“Che - Người kiến tạo”

Thứ hai - 09/10/2017 12:37
“Che - Người kiến tạo”
Chân dung vị anh hùng huyền thoại Che Guevara

“Che - Người kiến tạo” là tên gọi của triển lãm ảnh tư liệu quý về người anh hùng huyền thoại thế kỷ 20: Che Guevara. Triển lãm do Thông tấn xã Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba cùng với đại diện thường trú của Hãng Thông tấn Cuba (PRENSA LATINA) tại Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm kỷ niệm 50 năm ngày Người du kích anh hùng Che Guevarra hy sinh trên chiến trường, đồng thời để tôn vinh một tấm gương anh hùng cách mạng cao cả, cũng như bày tỏ sự tri ân của nhân dân Việt Nam đối với một người bạn lớn, người đã hết lòng ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của mình trong thế kỷ mới. Triển lãm được khai mạc vào 16h30 chiều nay, ngày 6/10, tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam - số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

50 năm trước, vào ngày 8/10/1967, nhân dân các nước Mỹ Latinh và những người yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới sửng sốt, đau thương đón nhận tin buồn một người con ưu tú, một người anh hùng huyền thoại của thế kỷ 20: Che Guevara, đã hy sinh trên chiến trường. Cùng với năm tháng, cuộc đời và tấm gương hy sinh quên mình vì những lý tưởng cao đẹp của Che ngày càng toả sáng và trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng xả thân vì nghĩa lớn, một hình ảnh lãng mạn, thấm đẫm tính nhân văn cao cả.
Quang cảnh buổi lễ Khai mạc tại trụ sở Thông tấn xã Việt Nam 

Tham dự Lễ Khai mạc triển lãm ảnh hôm nay, ngoài lãnh đạo cấp cap đương nhiệm của Thông tấn xã Việt Nam, còn có nhiều cựu lãnh đạo cấp cao của Thông tấn qua các thời kỳ, lãnh đạo bộ Ngoại giao, đại sứ một số nước Mỹ Latinh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, cán bộ, học sinh, sinh viên Cuba đang sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội. Thay mặt lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - NSNA Vũ Quốc Khánh - Chủ tịch Hội cũng đã đến tham dự sự kiện nhiếp ảnh ý nghĩa này.

30 tấm ảnh tư liệu quý trưng bày tại triển lãm ngày hôm nay được tập hợp bởi các phóng viên ảnh của PRENSA LATINA, các bản gốc hiện được lưu trữ trong kho tư liệu ảnh thời sự của PRESAN LATINA tại La Habana. Đây là những tấm ảnh ghi lại những hoạt động của Che Guevarra từ năm 1959 đến 1965 với tư cách là một nhà lãnh đạo chính quyền trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đất nước trong thời bình.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu Khai mạc
 
Phát biểu tại Lễ Khai mạc triển lãm, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã khẳng định: “Tên gọi triển lãm “Che-Người kiến tạo” đã nói rõ chủ đề, nội dung và ý nghĩa của bộ ảnh. Công chúng Việt Nam mới chỉ biết nhiều về Che với tư cách là một chiến binh đầy quả cảm trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, một nhà chính trị tài năng, luôn dũng cảm bảo vệ công lý, bảo vệ những giá trị chân chính của chủ nghĩa quốc tế và tự do của các dân tộc. Nhưng khi xem triển lãm này, chúng ta sẽ được hiểu thêm một khía cạnh đầy ấn tượng về một con người năng động, nhiệt tình, giản dị, dễ gần và đầy sáng tạo, một chiến binh trong sự nghiệp kiến tạo.”; đồng thời chia sẻ: “Xin được bày tỏ sự tri ân đối với các tác giả của các bức ảnh trưng bày hôm nay. Rất tiếc rằng tất cả các nhà nhiếp ảnh là tác giả của những tấm ảnh triển lãm hôm nay đều đã qua đời, nhưng những tác phẩm của họ cùng với hình ảnh người du kích anh hùng Che Guevarra sẽ sống mãi với thời gian và trong lòng nhân dân Cuba, nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng tự do, yêu chuộng công lý trên toàn trái đất”.
 
Bà Nancy Coro - Phó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam phát biểu tại triển lãm

Đáp lại lời phát biểu của lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, bà Nancy Coro - Phó Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba tại Việt Nam đã chia sẻ: “Chỉ 48 giờ nữa sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày ám sát Ernesto Guevara de la Serna, được biết đến nhiều hơn với tên Che - Tư lệnh cách mạng Cuba, Mỹ Latinh và toàn cầu. Nhưng ngày hôm nay chúng ta không nhớ cái chết của Che, mà là sự hồi sinh của ông đã đi vào vĩnh cửu. Chúng ta làm điều đó thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh.

Hãng thông tấn PRESAN LATINA giới thiệu bộ sưu tập ảnh của Che từ di sản ảnh khổng lồ của mình từ 1959 - 1965, năm cuối cùng Che sống ở Cuba. Một vài bức ảnh trưng bày hôm nay có liên quan đến mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta, như bức ảnh chụp năm 1964, Che xuất hiện bên cạnh Anh hùng Núp - người anh hùng miền núi của người Việt Nam. Được biết, hai chiến sĩ huyền thoại đã trao đổi ý tưởng về cuộc đấu tranh du kích và bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau. Hay các bức ảnh ghi lại những hoạt động của Che với tư cách là người đi đầu trong các công việc tình nguyện, xúc tiến các cuộc gặp gỡ quốc tế, sự tham gia trong các hoạt động cách mạng… Một triển lãm ảnh như thế này đã và sẽ được trưng bày ở các thủ đô khác nhau trên thế giới để tưởng nhớ tới người du kích anh hùng nhân kỷ niệm 50 năm ngày ông bị ám sát ở Bolivia.

Không ai trong số những nhiếp ảnh gia Cuba chụp những bức ảnh này còn sống, nhưng họ đã trở nên bất tử bởi những hình ảnh mà quý vị chiêm ngưỡng tại triển lãm và bởi chính sự vinh quang của người đã hy sinh cuộc sống vì chủ quyền của một nước Nam Mỹ, cũng như đã có thể hy sinh vì Việt Nam - đất nước mà Che luôn luôn tôn trọng và dành một tình cảm đặc biệt.

Có người đã hỏi Che có phải là một nhà kinh tế, ông nói không, ông là một người cộng sản. Và như vậy, ông đã đáp lại mọi công việc đòi hỏi bởi cuộc cách mạng tái thiết. Ông đã từng là Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, nhưng trên tất cả ông là một tấm gương của nhà cách mạng hoàn hảo.”

Một số hình ảnh Lễ Khai mạc 6/10 tại Hà Nội:
Không gian ấm áp của buổi lễ Khai mạc Triển lãm 
 
Đại biện sứ quán Columbia tại Việt Nam, bà Claudia L.Z Naranjo (người đứng thứ 2 từ phải sang) cùng các khách mời trao đổi về những bức ảnh tư liệu trưng bày tại triển lãm
 
Nhiều cán bộ, sinh viên của cộng hòa Cuba đang sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam cũng đã đến tham dự buổi Lễ Khai mạc triển lãm ảnh ý nghĩa này
 
Vị khách mời đến từ Cuba cẩn thận đọc chú thích từng sự kiện diễn ra trong ảnh khi tham quan triển lãm
 
Cuộc triển lãm còn là dịp để cộng đồng những người bạn Cuba đang sinh sống tại Hà Nội gặp gỡ, giao lưu...

Một số ảnh tư liệu trưng bày tại triển lãm "Che - Người kiến tạo":



 


 
 
Ernesto Guevara de la Serna là tên khai sinh của ông, còn Ernesto “Che” Guevara là tên bí danh và tên gọi thân mật từ sau khi ông ghi tên mình vào đội quân Cách mạng Cuba. Ông sinh ngày 14/6/1928, ở thành phố Rosario miền Trung Argentina.

Sự can đảm, coi thường cái chết, tinh thần “sẵn sàng đón nhận sự hy sinh ở bất cứ đâu” của Che đã bộc lộ ngay từ khi còn là một cậu bé.

Trong cuộc hành trình tìm cơ hội tham gia vào cuộc đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc tại Mỹ La Tinh, Che đã có cuộc gặp gỡ lịch sử với lãnh tụ Cuba sau này là Fidel Castro vào ngày 9 tháng 7 năm 1955 tại Mexico.

Theo gợi ý của Fidel, Che tham gia cuộc đổ bộ về Cuba trên tàu Granma năm 1956 và cuộc chiến tranh do Fidel Castro lãnh đạo ở vùng rừng núi Sierra Maestra nhằm đánh đổ chế độ độc tài Batista. Trong thời gian đó, Che Guevara từ một bác sĩ đã trở thành người chỉ huy quân sự, được phong hàm Tư lệnh cấp bậc sĩ quan chỉ huy cao thứ hai của quân khởi nghĩa sau Tổng tư lệnh Fidel Castro...

Năm 1959, sau khi cách mạng thành công, Nhà nước Cuba đã chính thức trao quốc tịch Cuba cho ông vì đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của nước này. Che đã đảm nhiệm nhiều trọng trách trong Chính phủ Cuba như Viện trưởng Viện cải cách ruộng đất, Thống đốc Ngân hàng quốc gia, Bộ trưởng Công nghiệp và từng dẫn đầu các phái đoàn cấp cao Cuba tham dự những hội nghị quốc tế quan trọng và tại diễn đàn Liên hợp quốc.

Trong cuộc sống đời thường, Che Guevara là một người rất giản dị và đôn hậu. Ông làm việc không biết mệt mỏi và luôn đi đầu trong phong trào lao động tình nguyện do chính ông đề xướng vào những ngày nghỉ. Che là hiện thân của sự kết hợp hài hòa giữa tư duy và hành động. “Gương mẫu là mệnh lệnh không lời”, “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới”, đó là quan điểm nhất quán của Che.

Ngược dòng thời gian, trong những năm hoạt động ở chiến khu cũng như sau ngày cách mạng Cuba thắng lợi, Che đã nhiều lần nhắc đến nguyện vọng cháy bỏng mà ông đã từng ấp ủ là “đi chiến đấu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”. Và cuối cùng ông đã được toại nguyện.

Ngày 31/3/1965, trước khi lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Châu Phi, Che viết bức thư từ biệt Fidel và để lại phía sau một gia đình hạnh phúc với 5 người con và người vợ dịu hiền của mình, cùng với bộ quân phục màu xanh ô liu và chiếc mũ nồi đen mà ông thường dùng.

“Hẹn đến ngày toàn thắng” (Hasta la Victoria siempre), đó là lời tâm huyết của Che viết ở cuối thư gửi Fidel, sau đó đã trở thành phương châm hành động của lớp lớp thanh niên Cuba, và luôn tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân Cuba vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ đất nước tươi đẹp của mình.

Sau thời gian ngắn ở châu Phi, Che trở lại Mỹ La Tinh với kế hoạch xây dựng một đội quân du kích, phát động một cuộc cách mạng mới ở khu vực Nam Mỹ để giải phóng những dân tộc đang phải sống dưới ách chế độ độc tài quân sự và sự thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Ngày 8/10/1967, trong một cuộc chiến đấu ở vùng núi rừng Bolivia, nhiều chiến sĩ trong đội quân du kích của Che người bị thương, người hi sinh. Riêng Che bị thương nặng và bị quân đội Bolivia bắt giữ. Lo sợ trước ảnh hưởng của Che, chế độ độc tài Bolivia đã ra lệnh thủ tiêu ông theo chỉ đạo của CIA.

Tuy nhiên, sau khi qua đời, Che Guevarra không những không bị lãng quên mà còn trở thành một tấm gương lớn và một thần tượng cách mạng của lớp lớp thanh niên Mỹ Latinh nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Đối với Việt Nam, Che là một người bạn lớn luôn nhiệt tình ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ông khẳng định: “Chúng ta không chỉ chúc mừng thắng lợi của Việt Nam, mà phải cùng hy sinh và cùng chiến thắng với Việt Nam”. Lời kêu gọi: “Hãy tạo ra hai, ba, nhiều Việt Nam” nhằm “chia lửa” với nhân dân ta, chứng tỏ Che đã nhận rõ ý nghĩa quốc tế lớn lao của cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam đối với loài người, nhất là đối với các dân tộc Mỹ Latinh vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Trong lời tựa cuốn Nhật kí của Che được xuất bản năm 1967, lãnh tụ Fidel Castro, người chỉ huy và bạn chiến đấu thân thiết của ông đã đánh giá: "Che và tấm gương phi thường của mình không ngừng lan tỏa trên toàn thế giới. Lý tưởng của Che, hình ảnh và tên tuổi của Che đã trở thành lời hiệu triệu và tiếng thét xung phong trong cuộc đấu tranh của những người bị áp bức chống lại bất công".
(Nguồn tư liệu tham khảo: TTXVN)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:204 | lượt tải:33

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:906 | lượt tải:333

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1075 | lượt tải:345

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1137 | lượt tải:570

108/QĐ-H.VHNT

QUYẾT ĐỊNH Về việc thành lập Đoàn dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải năm 2017 của Hội VHNT Bình Phước

Lượt xem:1203 | lượt tải:0
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ