ĐƯA NHIỀU THÔNG TIN TÍCH CỰC LÊN MẠNG XÃ HỘI THÌ CŨNG NHẬN LẠI NHIỀU ĐIỀU TÍCH CỰC!

Thứ tư - 06/12/2023 15:02

Để các cơ quan báo chí phát triển nền tảng mạng xã hội hiệu quả, cần sự chung tay, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

• 11:00 - 06/12/2023
Cơ quan báo chí có lợi thế để phát triển mạng xã hội

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng hiện nay có tâm lý muốn xem những thông tin "lá cải", trong khi những bài viết về người tốt, việc tốt lại không thu hút lượt xem.

"Ở Báo Người Lao Động, chúng tôi luôn kiên định tiêu chí nhanh - hay - chính xác - trách nhiệm - nhân văn. "Trách nhiệm" bao gồm trách nhiệm với Tổ quốc, người dân, Đảng; còn yếu tố "nhân văn" là ở chỗ hướng thiện, không khuyến khích người khác làm điều xấu" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân khẳng định. 

Hiện nay, có nhiều nội dung chúng ta phải chạy theo mạng xã hội. Tuy nhiên, hơn ai hết, báo chí cần giữ thế thượng phong và chúng ta đang có lợi thế để phát triển mạng xã hội một cách tốt nhất.

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

Cũng theo ông Tô Đình Tuân, nếu người sáng tạo nội dung số xác định xây dựng nội dung để phục vụ xã hội, chúng ta cần ủng hộ và hoan nghênh.

Quan trọng nhất, theo ông Tô Đình Tuân, là cái tâm của người làm báo để đưa những câu chuyện tốt lên nền tảng, có giá trị phục vụ xã hội. Hiện nay, các cơ quan báo chí nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, các doanh nghiệp và các đơn vị trong xã hội.

Cơ quan báo chí cần tích hợp các nền tảng mạng xã hội với định hướng xây dựng nền tảng "tỉ view" của mình. Cách làm ở Trung Quốc là cho phép mạng xã hội đi trước để lan tỏa thông tin.

Theo Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, các cơ quan báo chí cần xây dựng những giải pháp mang tính chủ động trong việc phát triển các nền tảng mạng xã hội. Lãnh đạo cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý cần phối hợp để tìm ra giải pháp giúp cơ quan báo chí xây dựng được các kênh mạng xã hội mạnh. 

Ông Tô Đình Tuân cũng cho rằng với tốc độ phát triển như hiện nay của các nền tảng mạng xã hội, cần có nhiều giải pháp để cơ quan quan báo chí không bị lệ thuộc vào các nền tảng này. Đây không chỉ là quyền lợi của riêng cơ quan báo chí mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước…

 

• 10:29 - 06/12/2023
Hướng tới nền tảng "tỉ view"

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, khẳng định trong thời gian tới sẽ có quy chế xử lý các KOL tham gia quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí là xử lý các công ty quản lý của những KOL này.

Theo ông Hồi, thời gian qua, TP HCM đã chú trọng truyền thông về chính sách. Ông gợi ý các cơ quan báo chí có lợi thế biến mình thành những KOL để tham gia vào truyền thông chính sách. Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cùng các cơ quan báo chí sẽ phối hợp với nhau để xây dựng các kế hoạch truyền thông về chính sách cho thành phố trên các nền tảng mạng xã hội. Thậm chí, có thể mời các KOL tham gia vào các chiến lược truyền thông chính sách.

Ông Hồi mong muốn thông qua mạng xã hội, mỗi buổi sáng, người dân được tiếp cận với thông tin tích cực từ các cơ quan báo chí.

"Chúng ta đã thay đổi tư duy rồi. Nay phải tiếp tục thay đổi tư duy trong sản xuất các nội dung đăng tải trên mạng xã hội. Từ đó hướng đến các nền tảng "tỉ view" chứ không chỉ là "triệu view" như hiện nay" - ông Hồi nhắn nhủ.

 

• 10:29 - 06/12/2023

Tận dụng KOLs trong truyền thông chính sách

Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình Đa nền tảng Báo Pháp Luật TP HCM, cho rằng lâu nay đa phần truyền thông chính sách gắn với các cơ quan báo chí. Nhưng trong tình hình hiện nay, cần có sự kết hợp với các KOL. Ví dụ, chiến dịch quảng bá Cần Giờ mới đây có sự góp sức của đội ngũ KOLs. Cần tận dụng đội ngũ KOLs trong truyền thông chính sách.

Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết trong thời gian qua, TP HCM cũng đã tận dụng KOLs trong quảng bá, truyền thông chính sách của thành phố. 

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM sẽ tiến tới thành lập CLB, đội nhóm KOLs tham gia truyền thông chính sách, góp phần đưa việc sản xuất nội dung vào quy chuẩn, hiệu quả.

Theo ông Hồi, trong chiến lược truyền thông chung của TP HCM có kế hoạch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ, mời các KOLs tham gia truyền thông, quảng bá về giải quyết các thủ tục trực tuyến của thành phố.

 

• 10:28 - 06/12/2023
Người làm báo cần bản lĩnh

Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP HCM, nhìn nhận báo chí đang chập chững bước vào mạng xã hội.

Hiện có khoảng 800 cơ quan báo chí trên cả nước nên thông tin rất phong phú. Việc xây dựng mạng lưới cạnh tranh với mạng xã hội là cần thiết.

Để các nền tảng của báo chí phát triển thì thực chất quy định hiện đi theo chưa kịp. Năm 2015, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra những quy định cho người làm báo thực hiện.
Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP HCM

Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP HCM

Báo chí chính thống khác mạng xã hội ở chỗ là cần xác định viết cho ai, viết để làm gì, làm sao chuyển tải thông điệp để xã hội đẹp, sáng hơn. Tôi nghĩ đây là cái khó nhưng thực chất là cần bản lĩnh của người làm báo, tờ báo khi chấp nhận những thông tin đó xuất hiện trên mặt báo.

Để phát huy đầy đủ thế mạnh và sự định hướng, các cơ quan báo chí cần bố trí đội ngũ có hiểu biết về quy định về mạng xã hội và thực hiện phương châm nhanh, đúng.

Với thông tin nhạy cảm, cần phối hợp để cùng chia sẻ thông tin đến với bạn đọc, xã hội tốt hơn.

Cuối cùng, các cơ quan báo chí cần đào tạo đội ngũ tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị và phải rèn luyện kỹ năng.

 

• 10:23 - 06/12/2023
Không dám giới thiệu mình là nhà sáng tạo nội dung

Anh Lê Văn Phong, quản lý kênh YouTube Phong Bụi, chia sẻ gần đây khi ra đường, anh không dám giới thiệu mình là nhà sáng tạo nội dung vì không ít nhà sáng tạo nội dung hiện nay tạo ra những nội dung nhảm nhí.
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

YouTuber Lê Phong

Anh Phong lấy ví dụ nhiều YouTuber đã đăng tải thông tin về vụ việc giết người ở Cà Mau mới đây hoặc "drama" sau khi NSƯT Vũ Linh qua đời. Những thông tin này được đăng với tần suất dày đặc cùng hình ảnh, lời lẽ rất đau lòng, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Nhà sáng tạo nội dung này cho hay các nội dung hiện nay được đăng tải trên nền tảng mạng xã hội với 2 luồng tích cực và tiêu cực. Do đó, cần quản lý chặt chẽ hơn những nội dung xấu, độc trên mạng xã hội.

 

• 10:17 - 06/12/2023
Cú bắt tay giữa báo chí và nhà sáng tạo nội dung là không thể thiếu

Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số), người đọc hiện nay thích xem, nghe hơn là đọc. Các cơ quan báo chí đã có đa nền tảng và bắt tay với các nhà phát triển nội dung để phát triển.
ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số

Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số)

Ông Bùi Thanh Bình đánh giá báo chí chính thống đang thiếu những nhà sáng tạo nội dung. Trong khi đó, người dùng rất thích đọc những tin tức "hot" từ những người này. Nhưng, vấn đề đặt ra là liệu tin tức có chính xác?

Thực tế, có nhiều KOLs (những nhà sáng tạo nội dung) có hoạt động quảng cáo sai sự thật, cần được định hướng lại. Báo chí cần có những nhà sáng tạo nội dung để dịch chuyển điều này, giúp người dân tiếp cận được thông tin nhanh, chính xác.

Trong tương lai, cú bắt tay giữa báo chí và nhà sáng tạo nội dung là không thể thiếu.

 

• 10:06 - 06/12/2023
Người làm báo phải có phẩm chất, đạo đức

TS Vũ Toản, Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường  Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho biết "bức tranh" công nghệ đặt ra những thách thức cũng như lợi thế để phục vụ phát triển báo chí.

Ở góc độ người đào tạo, TS Vũ Toản cho hay trách nhiệm là rất quan trọng. Cần hiểu rằng sự vận hành của báo chí liên quan rất lớn đến con người, con người tạo ra sản phẩm và thụ hưởng thành quả đó.

Theo ông Toản, trách nhiệm của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phải được nâng lên hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Thực tiễn cho thấy ngành báo chí và truyền thông đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội.
TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM)

TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn hiểu rằng xu hướng phát triển 4.0 có thể tạo ra những phiên bản khác nhau của người làm báo vì giờ ai cũng có thể tạo ra nội dung, lan tỏa ra khắp thế giới. Sự bùng nổ là xu hướng tất yếu nhưng sử dụng nguồn lực cần đa dạng, khắt khe hơn.

"Chúng tôi nghĩ rằng trong đào tạo nguồn nhân lực với định hướng phát triển đa nền tảng, người được đào tạo phải nắm vững chủ trương, đường lối. Người học phải có phẩm chất, đạo đức, tinh thần chính trực, hướng đến hình mẫu lành mạnh" - TS Vũ Toản nói. 

Về mặt chuyên môn, thay vì học tốt, phải làm sao việc học gắn với hoạt động thực tiễn của nhiều công việc khác nhau.

TS Vũ Toản cũng lưu ý người làm báo, người làm truyền thông cần có sự hiểu biết mang tính chuẩn mực, biết lắng nghe nhiều hơn. Có được thông tin tốt thì hãy "lắng", rồi hãy "nghe" thì mới đáp ứng được công việc.

 

• 09:53 - 06/12/2023
Khẳng định thương hiệu từ thông tin kiểm chứng

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho hay trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chủ đề xuyên suốt của TP HCM là chuyển đổi số. 

Các cơ quan báo chí đang chuyển đổi số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả trong tác nghiệp, sản xuất sản phẩm báo chí và đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM

Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển nhanh. Bên cạnh đó là siết chặt lẫn hỗ trợ để cơ quan báo chí có thể xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội. Thương hiệu này chính là những thông tin được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí. 

Ông Hồi nhấn mạnh dù mạng xã hội có theo trend nào đi nữa thì những thông tin chính thống, được kiểm chứng từ các cơ quan báo chí vẫn cần thiết và giữ vai trò quan trọng.

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đang xây dựng quy chế để xử lý những hành vi đăng tin giả, xấu, độc lên mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh quảng cáo lên các nền tảng này.

Ông Hồi cho rằng nếu các cơ quan báo chí đẩy nhiều thông tin tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thì cũng sẽ nhận lại nhiều điều tích cực từ các nền tảng này.

 

• 09:39 - 06/12/2023
Tạo được "đặc sản"

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, chuyên gia công nghệ tiếp thị số, cho rằng ai cũng có thể sản xuất nội dung, tạo nên sự cạnh tranh lớn. 

Mạng xã hội có chức năng phân phối nội dung. Trước đây, người dân tìm đến báo chí để biết thông tin nhưng hiện báo chí mới là người cần tiếp cận bạn đọc. Chúng ta cần "bày" ra cái hay để người dùng chọn.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Chuyên gia công nghệ tiếp thị số

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, chuyên gia công nghệ tiếp thị số

Nếu báo chí chỉ cung cấp thông tin thì chưa phù hợp. Nội dung cần có tính giải trí, cung cấp kiến thức… để từ đó phân loại rồi tạo cái riêng, làm ra những "đặc sản", tạo thế mạnh. Và, phải luôn đặt câu hỏi: "Cạnh tranh như thế nào?".

 

• 09:36 - 06/12/2023
Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa, Giám đốc Văn phòng Đại diện TP HCM - Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV)

Đơn vị của chúng tôi đã tiếp cận các nền tảng mạng xã hội từ cách đây từ 5-6 năm và cũng trực tiếp sản xuất nội dung. Tùy theo mỗi nền tảng mạng xã hội mà xây dựng nội dung, cách thức thể hiện.

Chúng tôi đã đầu tư nguồn nhân sự lẫn công nghệ nhằm bắt trend trên mạng xã hội, từ đó chuyển tải nội dung mang tính bắt trend lên nền tảng. 
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa, Giám đốc Văn phòng Đại diện TP HCM, Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV)

Khác biệt giữa truyền hình truyền thống và truyền hình có nội dung chuyển đổi số: Có công cụ bóc tách để xây dựng nội dung phù hợp với từng đối tượng người xem; có công cụ để đo, đếm được thị hiếu.

Làm thế nào để kiếm tiền? Đó là chuyển đổi từ nội dung giải trí sang kết hợp với nhãn hàng, vừa giải trí vừa kết hợp mua sắm.

"Nơi đâu có độc giả, nơi đó phải có nội dung. Cách thể hiện nội dung phải đúng chủ trương, chính sách nhưng phải có yếu tố giải trí" - ông Nghĩa khuyến cáo. 

 

• 09:27 - 06/12/2023
Công nghệ là tương lai

Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão, cho biết các mạng xã hội hoạt động sôi nổi hiện nay ở Việt Nam thực chất cũng là những công ty công nghệ. Báo chí không thể bỏ qua xu thế đó.

Các công ty công nghệ nước ngoài đã có đại diện chính thức ở Việt Nam. Để phát triển nền tảng "triệu view" và đúng hướng với sự quản lý của nhà nước, báo chí phải phối hợp chặt chẽ với công ty công nghệ. Cụ thể, cần phối hợp quản lý dữ liệu, tận dụng dữ liệu ấy để đưa đến độc giả phù hợp nhất.
Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão

Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão

Có những kênh báo chí kiếm được tiền hoặc có lượng tương tác lớn nhưng quan trọng nhất là chúng ta phải nhìn vào dữ liệu, từ đó phân loại độc giả để có cách phân phối nội dung phù hợp.

Hiện nay, xu thế AI không còn là trend nữa mà là tương lai, chúng ta sử dụng công nghệ AI để phân bố lại nội dung của mình, phát huy được hiệu quả công nghệ.

Với các nền tảng mạng xã hội trong nước, chúng ta có thể phối hợp với họ để tiếp cận được mục tiêu cần hướng đến.

Hiện cũng có các nền tảng tích hợp đa mạng xã hội với nhau để quản lý tốt nhất và chúng ta cần ứng dụng, quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi nhằm đem lại thông tin cho độc giả đúng và sâu hơn.

 

• 09:22 - 06/12/2023
TikTok Việt Nam đồng hành với các cơ quan báo chí

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, cho biết TikTok Việt Nam có chương trình đồng hành với các cơ quan báo chí Việt Nam để đưa tin tức đến người xem. Trong đó gồm hỗ trợ các tài khoản TikTok về tính chính danh, hỗ trợ về kỹ thuật lẫn nội dung. 

Bên cạnh đó, TikTok cũng có những chương trình đồng hành với các cơ quan báo chí trong 1 số tuyến nội dung, từ đó kéo lượt tương tác về cho các cơ quan báo chí.

 

• 09:16 - 06/12/2023
Thách thức trong kiểm soát tin giả

Theo nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử, ngay ở các cơ quan báo chí chính thống cũng gặp những khó khăn trong quản lý tin giả. Điển hình như thông tin hỗn loạn trong giai đoạn dịch COVID-19.

Trên các nền tảng mạng xã hội, liên quan những vụ vu khống, tít thường được đặt rất hay nhưng nội dung bên trong lại chẳng mấy liên quan.
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Nhà báo Chiến Dũng

"Những năm gần đây, Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng đặt nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, nên đưa tít như thế nào? Khi đưa lên mạng xã hội thì phải sửa tít ra sao để thu hút? Vì thế, câu hỏi đặt ra là quản lý nền tảng mạng xã hội như thế nào?" - ông Chiến Dũng đặt vấn đề. 

Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng nhận xét báo chí hiện nay làm nội dung trên mạng xã hội khá chuẩn chỉnh. Ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, từ thông tin trên mạng xã hội, người làm nội dung phải kiểm chứng thông tin, khai thác theo hướng người dân tin tưởng để định danh. Những thông tin này tất nhiên cũng bắt trend theo mạng xã hội nhưng phải chuẩn. 

Báo Sài Gòn Giải Phóng xác định có thể thông tin không nhanh nhưng cần chính xác. Dù rằng mỗi báo có cách khai thác, sản xuất nội dung khác nhau nhưng phải kiểm chứng thông tin, đẩy lùi được thông tin giả. Bạn đọc sẽ là người quyết định tẩy chay những cá nhân, tổ chức không đưa thông tin chuẩn.

 
 

• 09:13 - 06/12/2023
Lợi thế và rủi ro

Theo nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng Báo Pháp Luật TP HCM, các cơ quan báo chí tham gia mạng xã hội sẽ có nhiều lợi thế. Trong đó, mạng xã hội mang về cho các cơ quan báo chí lượt tương tác, doanh thu. 
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Nhà báo Đỗ Thiện

Xu hướng chung hiện nay là đa số người dân tiếp cận tin tức của các cơ quan báo chí thông qua mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, các cơ quan báo chí sẽ bắt trend (xu hướng), nắm được thị hiếu của người dùng mạng xã hội, từ đó bắt kịp được nhu cầu tin tức của người dùng.

Mặt khác, báo chí tham gia các nền tảng mạng xã hội cũng đối mặt nhiều rủi ro. Đó là sự phụ thuộc của các cơ quan báo chí về cả nội dung lẫn kỹ thuật vào các nền tảng này. Việc người làm báo mải mê chạy theo trend trên mạng xã hội để sản xuất tin - bài cũng dễ gây ra "mất chất". Hiện nay, nhân sự của các báo cũng chảy về mạng xã hội.

 

• 08:39 - 06/12/2023
Nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên

Bên cạnh báo in và báo điện tử, Báo Thanh Niên cũng tập trung vào các nền tảng mạng xã hội như YouTube (5,5 triệu lượt theo dõi), TikTok (3,5 triệu) , Fanpage Facebook, Zalo… Những con số này còn khiêm tốn, sơ khai. 

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cạnh tranh trên nền tảng đa nội dung?

Báo Thanh Niên phát triển trung tâm nội dung số, phát triển mạng xã hội, đòi hỏi đầu tư khá nhiều. Trung tâm có tiền thân là tổ truyền hình, thành lập năm 2016. Với sự phát triển của mạng xã hội thì trung tâm là một nền tảng chính của báo và được đầu tư nhiều.
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Nhà báo Đức Trung

Theo ông Đức Trung, việc bảo đảm nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã vất vả rồi, còn phải làm sao để bạn đọc quan tâm, làm sao để làm mới mình? Làm sao tiếp cận được những nội dung thu hút giới trẻ, những người tiếp cận nhanh và đòi hỏi sự thay đổi?

Báo Thanh Niên luôn muốn đầu tư trường quay nhưng để đầu tư cũng là thách thức. Chưa kể, quản trị rủi ro trên nền tảng mạng xã hội là vấn đề cần quan tâm rất lớn. 

Nền tảng đối với các cơ quan báo chí hiện nay là đi mượn, nhà phát triển nền tảng chỉ cần thay đổi thuật toán là chúng ta "hoang mang". Với thách thức như vậy, một cơ quan báo chí không làm một mình được, đòi hỏi sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.

Còn có rủi ro khác đến từ yếu tố khách quan trên mạng xã hội, đòi hỏi đầu tư công nghệ nhưng không phải cơ quan nào cũng có nguồn lực để đầu tư. 

Về con người, chúng tôi cũng có sự tính toán để bảo đảm nguồn nhân lực. Những người trẻ theo được sự thay đổi của công nghệ và có sức sáng tạo vô bờ cần tạo điều kiện để sáng tạo.

 

• 06:19 - 06/12/2023
Khách mời tham dự tọa đàm

- Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM

- Ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP HCM

- Nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên.

- Nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử.

- Nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình Đa nền tảng Báo Pháp Luật TP HCM.

- Lãnh đạo báo Tuổi Trẻ.

- Lãnh đạo Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số của Đài Truyền hình Việt Nam.

- TS Vũ Toản, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM

- Bà Nguyễn Thu Trang, Phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM

- Ông Huỳnh Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Mắt Bão.

- Ông Bùi Phan Trương Chánh Nghĩa, Giám đốc Văn phòng Đại diện TP HCM, Công ty CP Phát triển truyền thông Quảng cáo MAC Việt Nam (MCV).

- Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Chuyên gia công nghệ tiếp thị số.

- Ông Lê Văn Phong, Quản lý kênh Youtube Phong Bụi.

- Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Công ty CP BMZ (quản lý mạng xã hội cho một số nhà sáng tạo số)

 

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, thói quen tiếp nhận thông tin của bạn đọc cũng thay đổi rõ rệt. Do đó, chuyển mình theo xu hướng của bạn đọc là điều tất yếu mà các cơ quan báo chí phải làm, đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ. 

Hiện nay, các tòa soạn báo đã áp dụng mô hình phân phối thông tin đa nền tảng, thay vì chỉ phát triển báo in, báo điện tử như trước đây. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội được các tòa soạn sử dụng gồm Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Lotus…

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 1.

Tọa đàm kỳ vọng tìm ra nhiều giải pháp hữu hiệu để phát triển nền tảng “triệu view” cho cơ quan truyền thông

Tại hội thảo khoa học "Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội", do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM tổ chức tháng 6-2022, các diễn giả đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí đã nhận định phát triển báo chí đa nền tảng không chỉ giúp cơ quan báo chí xây dựng các kênh thông tin đa dạng, tiếp cận đông đảo bạn đọc; tạo ra các luồng thông tin chính thống, chống nạn tin giả mà còn giúp đa dạng hóa nguồn thu, bảo đảm yếu tố kinh tế báo chí cho mỗi tòa soạn báo. 
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 2.

Báo Thanh Niên hiện là cơ quan báo chí có kênh Youtube lượt đăng ký cao nhất nếu không tính các đài truyền hình

Song song với những cơ hội rộng mở, quá trình này cũng khiến các cơ quan báo chí gặp không ít thách thức như khó khăn về công nghệ, nhân lực, vấn đề bản quyền... và rất nhiều rủi ro khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các cơ quan truyền thông có thể xây dựng hiệu quả các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội, cạnh tranh được với các kênh mạng xã hội khác bên cạnh việc bảo đảm tiêu chí, định hướng của tờ báo.
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 3.

Fanpage Báo Người Lao Động

Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 4.

Kênh YouTube của Báo Người Lao Động

Tọa đàm là dịp để các cơ quan quản lý đưa ra những đánh giá, định hướng đối với việc phát triển các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, công ty công nghệ có cơ hội chia sẻ, trao đổi những khó khăn và giải pháp để thúc đẩy phát triển báo chí trên các nền tảng mạng xã hội.
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 5.
Bên cạnh dòng chảy chủ lưu của báo chí chính thống, thời gian qua, mạng xã hội cũng chứng kiến sự năng động, nhạy bén của không ít nhà sáng tạo nội dung độc lập. Nhiều nội dung, đề tài hay được họ phát hiện sớm, triển khai nhanh và tiếp cận đông đảo công chúng. Những chia sẻ từ các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cũng sẽ là nguồn thông tin hữu ích, mang tới những cách làm hay, sáng tạo cho các cơ quan báo chí. 
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 6.

Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, tặng hoa đại diện các đơn vị đồng hành

Cảm ơn các đơn vị đồng hành:

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) - Chi nhánh Thủ Thiêm

- Tổng công ty Viễn thông Mobifone

- Tiktok Việt Nam
Đưa nhiều thông tin tích cực lên mạng xã hội thì cũng nhận lại nhiều điều tích cực!- Ảnh 7.
Nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:261 | lượt tải:103

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:236 | lượt tải:65

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:503 | lượt tải:83

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:813 | lượt tải:79

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1407 | lượt tải:371
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ