyền thống yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiếm có dân tộc nào lại có cùng ông Tổ sinh ra như người Việt Nam chúng ta. Khá nhiều quốc gia tuy nhỏ bé, số dân chỉ vài triệu người nhưng người dân từ tứ xứ hợp về. Năm 2002, chúng tôi có may mắn được đến đất nước Ai-xơ-len, trước kia ta quen gọi là Băng Ðảo, núi lửa dưới lòng sâu, băng tuyết trên mặt đất, nơi giáp ranh giữa châu Âu và châu Mỹ. Một nhà văn hóa người Ai-xơ-len gốc Việt kể rằng, vào thế kỷ thứ 9, một thuyền trưởng Na Uy đã đến lập nghiệp ở xứ này. Thế rồi dần dần người Na Uy và người Celt dồn tụ về đây sinh sống. Và đằng đẵng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, Băng Ðảo là một phần của Na Uy và Ðan Mạch. Không chỉ có Ai-xơ-len, nhiều nước ở châu Âu, cư dân cũng từ khắp nơi đến, cho nên mới hình thành các vùng, tiểu vùng nói bằng các ngôn ngữ khác nhau.
Còn đất nước bên bờ sóng của chúng ta từ lâu, rất lâu đã sáng rỡ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ trong buổi bình minh lịch sử. Mẹ dẫn đàn con Tiên lên rừng, cha dẫn đàn con Rồng xuống biển. Hùng Vương, theo truyền thuyết, là con trai thứ nhất của Lạc Long Quân, lên ngôi vào năm 2879 trước công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Ðó là truyền thuyết. Còn lịch sử thành văn cũng đã ghi đậm dấu ấn của người Việt Cổ. Mới nhất, ngày 28-3-2019, người dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã phát hiện chiếc trống đồng còn tương đối nguyên vẹn, có thể thuộc thời kỳ Văn hóa Ðông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. Lại thêm một dấu tích minh chứng cho sự phát triển lâu đời của cư dân Lạc Việt ở vùng biên cương phía bắc Tổ quốc ta.
Tự hào cùng mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, bao thế kỷ đi qua, người dân đất Việt lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc Giỗ. Không chỉ trong nước, một nhóm Việt kiều ở Áo cách đây hai năm đã nêu ý tưởng, đề nghị lấy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương làm Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Vào ngày đó trên facebook nhiều sinh viên Việt Nam ở Áo và một số nước khác đã đồng loạt thay avatar (ảnh đại diện). Vâng, một cử chỉ thân thiện nhắc nhớ về nguồn cội đủ ấm lòng những người con xa cố quốc. Như vậy, một nét đẹp văn hóa đặc sắc Việt Nam đã và đang được làm giàu, được kết nối trong thời toàn cầu hóa.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm Kỷ Hợi có nhiều điều mới. Báo chí đã thông tin nhiều. Ðiều người dân quan tâm là làm mới cách tổ chức sao cho thiêng liêng, trang trọng và giản dị. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi người dân hiểu thấu đáo hơn ý nghĩa của ngày lễ trọng này trong cuộc sống đầy ba động hôm nay. Một trong những ý nghĩa sâu sắc là phát huy truyền thống gắn bó, cố kết cộng đồng, “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Về thăm Ðền Hùng ngày 18-9-1954, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn Quân tiên phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ nước là đại sự của mọi thời đại, trao truyền qua nhiều thế hệ. Muốn vậy phải đoàn kết như cây mọc xen cây, núi tựa lưng núi, sông đan vào sông mà nâng cánh những mùa vàng. Ðoàn kết là sức mạnh dời non lấp biển, nhưng muốn đoàn kết thật sự, thì ý Ðảng phải hợp lòng dân, nay ta thường nói là sự đồng thuận xã hội. Người vùng cao Hà Giang có câu nói thật hình ảnh: “Rễ cây ngắn, rễ người dài”. “Rễ người dài” thì chở che, nâng đỡ cho nhau, có đi xa cũng bớt gối mỏi chân chồn, có lạc đường cũng không mất nhau. Nhờ đoàn kết mà chúng ta đã Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công; đã làm nên những “thiên sử vàng” tháng 5-1954 và tháng 4-1975.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngay sau ngày Giỗ Tổ không lâu chúng ta sẽ kỷ niệm chiến thắng vĩ đại, dân tộc ta thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Năm nay kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, những người cựu chiến binh cuối cùng trong Chiến dịch vĩ đại này đã bước sang tuổi trên dưới 90. Các bác ngực lấp lánh huân chương, kể lại những câu chuyện cảm động trong chiến hào dưới chân đồi A1 - câu chuyện về tình đoàn kết, đoàn kết quân dân, đoàn kết các dân tộc. Ngày ấy, do địch đánh phá dữ dội, để có lương thực nuôi quân, đồng bào các dân tộc Tây Bắc sẵn sàng giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị bộ đội thu hoạch. Bà con còn thức trắng đêm giã gạo mang đến cho chiến sĩ, điều này theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Lượng gạo cần cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ lên đến 16 nghìn tấn. Vậy, nhưng gạo đã từ Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái chảy ngược lên trận địa lớn, trên những chiếc xe thồ, những đôi vai, đôi chân không mỏi. Cắt nghĩa điều này, chỉ có một điều giản dị: Ðoàn kết - Chiến thắng!
Lễ hội bơi chải truyền thống trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng (Phú Thọ). Ảnh: PHƯƠNG THANH
Truyền thống đoàn kết như mạch nguồn chảy mãi, chảy từ Âu Cơ, Hùng Vương cho đến thời chúng ta đang sống đây. Nhờ đoàn kết thống nhất mà dân tộc ta giành được những thắng lợi vẻ vang trong chiến đấu, lao động. Không những thế còn góp phần phát triển, làm đậm đà bản sắc độc đáo của từng dân tộc, hình thành những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc. Ðoàn kết khó thể lượng hóa nhưng nó kết tinh trong sức mạnh tập thể, trong mỗi sản phẩm trí tuệ, sản phẩm hàng hóa của người trí thức, của anh công nhân, của chị lao công… Trân trọng truyền thống nhưng không tựa lưng mãi vào mùa gặt cũ, bởi đơn giản một điều, hiện tại và tương lai là cái chưa hề có trong lịch sử.
Nói điều đó để chúng ta cùng nhìn nhận về vấn đề đạo đức xã hội, có những điều đáng báo động, trong đó có những điều nhức nhối vì tình trạng mất đoàn kết kéo dài. Nội bộ lãnh đạo ở nhiều nơi thiếu dân chủ, mất đoàn kết nặng nề, nhất là vào dịp chuẩn bị đại hội, bầu cử. Lợi ích nhóm chính là nguyên nhân sâu xa đẻ ra sự tranh giành chức quyền, bổng lộc. Rồi gian lận thi cử, buôn thần bán thánh, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… có phần gia tăng. Những điều đó như những vật cản trong cuồn cuộn dòng chảy ra sông lớn. Tiếp nối mạch nguồn dân tộc, việc của mỗi người, mỗi nhà đến cả cộng đồng là hãy sát vai nhau; hãy xóa đi những “bức tường” của sự ích kỷ và đố kị; hãy làm con sóng nhỏ để lan tỏa thành con sóng lớn - con sóng của lòng yêu nước, của tình người sáng trong, chung thủy kết tinh những giá trị mới trước những vận hội mới, nhưng cũng không ít chông gai trong mỗi bước đi lên của đất nước.
Có một lời hát xoan của người dân nơi “núi giăng giăng núi đồi san sát đồi” đã nói hộ điều này: “Tay nâng chén muối (ối a) ố mấy gừng, ố mấy rằng gừng cay, gừng cay muối mặn (ối a) ố mấy đừng, xin đừng quên nhau, ố mấy ru tình ru...”.
HẢI ÐƯỜNG
(Nguồn Báo Nhân dân cuối tuần)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn