Tham dự Diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cùng đại diện các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí các địa phương.
Quang cảnh diễn đàn.
Cầu nối "ý Đảng, lòng dân"
Chào mừng các đại biểu tham dự diễn đàn, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết thời gian qua, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển của cả nước, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao...
Để đạt được các kết quả trên, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, sự đồng thuận của nhân dân còn nhờ sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền, làm nhịp cầu nối giữa "ý Đảng với lòng dân".
Ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu chào mừng diễn đàn.
Ông Cao Tường Huy cho rằng các ý kiến tham luận, chia sẻ, kinh nghiệm của các đại biểu tại diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra những không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Diễn đàn Tổng Biên tập là hoạt động thường niên do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, giao báo Nhà báo & Công luận tổ chức. Diễn đàn năm 2023 có chủ đề "Truyền thông chính sách-Góc nhìn từ các cơ quan báo chí" gồm 2 phiên thảo luận: Báo chí-Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách; Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách. |
Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng diễn đàn được đón nhận những ý kiến chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, những đề xuất, giải pháp giàu tâm huyết góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức cũng như tìm giải đáp cho những hạn chế còn tồn tại trong công tác truyền thông chính sách.
Nhiều trăn trở
Mở đầu phiên thảo luận đầu tiên "Báo chí-Cánh tay nối dài của truyền thông chính sách", ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, gợi mở 4 nhóm vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh về thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách trong thời gian qua, những bước tiến và những mặt hạn chế còn tồn tại. Đồng thời, đặt ra câu hỏi, tại sao trong bối cảnh hiện nay, cần phải coi trọng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách; vai trò, sự cần thiết của báo chí trong việc tham gia hoàn thiện chính sách là gì.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu tại diễn đàn.
Với góc độ cơ quan quản lý báo chí, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết: “Chúng ta có cả một hệ thống truyền thông lớn với số lượng 800-900 cơ quan báo chí trên cả nước, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan làm truyền thông chính sách chỉ chiếm khoảng 0,56%. Dưới góc độ cơ quan quản lý báo chí chúng tôi đã có nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore Thụy Điển… Ví dụ như tại Hàn Quốc, nhà nước đặt hàng để làm truyền thông chính sách và yêu cầu đơn vị thực hiện đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn mới được tham gia vào thực hiện. Đặc biệt trước khi làm truyền thông chính sách thì phải có khảo sát đánh giá nhu cầu của công chúng rồi mới thực hiện.
Tại Việt Nam, về cơ bản chúng ta đã làm rất tốt theo chỉ đạo, định hướng của Đảng, quản lý của Nhà nước. Thế nhưng đâu đó vẫn có những câu chuyện, những chính sách của địa phương khi đưa ra chưa có sự khảo sát đánh giá kỹ lưỡng, dẫn đến thông tin được lan truyền trên mạng xã hội trái ngược với thông tin chính thống. Nguyên nhân do người dân chưa được tiếp cận thông tin, thiếu thông tin dẫn đến có những ý kiến, bình luận ở một góc độ khác”.
Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Phạm Mạnh Hùng cho rằng báo chí và truyền thông phải có những hành động để giúp cải thiện về mặt chính sách vĩ mô để cho báo chí có những điều kiện tốt hơn trong hoạt động tác nghiệp, để làm sao báo chí sẽ "sống được” và “dễ thở hơn”. Theo ông Hùng, mô hình báo chí của Việt Nam là đặc thù, không thể học được một số nước khác, bởi vậy cần có sự hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan Nhà nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư, đánh giá: Để góp ý, phản biện được chính sách đòi hỏi phải có đội ngũ am hiểu sâu về những vấn đề chính sách đề cập, phải có diễn đàn để trao đổi giữa các nơi hoạch định chính sách...
Nhấn mạnh nhiều chính sách rất phức tạp, rất mới, rất khó, báo chí nên quan tâm các khâu xây dựng chính sách, Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư cũng bày tỏ mối quan tâm về vấn đề kinh phí từ đâu khi mỗi cơ quan có đối tượng độc giả, tôn chỉ mục đích riêng. Trong quá trình xây dựng chính sách kinh tế báo chí, cần có cơ chế để báo chí xây dựng sự kiện, kiến nghị các cơ quan chức năng...
Gỡ khó để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách
Mở đầu phần thảo luận thứ hai "Cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì "hai bên cùng bắt tay với nhau để cùng thực hiện một việc chung và hai bên đều tìm được cái mình mong đợi".
Một điều mà ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh nữa là việc cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quản. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng hiện chỉ có khoảng gần 200 cơ quan báo chí thực sự làm công tác truyền thông chính sách. Ông Trần Thanh Lâm cũng lưu ý các cơ quan báo chí cần phải khách quan, giữ tinh thần phản biện nhưng vẫn phải có tinh thần xây dựng như yêu cầu của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Các đại biểu dự diễn đàn.
Nói về cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cho rằng báo chí hiện nay đang rất khó khăn, suy giảm về vị thế. Vì thế, theo ông, "truyền thông chính sách và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết và phải cần sự vào cuộc nhanh hơn", bởi nếu không sẽ rất nhiều cơ quan báo chí đối diện với khó khăn, qua đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách mang tính đặc thù và cũng rất cao cả của mình.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, cho biết một trong những khó khăn của báo chí đang gặp phải cũng đang nằm ở chính cơ chế đặt hàng, khi các thủ tục đấu thầu đang gây khó cho chính những cơ quan báo chí có thể giành được những hợp đồng truyền thông chính sách ở Trung ương và cả địa phương. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc đơn giản hóa các thủ tục không phải là một vấn đề lớn, cũng như các cơ quan báo chí đều có thể vượt qua được những khó khăn này.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát
Phát biểu kết luận, ông Lê Quốc Minh khẳng định Diễn đàn là một dịp rất tốt để các cơ quan báo chí nói lên tiếng nói của mình, làm sao có thể thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là truyền thông chính sách. Đồng thời, ông đề nghị các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban bộ ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Cần có thêm sự chỉ đạo từ cấp độ Chính phủ. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.
"Từ những trao đổi hôm nay, tôi mong muốn nền báo chí của chúng ta chuyên nghiệp và khách quan hơn. Chắc chắn đây không phải là diễn đàn duy nhất và cuối cùng về truyền thông chính sách. Sau Diễn đàn này, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về truyền thông chính sách. Chúng ta có sức mạnh của báo chí, chúng ta cần tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách, giữa nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần "đồng thanh tương ứng" mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả" - ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Tr.Đức
Nguồn: Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn