vnvn

LỮ ĐOÀN 146 ANH HÙNG: VỮNG VÀNG NƠI ĐẦU SÓNG NGỌN GIÓ

Thứ năm - 20/06/2019 08:35

BP - Đêm Cam Ranh (Khánh Hòa) trời yên, biển lặng. Cái nóng giữa lòng bán đảo này không làm giảm không khí sôi động của những người lính biển và giới văn nghệ sĩ tỉnh Bình Phước chúng tôi. Chỉ đơn sơ với chén trà, chum rượu râm ran quanh những câu chuyện lính, chuyện đời...

Không biết tự bao giờ, cây phong ba luôn hiện diện ở những vùng đất biển, hiên ngang, vững vàng trước bão tố, phong ba và có lẽ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 anh hùng của Vùng 4 Hải quân mang nét đặc trưng của loài cây đó. Nếu nói về nhiệm vụ của người lính hải quân thì ai cũng thế. Thế nhưng, ở Lữ đoàn 146 có vẻ nặng nề hơn, bởi nhiệm vụ vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Địa bàn quản lý rộng, cán bộ, chiến sĩ vừa ở đất liền vừa rải đều trên các đảo với 33 chốt tiền tiêu. Nói ví von như Thượng tá Lương Quốc Anh, Tham mưu phó Lữ đoàn 146, người có hơn 11 năm công tác ở các đảo, thì: “Chúng tôi đã coi đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Bởi lẽ anh gần như thuộc lòng từng địa thế các đảo lớn nhỏ, chìm nổi ở Trường Sa. Mỗi lần ra đảo, anh như trở về ngôi nhà của mình. Với nhiệm vụ đặc thù, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 hầu như có mặt khắp các đảo trên quần đảo Trường Sa, trong đó có huyện đảo Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu vừa chăm lo đời sống người dân trên các đảo. Đó là những công việc không hề nhẹ nhàng, vừa linh thiêng, cao cả vừa đậm tính nhân văn.

 

Nhạc sĩ Quang Vượng, Chi hội Âm nhạc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước hát giao lưu với chiến sĩ mới thuộc Tiểu đoàn 862

Ở huyện đảo Trường Sa không chỉ có những người lính ngày đêm canh giữ biển trời mà còn có cả cuộc sống của nhiều người dân ngụ cư trên các đảo, đặc biệt là đảo Trường Sa. Cây đa, mái đình, ngôi trường, bệnh viện đã hiện hữu ở Trường Sa. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, Lữ đoàn 146 còn đảm nhiệm tổ chức học tập và khám, chữa bệnh cho con em, nhân dân trên đảo. Còn gì vui hơn khi giữa mênh mông đại dương lại nghe được tiếng đánh vần đọc chữ ê, a của các cháu; tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, một khung cảnh thực sự yên bình giữa lòng biển cả thân yêu.

Quân chủng Hải quân anh hùng sinh ra những người con anh hùng. Vùng 4 Hải quân anh hùng cũng có những người con anh hùng. Giờ đây nhắc đến cuộc chiến không cân sức ở Gạc Ma ngày 14-3-1988, nhiều người còn nhớ rõ: “Con tàu HQ 604 của Lữ đoàn 146 đang trên đường tuần tra biển đảo thì nhận lệnh chỉ huy tiến về đảo đá Gạc Ma để bảo vệ đảo trước sự tấn công bất ngờ của 4 tàu khu trục và hộ vệ tên lửa của Trung Quốc với gần 100 quân lính hung hăng đang đổ bộ lên chiếm đảo. Do không tương quan lực lượng, trong cuộc chiến đấu này, nhiều cán bộ, chiến sĩ tàu 604 hy sinh tại chỗ, trong số đó có Thiếu úy Trần Văn Phương. Trước khi hy sinh, Thiếu úy Phương còn kịp hô to: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Kết thúc cuộc chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988, 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ đoàn trưởng 146. Sau trận chiến này, nhiều cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Thiếu úy Trần Văn Phương. Ngày hy sinh, anh Phương không biết rằng mình đã có một sinh linh 2 tháng tuổi đang chờ chào đời. Giờ giọt máu ấy đã trở thành một sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đang công tác ở ngay đơn vị mà cha cô trước đây đã chiến đấu và hy sinh.

Để có cuộc sống yên bình, có những đoàn tàu thuyền lưới nặng, cá đầy thì sự đóng góp của Hải quân Vùng 4, đặc biệt là của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 thật đáng trân trọng. Truyền thống anh hùng luôn được cán bộ, chiến sĩ gìn giữ và phát huy dù nhận bất cứ nhiệm vụ gì. Ở Tiểu đoàn Huấn luyện 862 - đơn vị chuyên làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, không khí thi đua luôn diễn ra sôi nổi với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Cán bộ, chiến sĩ đã hòa cùng nhịp thở, quyết tâm ra sức học tập và rèn luyện với tinh thần không ngại khó khăn gian khổ “vượt nắng, thắng mưa”. Nhiều năm liền đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện với kết quả năm sau cao hơn năm trước. Trong khóa huấn luyện đầu năm 2019, đơn vị có hơn 97% chiến sĩ đạt loại khá, giỏi chuyển sang tiếp tục học tập các khóa huấn luyện chuyên sâu chuyên môn, về các loại vũ khí, khí tài hiện đại. Kế thừa lớp cha anh đi trước, nhiều chiến sĩ mới đã làm đơn xin phục vụ quân đội lâu dài. Điển hình như chiến sĩ Lê Hùng Quốc quê ở Cam Ranh. Tốt nghiệp đại học ngành giao thông vận tải ra trường đang công tác tại một đơn vị tư vấn, thiết kế cầu đường tại TP. Hồ Chí Minh thì có lệnh nhập ngũ, Quốc đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Sau 3 tháng học tập chính trị quân sự truyền thống Quân chủng Hải quân, Quốc đã viết đơn tự nguyện phục vụ quân đội lâu dài. Hay chiến sĩ Dương Chí Hiếu ở Đại đội 3 PPK Tiểu đoàn 862 là giáo viên tốt nghiệp khoa Tiếng Anh một trường đại học ngoại ngữ ở TP. Hồ Chí Minh, đang giảng dạy ngoại ngữ tại quận Phú Nhuận thì có lệnh nhập ngũ. Hiếu vui vẻ lên đường nhập ngũ trước sự luyến tiếc của các học sinh về một người thầy trẻ tuổi, năng nổ, nhiệt tình và có phương pháp giảng dạy sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Hiếu cũng tự nguyện phục vụ quân đội dài lâu, bởi với suy nghĩ quân đội sẽ rất cần những người lính như mình để thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng.

Mới đây, Lữ đoàn 146 được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Vùng 4 Hải quân... Những thành tích này sẽ làm hành trang cho bước đường đi tới. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 đã và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng đơn vị, xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hoàng Yên

(Nguồn: Bình Phước Online)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:166 | lượt tải:54

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:166 | lượt tải:33

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:327 | lượt tải:46

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:589 | lượt tải:62

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1239 | lượt tải:357
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ