Tôi đang ở quê nhà Nam Định thì nghe tin vui, ngày 11/11/2023, Nhà xuất bản Hội nhà văn tổ chức cuộc gặp mặt giới thiệu về tập thơ thứ 12 “Hoa đời mùa sau” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Dẫu vẫn biết tần xuất ra thơ của thi sĩ là “thần tốc”, nhưng khoảng thời gian từ khi xuất bản tập thơ thứ 11 đến nay thật ngắn ngủi, nên tôi vẫn ngỡ ngàng. Dẫu đã đọc nhiều bài bình thơ Hồng Vinh của những nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học qua các trang báo, trang sách, song tôi vẫn thật muốn nghe “báo nói” nói về thơ Hồng Vinh ở trạng thái “mộc bản”, nên tôi đã gác lại một số công việc ở quê để lên ngay Hà Nội, dự “Nguyên tiêu” Hồng Vinh.
Thật đúng với những điều tôi nghĩ, cuộc gặp mặt giới thiệu tập thơ diễn ra thật tự nhiên mà trang trọng, thật tươi vui mà ấm áp. Khán phòng rộng rãi mà chật người đến dự, hoa chúc mừng ken kín cả lối đi. Những người đến dự thì đông nhất, già nhất vẫn là những nhà thơ, nhà văn gạo cội, nổi tiếng xưa và nay. Tôi, nhà báo đã nghỉ hưu nhưng cũng chỉ là hậu sinh.
Nhà thơ Hữu Việt, nhà thông thái của chương trình “Ai là triệu phú” trên VTV3 “cầm cái” hôm đó vừa duyên, vừa “lẩy”, khơi gợi nhiều tiếng lòng, tạo không khí thơ ca nồng nhiệt và tươi mới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu đề dẫn bày tỏ: “Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một trường hợp đặc biệt trong đời sống thi ca đương đại. Dường như thơ ca chọn lương tâm ông để xuất hiện, với những câu thơ giản dị mà tinh tế, bất ngờ, gây được ấn tượng mạnh mẽ. Ở ông hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một thi sĩ, với tâm hồn, vốn sống và một trí tưởng tượng phong phú. Cuộc sống ánh xạ vào thơ qua tâm hồn ông, để rồi thơ ca nở hoa khoe sắc. Thơ Hồng Vinh là sự khám phá cuộc sống, khám phá ký ức với những buồn vui, trăn trở ông đã trải qua, qua đó truyền tải những thông điệp của chủ nghĩa nhân văn, vẻ đẹp và niềm lạc quan, hy vọng. Tập thơ “Hoa đời mùa sau” là sự nối tiếp để làm nên bản “căn cước” tâm hồn, trí tuệ, con người Nguyễn Hồng Vinh…”.
Điều bày tỏ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hàm chứa cả khái quát và chi tiết cơ bản về thơ Hồng Vinh, có lẽ ai cũng đồng cảm về điều này.
Nhà thơ Bằng Việt thì cụ thể hơn, tâm đắc hơn về chất thơ Hồng Vinh. Rằng, chất thơ và chất chính trị song hành, gắn bó, bổ sung cho nhau để vừa hiện thực, vừa lãng mạn, bay bổng cho thơ Hồng Vinh. Điều nhà thơ Bằng Việt bày tỏ về chất thơ Hồng Vinh không chỉ ở tập “Hoa đời mùa sau”, mà ở cả 12 tập thơ của thi sỹ. Điều này cũng không ngoại lệ với những vị lãnh đạo, những nhà hoạt động chính trị khi làm thơ, để phong phú hơn, tăng gam “đỏ”, “chất thép” cho thi ca cách mạng và đương đại.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (tác giả của bài thơ “5 anh em trên một chiếc xe tăng”, được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành ca khúc hào hùng, đi cùng năm tháng) hôm đó không “xung trận” bằng gam độ hào hùng. Ông như thủ thỉ, tâm giao, như đọc lại cả 12 tập thơ của Nguyễn Hồng Vinh. Thi sĩ Hồng Vinh cảm nhận tinh tế khi làm thơ và thi sỹ Hữu Thỉnh cũng cảm nhận rất tinh tế về thơ Hồng Vinh. Ông thủ thỉ trên diễn đàn, rồi thủ thỉ bên lề cùng chúng tôi: “Tôi biết anh Hồng Vinh ngay từ khi anh còn là phóng viên Báo Nhân Dân, đặc biệt là khi anh “phát tích” làm thơ. Phát tích muộn trên các lĩnh vực nói chung, trên lĩnh vực thi ca nói riêng, chúng ta gặp không ít trong công việc, cuộc sống. Với Hồng Vinh tôi cho là sự phát tích đặc biệt. Nghỉ hưu rồi mới bắt đầu làm thơ và đặc biệt hơn ở chỗ, hơn 10 năm qua, vẫn dẻo dai, sung mãn đi và viết, sung mãn về tâm hồn, không “cùn” tứ, mòn ý… Tập thơ sau hay hơn tập thơ trước, điều đó thật đáng quý và khâm phục…”
PSG, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, người gắn bó, đồng cảm, đồng điệu với thơ Hồng Vinh, người đã phổ nhạc 14 bài thơ của thi sĩ ở các tập thơ trước, nay vẫn “phải lòng” với “Hoa đời mùa sau”. Nhạc sĩ bày tỏ “Những bài thơ được phổ nhạc thì dường như trong thơ đã có nhạc. Thơ của Hồng Vinh có nhiều bài như thế. Hơn 60 bài thơ của ông được 10 nhạc sĩ phổ nhạc, là minh chứng cho điều đó. Chất trữ tình trong thơ Hồng Vinh thì nhạc sĩ nào cũng thích, đó là nguồn cảm hứng, là chất liệu rất quý để các nhạc sĩ phổ nhạc, để ngôn ngữ thơ cất thành ngôn ngữ âm nhạc.
Âm nhạc là nghệ thuật tác động nhanh nhất đến trạng thái tinh thần, cảm xúc của con người, những bài thơ trữ tình được phổ nhạc càng tăng độ nhạy cho cảm xúc. Bài hát “Sau mưa” được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ từ bài thơ cùng tên của Hồng Vinh, làm ai nghe hôm đó cũng ngất ngây, ngây ngất…
Quan sát, cảm nhận nhân sinh để làm thơ ở mỗi nhà thơ có khác nhau. Cảm nhận về một bài thơ, tập thơ, một tác giả thơ ở mỗi người cũng khác nhau, điều đó là bình thường. Nhưng thật thú vị là, những cảm nhận trên về thơ Hồng Vinh, cũng như những điều bày tỏ trên diễn đàn và cả bên hành lang cuộc gặp mặt của nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước; nhà thơ Lê Hữu Bình; nhà thơ Đặng Huy Giang; PSG, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ; Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái; Đại tá, PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú… đều có chung ở điểm cảm mến và khâm phục, chỉ có những cái khác nho nhỏ, ấy là phát hiện ra những cái mới, cái lạ ở thơ Hồng Vinh.
Với tôi cũng có điều may mắn là được đọc cả 12 tập thơ của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, nhưng chỉ có thể nói là cảm nhận, chứ không dám nói là bình thơ ông. Tôi nghĩ, vì là người “ngoại đạo”, mà nói cảm nhận cũng là quá, cũng chỉ là “múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng ngay sau cuộc gặp mặt giới thiệu tập thơ thứ 12 của nhà thơ Hồng Vinh kết thúc, Đại tá, cựu chiến binh Biên phòng Nguyễn Duy Hưng (người rất yêu thơ và yêu quý các nhà văn, nhà thơ) có hỏi tôi: “Với góc nhìn của người làm báo, ông có thể cho đôi điều về thơ Hồng Vinh?”.
Bị phỏng vấn bất ngờ, lại “ngược”, nhưng tôi đáp lời ngay: “Những bài phát biểu, những điều bày tỏ, cảm nhận mà chúng ta vừa nghe của các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học cũng đầy tính báo chí, bởi đa số họ cũng là những nhà báo tên tuổi. Như vậy, góc nhìn của tôi chỉ là sự xâu chuỗi những nhận xét, cảm nhận trên về thơ Hồng Vinh, cùng dẫn ra một số khổ thơ trong tập thơ “Hoa đời mùa sau” để minh chứng cho những điều đó”.
Cựu chiến binh Biên phòng khích lệ, tôi xâu chuỗi, rồi mạo muội khái quát về thơ Hồng Vinh với “6C - 6Đ”. Thấy Đại tá cựu chiến binh ngạc nhiên về công thức này, tôi giải mã luôn. 6C là 6 chất: chất lãng mạn, chất đời, chất chính trị, chất nhân văn, chất lạc quan và chất thời sự. Còn 6Đ là 6 đa: đa đề tài, đa vùng miền, đa đối tượng, đa sắc thái, đa tứ thơ và đa cảm xúc.
Cựu chiến binh “gật gù”, tôi nêu đôi ba dẫn chứng. Này nhé, nếu ai không có chất lãng mạn, nội tâm nghèo nàn, thì khó làm thơ, làm thơ không hay. Còn lãng mạn quá, hoặc cố “nặn” ra lãng mạn thì dễ thành “thơ thẩn”. Đọc thơ Hồng Vinh, đọc nhiều bài báo ông viết và cả khi nghe ông nói chuyện cứ mơn man chất lãng mạn, nội tâm. Nhưng chất lãng mạn ở một người từng giữ nhiều cương vị, chức trách quan trọng và ngay cả khi đã nghỉ hưu, thì hẳn chất lãng mạn ở thơ ông là lãng mạn cách mạng, nội tâm nhưng không bi lụy: “Xa lắm rồi Hàng Cỏ/ Thoáng dáng em yêu kiều/ Nỗi nhớ trào sóng cuộn/ Tiếp sức anh hành quân” (Hà Nội qua tập album)
Còn chất lãng mạn trong tình yêu, có người nói nhà thơ Hồng Vinh thể hiện tình tứ lắm! Có người thì lại cho rằng tình yêu trong thơ Hồng Vinh có lúc cứ “lúng túng”, “khờ dại”? Tôi thì nghĩ điều đó là tùy thuộc ngữ cảnh, tùy thuộc độ tuổi của người đang yêu. Và nếu như ở tuổi sắp “bát tuần”, mà khi viết về tình yêu ở tuổi mười tám đôi mươi, ở mối tình đầu mà vẫn “lúng túng”, “khờ dại” thì thật thú vị, là trời đã phú cho ông điều đó “Nhớ đầu thời hoa niên/ Những rụt rè, khờ khạo/ Cùng nghiêng vào trang sách/ Mà tim sao rung rung” (Nghiêng)
Chất chính trị trong thơ Hồng Vinh cũng khá rõ, nhưng toàn là chính trị mềm, chính luận tinh tế, uyển chuyển và rất rộng “Ước theo anh tới nơi xa/ Giữa bao bè bạn giao hòa tình thơ/ Việt Nam đất nước thơ ca/ Anh là sứ giả rắc hoa toàn cầu” (Người rắc hoa trái đất)
Chất nhân văn, tình người trong thơ, trong đời Nguyễn Hồng Vinh thì thật hồn hậu, hòa quyện, nhất là ở tập thơ “Hoa đời mùa sau”. “Cộng mọi niềm vui nho nhỏ/ Trừ đi những muộn phiền / Nhân lên việc làm tâm thiện/ Chia ra trái ngọt cho người” (Tự vấn)
Nhiều người đã làm thơ “cộng - trừ - nhân - chia” đọc theo hàng dọc 4 chữ đầu câu, nhưng khác nhau về dự kiện, đáp số. Với nhà thơ Hồng Vinh, những dự kiện của 4 phép tính ấy dung dị thôi, mà ra đáp số vô giá, nhân văn, tình người.
Chất nhân văn tác giả không chỉ đưa vào thơ, mà luôn hiện hữu ở đời. Khi còn công tác và cả khi đã nghỉ hưu, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh có nhiều việc làm, hoạt động tình nghĩa dành cho đối tượng chính sách, người nghèo, địa phương khó khăn. Ông tích cực vận động những doanh nghiệp, những cá nhân có điều kiện, cùng ông tặng quà nhiều gia đình chính sách, người nghèo, xây trường học, tặng các thiết bị dạy học… ở những địa phương khó khăn. Mới đây thôi (ngày 28/10/2023) nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Thành Nam tại Hà Nội đã cùng các thành viên CLB gặp gỡ và tặng quà 20 sinh viên nghèo vượt khó của Học viện Báo chí Tuyên truyền. Việc làm ấy chính là chăm cho “Hoa đời mùa sau”.
Lạc quan như là một thuộc tính của thơ Hồng Vinh. Dường như ở bài thơ nào cũng có chất quý lạc quan, khi thì lộ thiên, khi thì ẩn ý trong các câu thơ, bài thơ. Có lẽ chất này được khắc họa sinh động nhất, có cả lộ thiên và ý tứ ẩn sâu là ở bài “Hoa đời mùa sau”. “Trang sách đời chưa kết/ Thơ vang khúc nhạc đầu/ Hạt ủ thầm trong đất/ Nở hoa đời mùa sau”. Cũng có lẽ vì thế, mà tên bài thơ được tác giả lấy làm tên cho cả tập thơ.
Chất thời sự của thơ nghe có vẻ “lạ tai”, nhưng thực ra chúng ta đã gặp ở những bài thơ cổ động phong trào, ở những bài vè phê phán thói hư tật xấu, những vụ việc tham ô, tham nhũng… vừa xảy ra. Còn thời sự mà đưa vào thơ chính thống thì… hơi ít, hơi khó, nhưng nhà thơ Hồng Vinh đã làm được điều đó. Thơ ông về nông thôn mới, về OCOP, về một công trình, nhà máy vừa khánh thành, về loại trái cây mới được xuất khẩu chính ngạch… cũng khá uyển chuyển. Đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, ông đã có 12 bài thơ ca ngợi, khích lệ các tập thể, cá nhân nơi tuyến đầu chống dịch, nhưng không có bài nào kiểu thơ cổ động, cũng rất trữ tình, như thơ xưa dành cho tiền tuyến, hậu phương thời trận mạc. Điều đó cũng dễ lý giải, vì tác giả rất thấu phương châm “chống dịch như chống giặc”. Trong tập thơ “Hoa đời mùa sau” có bài “Ngẫm ngợi từ cây cô đơn”, ở đó có khổ thơ “Có lúc gặp vấp váp, sai lầm/ Dũng cảm nhận về mình trách nhiệm/ Vui vẻ làm người lính tiên phong/ Khổ trước, sướng sau, đời toại nguyện” Rất thời sự với tiêu chí “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ trong toàn quốc.
Cuối năm 2022, Câu lạc bộ nhà báo Thành Nam tại Hà Nội về thăm và tác nghiệp tại tỉnh nhà Nam Định. Lúc ngồi trên xe về quê, nhà báo trẻ Xuân Phong khái quát về nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, chủ nhiệm CLB: “Bác Vinh đi nhiều, viết khỏe, thơ sung mãn”. Sự khái quát này nghe vui vui, nhưng rất đúng, thể hiện sự ngưỡng mộ, mến phục của lớp trẻ với “Anh chủ nhiệm”. Để đồng nghiệp trẻ hiểu hơn về bác Hồng Vinh, tôi nói để họ cùng nghe: “Đúng là bác Vinh đi nhiều, nhưng chủ định của mỗi chuyến đi không phải để viết báo, làm thơ, mà bác đi vì nghĩa, vì tình và vì công việc của người “nghỉ hưu nhưng chưa nghỉ việc”. Đọc thơ, đọc các bài báo của bác, các bạn sẽ thấy đôi bàn chân cao niên này dường như chưa mỏi mệt, bác còn đi nhiều về miền ký ức…”.
Quả thực, những năm gần đây sức khỏe của nhà thơ Hồng Vinh có phần giảm sút, nhưng ông chẳng ngại đi, khi thì thăm thú bạn bè, đồng nghiệp, khi thì việc hiếu, việc hỉ, khi thì đi hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở nhiều tỉnh, thành gần xa, trong Nam, ngoài Bắc, đồng bằng, miền núi. Điều hiếm gặp ở một nhà báo cao niên đã gần 80 tuổi là trong những chuyến đi đó, ông chịu khó quan sát và quan sát rất tinh, rất nhạy. Đặc biệt là từ quan sát đó, ông nhìn ra ngay đề tài để viết báo và bật tứ thơ (chứ không phải tìm tứ thơ, đề tài viết báo). Vì vậy nhân vật thơ, miền quê thơ, tứ thơ, cảm xúc thơ… của ông rất đa dạng và phong phú… Còn đi về miền quá khứ (cả trong nước và nước ngoài) ông viết báo, làm thơ, người đọc cứ rưng rưng, rưng rưng…
Cũng hôm đó, phóng viên trẻ Xuân Phong bày tỏ với tôi “Có bài thơ của bác Vinh mới đọc thì chưa thấy vần, nhưng hiểu giọng điệu, biết cách đọc thì trơn tru cả”. Tôi thầm khen phóng viên trẻ Xuân Phong rất tinh tế khi đọc thơ của bác Hồng Vinh. Có thể anh ta có khả năng như một phát thanh viên, một người ngâm thơ, đọc thơ có nghề. Tôi nghĩ làm thơ cho vần không khó bằng khám phá được tứ thơ đắt. Có thể có bài thơ tác giả Hồng Vinh không muốn “luyến láy”, không muốn tu từ làm lệch tứ thơ, làm lệch chuẩn tiếng Việt, để vẫn giữ nguyên từ ngữ chuẩn, dẫu có chưa vần.
Điều phóng viên trẻ Xuân Phong thổ lộ tôi thấy rất rõ qua giọng ngâm của nghệ sĩ Thùy Vân bài thơ “Với em”. Bài thơ thật trữ tình về tình cảm vợ chồng, có câu thơ thật đắt “Nụ cười em - tăng tuổi thọ đời anh”. Có câu, có khổ đọc lần đầu chưa vần lắm, nhưng nghệ sĩ Thùy Vân rất hiểu âm điệu, ngữ nghĩa nhà thơ, nên khi đọc, khi ngâm diễn cảm thật mượt mà, sâu lắng, làm xúc động lòng người.
Cảm nhận về thơ Nguyễn Hồng Vinh qua tập thơ “Hoa đời mùa sau” của tác giả còn bao điều muốn nói, vì thơ ông hội đủ các chất liệu cuộc đời, thi ca, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ví “đó là bản căn cước tâm hồn” của Nguyễn Hồng Vinh.
Xin mượn lời cuối bài phát biểu của Đại tá PGS, TS Nguyễn Thanh Tú tại cuộc gặp gỡ giới thiệu tập thơ “Hoa đời mùa sau” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh để kết bài viết này “Thơ Hồng Vinh là sự kết tinh từ cuộc sống. Anh như cây xanh cắm sâu bộ rễ vào mảnh đất cuộc đời, cần mẫn chắt chiu những dưỡng chất văn hóa, rồi vươn cao cành lá quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại. Thế nên thơ anh giản dị nhưng giàu có chất đời”.
Thành Phương
Nguồn: Người Làm Báo
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn