NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NHIẾP ẢNH TỪ VIỆC KẾT NỐI TUỔI TRẺ (*)

Thứ sáu - 03/11/2017 14:24
 Chi hội Nhiếp ảnh được thành lập từ những ngày đầu và cùng với các Chi hội khác để hình thành nên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) của chúng ta. Trải qua 3 nhiệm kỳ từ năm 2011 đến nay, Chi hội vẫn hoạt động đều đặn, thường xuyên tổ chức sinh hoạt, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Hội viên tích cực tham gia sáng tác, tham gia nhiều cuộc triển lãm toàn quốc hoặc khu vực. Tuy nhiên kết quả chưa cao, chưa đáp ứng được như sự mong đợi của Thường trực Hội, Chi hội và các Hội viên.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG NHIẾP ẢNH TỪ VIỆC KẾT NỐI TUỔI TRẺ (*)

     Tại diễn đàn Đại hội hôm nay, Chi hội chúng tôi mạnh dạn đưa ra những ý kiến tự đánh giá và một số biện pháp nhằm xây dựng Chi hội phát triển đi lên vững mạnh.

     NHỮNG HẠN CHẾ KHÓ KHĂN:

     Hạn chế thứ nhất là về số lượng:

Hiện nay Chi hội Nhiếp ảnh có 16 Hội viên thường xuyên sinh hoạt và tích cực hoạt động. Nếu so sánh với đội ngũ đông đảo làm nghề nhiếp ảnh trong tỉnh ta thì đây là một con số quá nhỏ bé, như muối bỏ bể. Vì thế nếu có hoạt động diễn ra trong phạm vi tỉnh (nghĩa là có cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở) liên quan đến nhiếp ảnh thì khó phát huy được vai trò của Hội viên. Điều đó còn chứng minh bởi sự thiếu vắng tác phẩm của Hội viên chúng ta trong các cuộc trưng bày, triển lãm của các cấp trong tỉnh.        

     Hạn chế thứ hai là về kỹ năng nghiệp vụ:

     Như đánh giá trong báo cáo nhiệm kỳ của Hội, lĩnh vực nhiếp ảnh có tích cực tham gia các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc nhưng không có kết quả cao. Có thể có ý kiến cho rằng quê hương, con người ở tỉnh ta không đẹp bằng những nơi khác, điều đó nếu có đúng thì cũng chỉ đúng một phần mà thôi. Bởi vì ta vẫn thấy những bức ảnh đẹp đã được đăng như cảnh rừng cao su thay lá, những thác đổ của Bình Phước chúng ta, ảnh đẹp của nghệ nhân Điểu Đố, v.v… Vẫn có rất nhiều khuôn hình khác ghi nhận ảnh đẹp tuổi thanh xuân, ảnh đẹp thiên nhiên Bình Phước ở những vùng sâu, vùng xa với các tác giả là Hội viên của những Hội nhiếp ảnh tự lập, không phải thành viên của Chi hội chúng ta đây. Nơi thể hiện tác phẩm là các trang facebook chứ không phải nơi trưng bày ảnh do các cơ quan nhà nước tổ chức. Và ta vẫn còn nhiều khuôn hình đẹp khác chưa được khai thác như sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ sau 20 năm tái lập tỉnh, thiếu nữ các dân tộc, bình minh trên hồ Suối Cam hay Đồng Xoài đổi mới đi lên, tuổi 20 xuân Bình Phước,v.v…

     Hạn chế thứ ba là về mặt công nghệ:

     Với Hôi viên Chi hội nhiếp ảnh của chúng ta tuổi bình quân khoảng 50, đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều đam mê; nhưng đã bị tụt hậu về công nghệ. Với máy ảnh luôn là lĩnh vực để khoa học thế giới nghiên cứu, đổi mới, nâng cấp và là lĩnh vực luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật. Vì thế Hội viên ta do tuổi không còn trẻ, đã bớt đi phần nhạy bén nên không theo kịp lĩnh vực này. Đây là việc khó.

     Hạn chế thứ tư là về tổ chức hoạt động:

     Như đã nói ở trên là ta không có giải thưởng cao ở cấp toàn quốc hay khu vực, nhưng hãy nhìn lại, là ta có giải thưởng gì ở Bình Phước không? Không, vì  ta có tổ chức cuộc thi đâu mà có giải, ta có phát động hoạt động nhiếp ảnh để phục vụ nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội đâu mà có thưởng. Điều đó thể hiện sự hạn chế của Hội ta trong vấn đề tổ chức hoạt động ở lĩnh vực nhiếp ảnh. Những người có một ít quan tâm về nhiếp ảnh, đến giờ này vẫn còn tiếc nuối vì dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, ta không có một hoạt động nhiếp ảnh tầm cỡ nào cả.

     …

     Với những nhận định trên, cùng với mong muốn làm chuyển biến tốt đẹp về lĩnh vực nhiếp ảnh của Hội VHNT tỉnh Bình Phước, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

     GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

     Thưa quý vị! Chúng ta hãy quan sát và tìm hiểu về nghề nhiếp ảnh:

     Hiện nay những người làm nghề nhiếp ảnh thường còn rất trẻ, có thể kinh nghiệm chưa nhiều. Nhưng với độ tuổi này họ vẫn còn sức bật rất lớn. Trước hết là có đam mê, có kiến thức, có đầu tư. Đặc biệt là với công nghệ phát triển nhanh chóng của thời đại thì chỉ có tuổi trẻ với hành trang là đam mê và kiến thức đó mới theo kịp xu thế. Tuổi trẻ có sức khỏe, hoàn cảnh thuận lợi, yêu nghề, đầu tư trang thiết bị phù hợp với công nghệ mới, có kỹ năng chụp ảnh tốt, chấp nhận lăn xả. Một bức ảnh đẹp phải có ý nghĩa chủ đề, có thời chụp hợp lý, phải có kỹ năng của người thợ, nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố công nghệ của chiếc máy ảnh đó. Một yếu tố quan trọng nữa là họ có thu nhập và sống được bằng nghề nhiếp ảnh. Đây là một nguồn lực rất lớn của Hội VHNT chúng ta.

     Công tác phát triển Hội viên:

Nhiệm vụ trước hết và quan trọng của chúng ta là phát triển cả về số lượng và nâng cao chất lượng của Hội viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội VHNT về nhiếp ảnh, chỉ có một cách là chúng ta tiếp cận, thu hút đội ngũ trẻ làm nghề nhiếp ảnh. Tất nhiên việc này trước đây ta vẫn làm, sắp tới ta cần phải làm tốt hơn. Nếu kết nối được với tuổi trẻ, chúng ta sẽ có được số lượng, có kỹ năng và cả công nghệ. Nhưng muốn thu hút được giới trẻ cùng tham gia sự nghiệp nhiếp ảnh, Hội ta cần phải làm tốt công tác tổ chức. Tổ chức lại cần đến hai chữ Nghề & Nghiệp của Hội viên. Một mối quan hệ biện chứng rất chặt chẽ trong hoạt động nhiếp ảnh. Chúng tôi muốn nhấn mạnh hai chữ Nghề & Nghiệp vì hôm nay chúng tôi muốn nêu ra trước diễn đàn Đại hội về phương thức tổ chức hoạt động Hội là phải phù hợp với nguyện vọng của Hội viên, trong đó có Chi hội nhiếp ảnh, hoạt động phải tính đến các yếu tố sau:

     Tính đại chúng:

     Một hoạt động được tổ chức trước hết phải tính đến chủ đề chính trị, tư tưởng. Nhưng mặt khác phải có tính đại chúng. Lâu nay có thể chúng ta đã quá tập trung cho việc giáo dục chính trị, cho nên bị hạn chế về chủ đề và rất hạn chế số người tham gia. Với nhiếp ảnh là cần phải đáp ứng nhu cầu của số đông làm nghề nhiếp ảnh thì sẽ khắc phục được hạn chế trên.

     Muốn có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh tham gia hoạt động, ta cần phải tổ chức các hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, phù hợp với số đông. Đó có thể là “Trưng bày ảnh cưới” hay chủ đề “Cô dâu - Chú rể đẹp” dành cho các tiệm trang điểm, áo cưới; có thể là “Đồng Xoài - Thành phố mới” hay “Bình Phước tuổi hai mươi” dành cho các tay máy chụp ảnh thời sự. Có thể là “Ảnh độc - Lạ” để giao lưu giữa các tay máy đam mê công nghệ, v.v…

     Làm được như thế là ta đã nối kết được hai chữ Nghề & Nghiệp của giới nhiếp ảnh tỉnh nhà. Đồng thời sẽ thu hút được số đông người tham gia và cả số đông người thưởng lãm nghệ thuật nhiếp ảnh.

      Về phương thức tổ chức và công tác nhân sự:

     Lâu nay ta thường phát động Hội viên tham gia hưởng ứng các cuộc thi, trưng bày, triển lãm ảnh cấp quốc gia hay khu vực mà ít có tổ chức tại Bình Phước và không tổ chức tại huyện. Sắp tới chúng ta cần tìm ra, phát động những đợt hoạt động với chủ đề phù hợp, sát với yêu cầu tỉnh nhà và còn tính đến hoạt động tại các huyện, thị, các đơn vị trong tỉnh.

     Ta nên tổ chức hoạt động với quy mô nhỏ để phù hợp với địa bàn rộng của tỉnh. Nên sớm chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức những cuộc sáng tác nhỏ, có chiều sâu, phù hợp với yêu cầu chủ đề của địa phương, cơ quan, đơn vị đó. Như chủ đề biên giới, người lính, môi trường, phong cảnh, công nghiệp, nông nghiệp, di tích, thắng cảnh, nghệ nhân, công nhân, hay cuộc thi mang tính đặc trưng như người dân tộc thiểu số Bình Phước, v.v… Cũng có thể thi ảnh đẹp qua facebook để có nhiều người trẻ tham gia, nhiều người được thưởng lãm.

     Để có được những ý tưởng và để có được những kết quả cụ thể về nhiếp ảnh, chúng ta cần có những người có năng lực nghiệp vụ nhiếp ảnh tham gia Hội, tham gia Chi hội; Hội nên có người  hiểu biết về nhiếp ảnh để lãnh đạo sâu sát lĩnh vực này. Chi hội rất cần người có năng lực về tổ chức và tâm huyết với nhiếp ảnh để điều hành hoạt động, để có những sáng tạo trong hoạt động của Chi hội.

     Về nguồn lực xã hội:

     Nếu khai thác được tính truyền thông, quảng bá của nhiếp ảnh đối với xã hội, sẽ phát huy tốt vai trò, hiệu quả của lĩnh vực này. Chúng tôi có thấy một vài tấm ảnh đẹp của tác giả Phạm Huy treo ở Trung tâm Hành chính công Bình Phước, tác giả đó không sinh hoạt ở Hội ta. Chúng tôi vẫn còn lưu lại cái cảm giác xúc động khi nhìn bức ảnh thể hiện cái nắng hạn tại Ninh Thuận, với cánh đồng cỏ khô và đàn bò ốm yếu, hay vẫn nhớ hình ảnh những cây rừng nguyên sinh bị đốn ngã trơ ra những gốc to. Chúng ta vẫn nhớ tác phẩm “Băng đồng” của Nguyễn Văn Phúc (Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh chúng ta) đạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh thế giới tại Nhật Bản với hình ảnh hai con trâu băng qua đồng cỏ xanh mướt tạo thành sóng thướt tha tuyệt đẹp. Và chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ hình ảnh đẹp của cô thiếu nữ Bình Phước đăng trên bìa tạp chí “Lễ hội Quả điều vàng” năm 2010, v.v…

     Hôm nay, còn nhiều lắm những những hình ảnh đẹp vẫn chưa được trưng bày triển lãm như chủ đề “Bình Phước vươn cao” với những tòa nhà cao tầng, với nhiều khu công nghiệp mới. Có nhiều hình ảnh phong cảnh mọi miền quê hương Bình Phước chúng ta phải nói là quá đẹp, đã được đăng trên facebook của những Hội nhiếp ảnh tự lập, hay hình ảnh “Bình Phước tuổi 20” với những người sinh ra từ năm 1997, nay đã là những nam thanh, nữ tú; giỏi giang thành đạt, đã có cống hiến cho quê hương, đất nước; những đôi uyên ương 18 đôi mươi khoe sắc với những bộ vét tông và áo cưới lộng lẫy, đã thành cặp thành đôi và khai sinh ghi tên đất Bình Phước thân yêu của chúng ta, v.v…

     “Nếu khai thác tốt tính truyền thông, quảng bá thì nhiếp ảnh sẽ mang lại hiệu quả”. Như vậy sẽ có nguồn lực từ những tổ chức xã hội nếu ta phục vụ tốt cho ho. Trong khi nguồn lực của nhà nước hạn chế, kinh phí để bảo đảm tốt cho hoạt động của Hội là khó. Do đó việc chúng ta cần làm là khai thác nguồn lực xã hội. Đó là những cơ quan đơn vị cần tổ chức trưng bày, triển lãm; là những doanh nghiệp cần quảng bá cho hoạt động của mình, những hoạt động diễn ra cần ghi lại bằng nhiếp ảnh, v.v…

Nguyễn Hữu Quý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:205 | lượt tải:33

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:907 | lượt tải:333

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1076 | lượt tải:345

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1138 | lượt tải:570

108/QĐ-H.VHNT

QUYẾT ĐỊNH Về việc thành lập Đoàn dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải năm 2017 của Hội VHNT Bình Phước

Lượt xem:1204 | lượt tải:0
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ