ĐIỆN BIÊN PHỦ - CUỘC CHIẾN KIẾN TẠO HÒA BÌNH

Thứ ba - 07/05/2019 14:31

Cách đây 65 năm, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi và trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra một trang mới không chỉ đối với Việt Nam, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của nhân loại với sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ. Điều đó đã được cả thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Vậy mà vẫn có một số kẻ bất chấp sự thật, cố tình xuyên tạc chiến thắng vĩ đại này nhằm hạ thấp ý nghĩa sự hy sinh và nỗ lực mọi mặt của quân dân Việt Nam…

Năm 2018, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 3-11-2018, Thủ tướng Pháp E.Philippe (E.Phi-líp) đã đến Điện Biên Phủ. Vậy là từ năm 1993, 25 năm sau ngày Tổng thống F.Mitterrand (P.Mít-tơ-răng) đến Điện Biên Phủ, Thủ tướng E.Philippe là nguyên thủ thứ hai của Pháp đã tới thăm nơi xưa kia là chiến trường khốc liệt giữa quân dân Việt Nam với quân đội viễn chinh Pháp cùng binh lính chính quyền bù nhìn. Trả lời báo chí về chuyến đi, Thủ tướng E.Philippe nói: “Trận chiến cuối cùng ở Điện Biên Phủ là một trong những trận chiến khó khăn nhất và mang tính biểu tượng nhất của cuộc chiến. Nó đánh dấu việc Việt Nam giành được nền độc lập hoàn toàn. Pháp đặc biệt chú trọng đến việc chia sẻ hồi ức… Cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất, tôi cũng muốn nói rằng vì hòa giải được với quá khứ của mình, hai nước chúng ta đang mạnh mẽ hướng tới một tương lai chung. Quan hệ Pháp - Việt mang dấu ấn sâu đậm của lịch sử hai nước”.

Theo bản tin trên RFI ngày 3-11-2018, Thủ tướng E.Philippe còn nói rằng: “Việt Nam luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong tâm tưởng người Pháp. Vì chúng ta có một lịch sử chung, vừa vinh quang vừa bi thảm. Vì trong rất nhiều gia đình người Pháp, người ta vẫn nhớ lại về một thời kỳ, về mối quan hệ hết sức gần gũi và mãnh liệt”. Đó là tâm sự chân thành và thiện chí. Bởi, rất cần khép lại quá khứ, để hướng tới tương lai nhưng điều đó không có nghĩa là để lịch sử bị lãng quên. Nhắc tới quá khứ, tiếp thu các bài học có ý nghĩa lịch sử sẽ cho phép chúng ta có cách tiếp cận khách quan, góp phần thúc đẩy quan hệ trong hiện tại và tương lai luôn diễn ra tốt đẹp, tích cực, để các bi kịch đau thương không bao giờ lặp lại.

Tuy nhiên, dù ý nghĩa vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ được cả thế giới khẳng định, như ngày 1-7-2014, tờ The Guardian bình luận: “Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng thất bại lịch sử của nước Pháp, Điện Biên Phủ là biểu tượng chiến thắng lẫy lừng của Việt Nam, tuy nhiên tầm ảnh hưởng của nó lớn hơn rất nhiều, đó là dấu mốc mở ra một thời đại mới trên toàn thế giới - thời đại giải phóng dân tộc”, thì các thế lực thù địch và một số kẻ thiếu thiện chí vẫn cố tìm mọi cách hạ thấp ý nghĩa của sự kiện, bằng cách cố tình cho rằng, nếu không có sự giúp đỡ từ nước ngoài thì Việt Nam không thể chiến thắng.

Trước hết, cần khẳng định trong các năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trước và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc, một số nước anh em, của nhân loại tiến bộ. Chúng ta luôn ghi nhớ và không bao giờ quên sự giúp đỡ đó. Song xét từ bất kỳ phương diện nào thì mọi giúp đỡ, dù lớn đến đâu, cũng không thể giúp sự nghiệp cứu nước của một dân tộc tới thắng lợi cuối cùng, nếu sự nghiệp đó không mang tính chính nghĩa và thiếu tinh thần tự chủ, thiếu đường lối chính trị đúng đắn và bản lĩnh chính trị vững vàng, thiếu sách lược quân sự sáng tạo và hiệu quả, không phát huy được toàn bộ sức mạnh vật chất và tinh thần của cả dân tộc...

Đây là nguyên tắc có tính chất sống còn. Chẳng hạn, là trước năm 1975, bằng chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ đã cung cấp một khoản viện trợ quân sự - kinh tế khổng lồ để nuôi sống chế độ “Việt Nam cộng hòa” cùng đội quân hơn một triệu người với số lượng vũ khí hiện đại vượt trội so với lực lượng cách mạng, nhưng cuối cùng chế độ đó vẫn phải chấp nhận thất bại cay đắng, nhanh chóng sụp đổ. Vì thế 65 năm trước, từ việc xác định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi người Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương, xác định Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh và kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến đã nỗ lực hết mình bằng mọi khả năng có thể để giành thắng lợi. Và Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố, mà nổi lên là sức mạnh chính trị cùng trí tuệ, ý chí của khối đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, và “Ðó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, NXB Chính trị Quốc gia, H.1996, tr.220).

HƠN nửa thế kỷ qua, kỳ tích dùng bè chở đại bác vượt hàng trăm cây số sông Hồng để đưa lên Điện Biên Phủ, kéo pháo lên đỉnh núi, kiên nhẫn đào giao thông hào đánh lấn vào cứ điểm của địch, và hình ảnh những người lính Cụ Hồ lấy thân mình lấp lỗ châu mai, lấy thân mình chèn pháo, làm giá súng,... đặc biệt là quyết định có tính bước ngoặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch khi thay đổi từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã hằn in vào ký ức dân tộc. Cùng với đó là kỳ tích huy động sức mạnh toàn dân bảo đảm hậu cần cho bộ đội. Như lời kể của ông P. Bonny (P. Bon-ni), cựu lính dù của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, thì: “Khi bị bắt làm tù binh, tôi đã tận mắt chứng kiến những đoàn xe thồ kéo dài gần như bất tận, không ngưng nghỉ, chở mọi thứ lên Điện Biên Phủ, từ gạo, ngô đến vũ khí hạng nhẹ...

Những người chở hàng này không ngồi xe đạp mà chất mọi thứ lên đó và đẩy xe lên. Đó là chưa kể những người gánh đồ tiếp viện bằng quang gánh trên đôi vai. Nhờ thế Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nuôi được hơn 30.000 bộ đội ở Điện Biên Phủ và đã giành chiến thắng. Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn bộ dân tộc Việt Nam, tất cả người dân đều góp phần chứ không chỉ riêng quân đội”. Từ đi bộ, bè mảng, xe cút kít, xe trâu, xe ngựa đến đội quân hơn hai vạn xe đạp thồ, và hơn 20 vạn dân công từ đồng bằng lên, từ miền trung đi ra, cùng leo đèo lội suối, gánh gồng, tiếp lương, tải đạn, mở đường... để làm nên những điều vĩ đại, đưa tới một trong những bất ngờ lớn nhất mà đối phương không thể hình dung. Bởi, khi lập ra tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng lĩnh quân đội Pháp ở Đông Dương coi việc bảo đảm hậu cần cho bộ đội Việt Nam ở Điện Biên Phủ là điều không thể, và họ coi Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”, “cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh”, khẳng định “Việt Minh không thể nào đưa được pháo đến đây,... ngay cả khi họ tìm được cách đến, tiếp tục bắn, họ cũng không có khả năng tiếp tế đầy đủ đạn dược để gây khó khăn thật sự cho chúng tôi”.

Vượt qua bom đạn, vượt qua mọi khắc nghiệt của tự nhiên và dù còn gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu ăn và thiếu mặc, nhưng cả nước vẫn chia lửa với Điện Biên Phủ buộc quân Pháp phải đối phó ở nhiều nơi, 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô đã được vận chuyển tới mặt trận cho bộ đội. Kỳ tích đó thật sự nằm ngoài suy nghĩ của những người lấy “vũ khí luận” làm cơ sở giải quyết một cuộc chiến tranh, nằm ngoài suy nghĩ của mấy kẻ chỉ sống với tâm thế tay sai, tôn sùng viện trợ nước ngoài mà không có khả năng tự đứng trên đôi chân của mình. Và hơn hết là chưa bao giờ nhận được sự đồng lòng, ủng hộ toàn tâm, toàn ý của cả dân tộc. Về điều này, đại tá J.Allaire (J.A-le), cựu sĩ quan quân đội Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ, đã nói: “Tôi biết nhiều người trong quân đội Bảo Đại, họ không có động lực và quyết tâm nào cả, họ không đại diện cho ước nguyện của người dân Việt và không dám hy sinh mạng sống vì Tổ quốc.

Trong khi đó, bộ đội Việt Minh là những người lính thực thụ với quyết tâm, lòng dũng cảm và đạo đức”. Đó chính là điều tạo nên cơ sở để trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - một cuộc đời”, nhà sử học A. Rouscio (A. Rút-xi-ô) khẳng định, Điện Biên Phủ là “ngọn gió lịch sử của phi thực dân hóa”. Ông nói: “Tôi luôn giải thích rằng ở Điện Biên Phủ, không phải nước Pháp mà là chủ nghĩa thực dân Pháp đã thua. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nói rằng kẻ thù của Việt Nam là hệ thống của thực dân Pháp muốn đè nén dân tộc Việt Nam, và người Việt đã phải chiến đấu chống lại”. Còn nhà làm phim D.Roussel (D.Rút-xen), là người nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì kể: “Có lần Đại tướng nói với tôi là tại sao lại hỏi nhiều về chiến tranh thế, vì ông là “một vị tướng của hòa bình”. Ông nói mình buộc phải tiến hành chiến tranh là vì hòa bình. Có những cuộc chiến tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, và Điện Biên Phủ là một cuộc chiến như thế”.

Kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực mọi cách để vừa giữ gìn nền độc lập, vừa kiến tạo nền hòa bình, tạo cơ hội để nhân dân được sống trong bình yên, tập trung trí lực xây dựng đất nước. Nhưng ước muốn bình dị và chân thành đó đã nhiều lần bị đe dọa, xâm phạm bởi một số thế lực ở bên ngoài và sự tiếp tay của một số người trong nước nhằm nuôi tham vọng áp đặt sự thống trị. Và mỗi lần như vậy, cả dân tộc Việt Nam lại phải cầm súng, chiến đấu vì độc lập dân tộc, chiến đấu vì hòa bình. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975… là kết quả của những khát vọng nỗ lực cháy bỏng đó, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc. Ngày nay, lịch sử sang trang mới, đất nước hòa bình, có những bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, vị thế đất nước ngày càng lên cao trên trường quốc tế.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những nhiệm vụ mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần tiếp tục nỗ lực để xây dựng đất nước phát triển bền vững, luôn có khả năng đương đầu thắng lợi với mọi đe dọa từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, “tinh thần Điện Biên Phủ” vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là yếu tố quan trọng góp phần củng cố, phát triển lòng tự tôn dân tộc trong thời đại mới. Bởi, khi cha ông từng phải vượt qua gian khổ, hy sinh xương máu để giành lại độc lập, đất nước có hòa bình, thì các thế hệ kế tục cần tiếp nối một cách xứng đáng. Đó không chỉ là nỗ lực đền đáp sự hy sinh của cha anh, mà còn là lòng tự trọng thế hệ, lòng tự trọng dân tộc.

VŨ HỢP LÂN

(Nguồn Báo Nhân dân Điện tử)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:193 | lượt tải:69

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:185 | lượt tải:51

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:415 | lượt tải:60

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:712 | lượt tải:67

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1316 | lượt tải:362
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ