TÌM LẠI GIAI ĐIỆU VIỆT DÃ BÀ RÁ XƯA

Thứ hai - 09/01/2023 08:37
GIẢI VÔ ĐỊCH QUỐC GIA VIỆT DÃ LEO NÚI "CHINH PHỤC ĐỈNH CAO BÀ RÁ" LẦN THỨ 28, NĂM 2023
Trong âm nhạc, có những giai điệu, ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác riêng cho một sự kiện văn hóa, thể thao nào đó để tạo không khí cổ vũ, cổ động sôi nổi. Ngay từ khi khởi xướng Giải việt dã leo núi Bà Rá (tại Phước Long, Bình Phước) vào năm 1993, giải thi đấu thể thao này đã gắn liền với những giai điệu rộn ràng từ 2 bài hát cổ động đều do cố nhạc sĩ Lê Trung Hiếu tham gia sáng tác...

Những năm 1990-1991, Đài tiếp vận Phát thanh - Truyền hình Bà Rá (sau này là Trung tâm phát sóng Phát thanh - Truyền hình Bà Rá) được hình thành và chính thức hoạt động. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để mở ra những con đường đèo núi đầy thách thức cho các vận động viên khắp nơi tham gia tranh tài chinh phục đỉnh cao 723m (so với mặt nước biển) của ngọn núi Bà Rá này.

Người khởi xướng…

Người khởi xướng giải đấu thể thao truyền thống đã tồn tại gần 30 năm qua là cố nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (bút danh Trung Tín), nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, nguyên Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé.
img01

Chân dung cố nhà báo Nguyễn Trung Hiếu (ảnh chụp tại đỉnh núi Bà Rá năm 1991).

Từ Giải việt dã truyền thống 6-1 hằng năm của huyện Phước Long (chạy quanh hồ Long Thủy, Phước Long) lúc đó, ông đã đề xuất ý tưởng và thống nhất với huyện Phước Long lúc bấy giờ tổ chức 1 giải đấu việt dã leo núi.

Giải lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1993 với cự ly đường chạy chỉ hơn 5km, xuất phát từ khu vực Tượng đài Phước Long chiến thắng và đích đến ở đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá (độ cao 452m so với mặt nước biển).
img02
…và những người thổi hồn vào ca khúc

Không chỉ là người có công trong việc xây dựng nên giải thi đấu thể thao này, ông Nguyễn Trung Hiếu còn đưa ra ý tưởng phải có bài hát cổ động cho giải. Và cũng chính ông đã tham gia viết lời cho ca khúc "Từ thành phố miền cao" với bút danh Trung Tín.

Còn người viết nhạc cho ca khúc này là cố nhạc sĩ, nhà báo Lê Trung Hiếu, nguyên là biên tập viên Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé (Bình Dương).

img03

Cố nhạc sĩ Lê Trung Hiếu tên thật là Tạ Quang Trung, là một trong những người sáng tác âm nhạc đầu tiên của Sông Bé - Bình Dương. Ông mất ngày 25-12-2013, sau một cơn bạo bệnh. Sinh thời, ông công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé (Bình Dương) từ những năm 1985 với vai trò biên tập viên lĩnh vực văn nghệ, giải trí. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã có hơn 100 ca khúc, trong đó có các ca khúc đoạt giải thưởng cao và quen thuộc với nhiều người như: Ơi Bình Dương, Đi trong chiều thành phố, Kỷ niệm mùa hoa dầu, Guitar Bình Dương... Song có lẽ ít ai biết rằng, có 2 ca khúc đặc biệt do chính ông tham gia sáng tác để cổ động cho Giải việt dã leo núi Bà Rá vẫn được sử dụng hơn 27 mùa giải qua, kể từ năm 1994 đến nay, đó là Từ thành phố miền cao (sáng tác năm 1993) và Vui cùng ngày hội (sáng tác năm 2004).

Tôi nhớ vào những tháng cuối năm 1993... Đứng trước khoảng sân đồi Bằng Lăng, nhìn lên đoạn dốc cao đầu tiên của đoạn đường lên đỉnh núi Bà Rá, chú Bảy (ông Nguyễn Trung Hiếu) nói giải lần thứ 2, năm sau phải có bài hát cổ động cho khí thế... Rồi chú quay sang nhạc sĩ Lê Trung Hiếu cùng xướng lên vài câu thơ, phác họa cho ý tưởng ca khúc này. Chú còn kêu tôi lấy viết ghi lại để chú nhớ...

Cả 2 người đều là Trung Hiếu. Mà thực ra tên khai sinh của nhạc sĩ Lê Trung Hiếu là Tạ Quang Trung. Ở ca khúc Từ thành phố miền cao này, chú Bảy Hiếu đã dùng bút danh Trung Tín để đề thơ và nhạc sĩ Lê Trung Hiếu viết nhạc.

Ca khúc Từ thành phố miền cao sau đó đã sớm được các văn nghệ sĩ tỉnh Sông Bé lúc đó tham gia thể hiện (và cả ca khúc Vui cùng ngày hội). Trong đó có giọng ca độc đáo của cố nhạc sĩ, ca sĩ Đỗ Hữu Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Phước... Hay việc tham gia đánh đàn organ và đưa tiếng còi vào phần phối nhạc cho ca khúc lại là nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến (hiện nay là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương), mà trong quá trình thực hiện phóng sự tài liệu về câu chuyện này, chúng tôi mới biết được!

Nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến nhớ lại: Nhạc sĩ Lê Trung Hiếu trước đây vừa là biên tập viên văn nghệ của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé (Bình Dương), vừa là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác ca khúc Sông Bé. Khi anh sáng tác ca khúc Từ thành phố miền cao cổ động cho Giải việt dã leo núi Bà Rá, anh Hiếu có đưa ra câu lạc bộ để góp ý. Sau đó, anh nhờ tôi cùng tham gia phối, dựng. Lúc đó, Đài Sông Bé cũng còn nhiều khó khăn, tôi đã ôm cây đàn organ Yamaha của mình để đánh...

“Sau nhiều lần thu dựng, chỉnh sửa, tôi có ý tưởng đưa tiếng còi vào như hiệu lệnh cho 1 giải đấu thể thao, tạo cho ca khúc sôi động và được anh Bảy Hiếu đồng ý chọn... Tôi vẫn nhớ hoài tiếng còi và giọng ca của anh Hữu Xuân lúc bấy giờ như thôi thúc vận động viên có thêm sức mạnh để leo núi...” - nhạc sĩ Phạm Đắc Hiến kể.

Ca khúc này hoàn thành vào cuối năm 1993 và được đưa vào sử dụng cổ động cho Giải việt dã leo núi Bà Rá năm 1994, 1995...

Từ thành phố miền cao - Bài hát chính thức của Giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 28, năm 2023.

Giải việt dã leo núi Bà Rá lần thứ 2, năm 1994, là năm đầu tiên có đường chạy lên đến đích tại đỉnh núi Bà Rá. Ngay từ những ngày đầu năm mới 1994, đường sá, phố phường Phước Long trở nên nhộn nhịp, tươi vui đón chào người người khắp nơi tụ hội về để tham gia Giải việt dã leo núi Bà Rá...

Đêm 5-1-1994, từ trên đỉnh cao Bà Rá nhìn xuống, Phước Long rực sáng ánh đèn, lung linh như một thành phố ở miền cao...

img04
Trung tâm phát sóng Phát thanh - Truyền hình Bà Rá.

Từ tháp truyền hình ở đỉnh cao này, cùng những chiếc loa phóng thanh tại đồi Bằng Lăng và trên những chiếc xe cổ động, liên tục vang lên giai điệu của bài hát Từ thành phố miền cao... Thật rộn ràng, sẵn sàng để đón chào bao nam thanh, nữ tú khắp nơi hội tụ về, để cùng nhau tranh tài qua những cung đường núi đầy thách thức...

(*) Tên ca khúc cổ động Giải việt dã leo núi Bà Rá của
cố nhà báo Trung Tín và cố nhạc sĩ Lê Trung Hiếu

Nguồn: Bình Phước Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:16 | lượt tải:3

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:243 | lượt tải:35

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:935 | lượt tải:334

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1103 | lượt tải:347

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1168 | lượt tải:572
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ