Đấy là ý nghĩ của sơn nữ thị Thà bấm máy nhắn tin cho người yêu, cách xa hơn trăm cây số.
Mà kể ra cũng thật ngộ cái nghĩ của Thà! Trăng mười bảy nàng đã cho là lệch, lại còn dám quyết đoán trên quả đồi trước cửa nhà đang có mấy chú khỉ lém lĩnh giương mắt thèm thuồng!
Quả nhiên quá thích, bởi ngày trước Hàn Mặc Tử đã dám rao trăng để bán. Còn Thà hôm nay chỉ mới đặt điều cho trăng tung váy bỡn cợt! Thế mới biết trần gian còn lắm cách pha trò.
Gốc xuất thân của Thà có gồm cả hai vùng miền kỳ vỹ, tất cả có thể chứng minh trong suốt một giai đoạn dài của 100 năm Pháp thuộc, thì Cao nguyên Mơ Nông và vùng trung du Đông Nam bộ, đã chiếm được 80 năm khiến thực dân Pháp đau đầu, để tìm mọi cách khuất phục những tộc người bản địa này.
Cái tin nhắn của nàng Thà gửi cho người yêu ở Bình Phước, khiến chàng Cao Minh phải cười bò! Cười chán Minh trả lời “em trông rõ váy của trăng màu gì?”.
Nhận được tin nhắn của Minh, nàng cất tiếng cười, tiếng cười của nàng Thà được gió quất lên đỉnh đồi, khiến trăng cùng lũ khỉ giật mình! Thế là trăng vọt lên cao. Còn lũ khỉ đồng thanh ré lên khẹt khẹt… khẹt, rồi tuột xuống khỏi những ngọn cây nghe rào rào…, Thà cười đến mức trăng ngại quá lẫn vào đám mây to đùng! Vậy là màu đêm nhờ nhợ đáng yêu chèn vào ánh đèn nê ông trước khoảnh sân nhà nàng Thà. Nhờ ánh sáng ấy mới thấy rõ cái váy của Thà, nó rất truyền thống M’Nông nhưng… có cách điệu một cách tân kỳ!
Nơi phòng trực của chàng thiếu tá Cao Minh tại Sở chỉ huy Binh đoàn, Minh tiếp tục nhận tin nhắn của Thà. Cái tin chỉ võn vẹn ba từ “váy giống em!”.
- Ôi!
Thiếu tá Minh bật ra tiếng ôi rồi ngả lăn quay ra cái giường trong phòng trực chiến của Binh đoàn.
Cặp mắt của thiếu tá Minh nhắm chặt, người sỹ quan đang mơ…, một cái chớp mơ thật lẹ vì công việc chẳng thể mơ lâu!
Cái chớp mơ được gió tung về Đak G’Lun, ôm chầm lấy nàng sơn nữ Thị Thà! Hai người họ xoắn bên nhau, cái váy đen tuyền được cách tân hoa văn đẹp… đẹp quá đang bung xòe.
Ngày xưa ông ngoại của nàng Thà là một trong những chiến sỹ trẻ mười lăm, mười sáu tuổi của đội quân Anh hùng Nơ Trang Long!
Ông vẫn tiếp tục chiến đấu bên những người đồng đội mới, khi Nơ Trang Long hy sinh ngày 25/6/1935. Sau đấy một thời gian dài ông gặp được người Anh hùng trẻ tuổi Điểu Ong tại mặt trận đường 10 Bù Gia Mập. Cái trận phục kích đánh tanh bành ba chiếc tăng M113 của Mỹ và một đại đội quân Sài Gòn càn vào khu ủy K28 Bù Gia Mập, đã nâng tầm ông ngoại của Thà lên chức Đại đội phó. Rồi năm sau ông đã 53 tuổi mới gặp bà ngoại của Thà, là cô sơn nữ S’ Tiêng 30 tuổi quê ở Bù Đăng.
Sau mùa xuân 1968, được tin anh hùng Điểu Ong hy sinh ngày 12/12/1969 trong trận đánh đồn Đức Liễu, lúc ấy má của Thà đang bập bẹ gọi ba ba (pứ pứ).
Với tình hàng xóm S’ Tiêng - M’ Nông lại gắn chặt cái nghĩa sui gia, má của Thà lớn lên bên những người họ ngoại ở Bom Bo, đến tuổi cập kê bà được mối mai ngược về lại quê nội M’ Nông. Thế là Thị Thà được cái tắm đầu tiên lạnh toát của mạch nước thác 72 Đak G’Lun, giữa cái mùa thu vàng 1991.
Cô bé Thà tung tăng lớn lên trên vùng sơn cước M’ Nông, mặc dầu cuộc sống còn cơ cực nhưng với danh hiệu mà ông ngoại của Thà để dành lại, cộng với niềm tin cống hiến của bà ngoại Thà, đã chắt chiu từng cối gạo cùm cắc nuôi quân một thời, đã ươm mấm tư tưởng thúc đẫy cô sơn nữ Thị Thà đạt được nhiều thành tích, để trở thành một trong những người con ưu tú của đoàn thiếu nữ trưởng thành, được đề cử tham gia Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ hai 2010 tổ chức tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Rồi cái vòng xoắn của mắt tình đã cột nàng vào trái tim người lính, khi chàng sỹ quan trẻ Cao Minh của Binh đoàn được về công tác ở Trung đoàn, đóng quân ở vùng biên Bu P’Răng, Quảng Trực, Tuy Đức, là một cửa khẩu quan trọng của tỉnh Đăk Nông.
Nhưng tình yêu của họ vẫn còn một chút…, cái chút tập tục phải ở rể, gọi là kéo cày trả nợ, có khi đã một hai con mới chính thức cưới lại để đưa vợ với con về nhà trai. Cũng có trường hợp nhà trai rất là giàu có, có thể cưới ngay ban đầu nhưng nhà gái vẫn cương quyết đòi bắt rể, thì cái sự của cải của nhà trai coi như chẳng hề tác dụng, cũng phải chờ kéo cày xong mới cưới lại.
Thế là họ hứa với nhau phấn đấu chờ đợi! Nay thì chàng sỹ quan cấp úy đã vượt lên cấp tá. Còn nàng Thà từ một thủ lĩnh của Đoàn thanh niên thôn bản, đã vươn tầm ngoạn mục để trở thành một phó Bí thư trẻ của một xã vùng biên. Nhưng cái cửa chờ đợi vẫn im ỉm đợi chờ.
Cái chớp mơ thức tỉnh khi điện thoại của Minh reo, tiếng ai đấy! Việc gì đấy! Chỉ thấy mắt và cái trán ương bướng của Minh co lại sau khi nghe.
Đầu giờ làm việc ngày hôm sau, sau khi bàn giao ca trực, Minh chạy hon đa lên hướng Bù Đăng!
Mắt của người già găm vào bếp lửa, còn lời của người già mà Minh đi kiếm đang đề cập tới cái tập tục co kéo chuyện tình của anh với Thà. “Ngày trước con gái S’Tiêng nó thích bắt chồng là quân Giải phóng lắm! Còn nay thời bình rồi, con Thà nó vẫn ưng bắt anh đấy. Chẳng phải vì nó là Cán bộ mà nó dám bỏ tập tục ông cha đâu. Còn mẹ nó, bà ấy chẳng để anh xin cưới nó một lần đâu, anh có biết chuyện con trai phải ở rể?
Lời người già dừng lại với nụ cười điểm xuyến trên môi mắt của ông, làm Minh bất ngờ! Mặc dầu cuộc điện thoại đêm qua của người anh từ hướng Pleiku gọi về mách cho Minh biết, nơi sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng có một người có thể giúp được Minh.
Minh lựa ý hỏi người già: – Ông giúp cháu nhé ông!
Chẳng ngờ người già không trả lời, lại hỏi: - Gia đình của anh thế nào, có ưng con dâu đồng bào?
Người già buộc lòng hỏi Minh cái câu nghe vẻ đầy mặc cảm! Thế là Minh buộc lòng phải tóm tắt để người già nghe chuyện từ ông nội của mình. Thật quá sức bất ngờ với Minh, khi nghe người già hỏi tiếp, sau câu chuyện Minh kể về ông nội.
- Vậy anh gọi cụ Tổng Ninh là cố, đúng?
- Dạ đúng ạ!
- Thế anh có nghe ba anh nói một trong hai người vợ của cụ Tổng Ninh, có một cô người ngoài Bắc vào Nam cạo mủ Cao Su?
- Dạ có.
- Tốt mà!
- Ông nói tốt là tốt làm sao thế ông?
- Đây này, xưa nay mẹ con Thà, bà ấy vẫn nhớ lời dạy “Các Vua Hùng có công dựng Nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ Nước”, giờ về đi, bộ đội nhiều việc mà!
Mắt người già vẫn xoáy vào bếp lửa khi nói ra điều sâu thẳm nhất, Minh vội dấn sâu trong câu cần thiết.
- Dạ, ông đã nói như thế, trăm sự nhờ ông, giờ con xin phép về.
- Ừ, anh về nhớ thắp giúp tôi cây nhang cho ông nội anh nhé.
- Dạ, con sẽ thắp.
Thì ra ngày xưa, cái xưa thời ba của Minh ra đời, khi ấy ông nội của Minh là con nuôi của một già làng, người S’ Tiêng sống ở khu vực ngã ba Năm Lực, trên tuyến đường lộ 2, nay là ĐT 741. Người kinh thường gọi đấy là sóc Tổng Ninh. Còn về già làng Tổng Ninh này, ông rất có uy tín với tất cả bà con người kinh và S’ Tiêng sống ở vùng Cao Su Thuận Lợi, Phú riềng. Trong số đồng bào S’Tiêng của sóc cũng có một số là công nhân của đồn điền Cao Su, họ cũng có người được giữ cái chức cai, như Điểu Phanh là con trai của cụ Tổng Ninh.
Tính độ tuổi tám tư tám lăm thì già làng ở sóc Bù Môn, Đức Phong, Bù Đăng còn nhỏ hơn ông nội của Minh hơn một con giáp.
Sau trận Đồng Xoài rực lửa 1965, sóc Tổng Ninh cũng như làng Hai, làng Ba, làng Chín, rồi làng Phú Riềng của đồn điền Thuận Lợi đã hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của quân Giải phóng, tất cả bà con kinh thượng đều phân tán. Nay Minh, cậu bé có cái gốc Cao Su Thuận Lợi đã trưởng thành, lại tình cờ gặp Thà, cô sơn nữ chính hiệu đồng bào. Hỏi làm sao Minh cưới được, rồi lời hứa cùng nhau phấn đấu đã tăng thêm sự tôn trọng nhau và càng tự khắc chế mỗi dịp gặp nhau.
May thay cuộc điện thoại của người anh, người đồng đội lớn đã từng nghe Minh báo cáo tình cảm của mình với cô sơn nữ Thị Thà, từ Pleiku đã gợi ý cho Minh tìm già làng Điểu Đố ở Bù Đăng.
Hơn nữa chính Minh cũng rất có ảnh hưởng từ người cố nghĩa tình là cụ Tông Ninh, đã nuôi ông nội Minh suốt những năm chập chững từ miền Bắc vào Cao Su. Rồi một mắc xích cũng khá quan trọng, đấy là người vợ của cụ Tổng Ninh quê miền Bắc đã làm dâu đồng bào S’Tiêng, nên sự quyết đoán của già làng Điểu Đố, về việc má của Thà sẽ chấp nhận chuyện Minh xin được cưới Thà rất có cơ sở.
Còn cuộc điện già nửa đêm, hôm Minh trực chiến tại Sở chỉ huy Binh đoàn, lời của người anh chỉ mách một nước “qua những năm tháng là Chính ủy trung đoàn, thường tiếp xúc với các già làng, tớ biết cô Thà có người cậu anh của mẹ, hiện ông ấy là già làng ở sóc Bù Môn, Đức Phong, Bù Đăng, chú em thử xem!”.
Thế mới biết công tác Dân vận, dù ở thời chiến hay bình rất, rất quan trọng! Nó có thể giúp tháo gở những mắc xích mà trong công việc chung, hay tư không thể nào ngờ đến.
Riêng với già làng Điểu Đố, ông vẫn nhớ câu “các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”, thế là ông đã thấm thía hai chữ vuông tròn (bánh dày, bánh chưng) của lịch sử thời Hùng Vương, để ngàn ngàn năm văn hiến đến nay, phận con cháu cũng phải thật lòng uyển chuyển khi được làm người mối mai hay phán quyết trong tình yêu của lớp trẻ. Chính già làng Điểu Đố, ông đã nhờ Minh thắp hương cho ông nội của Minh, như ngầm thưa với người quá cố “ông anh nghĩa tình hãy yên lòng, tình yêu của hai đứa cháu sẽ như muôn hoa đua nở, để cộng đồng các Dân tộc thiểu số Việt Nam hòa hợp một cách vuông tròn hơn.”.
HUY ĐỨC
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn