CHUYỆN NGƯỜI LÍNH BIỂN

Thứ năm - 20/06/2019 08:30

BP - Cam Ranh (Khánh Hòa) những ngày cuối tháng 5 trời oi bức bởi nắng và cát. Căn cứ Cam Ranh trải rộng hàng chục kilômét. Xe bon bon trên những con đường láng nhựa với những dãy nhà được xây dựng khang trang trải dài 2 bên đường như một đô thị mới. Nhưng không, đây chỉ là căn cứ đóng quân của đơn vị trực thuộc Vùng 4 Hải quân anh hùng. Cũng là người lính tham gia cuộc chiến ở biên giới Tây Nam từ năm 1977 và gần 7 năm khoác áo lính, có mơ tôi cũng không dám nghĩ đây là những doanh trại của bộ đội, bởi vẻ khang trang, hiện đại như một đô thị mới mọc lên bên bờ biển đẹp dài ngay trong lòng bán đảo Cam Ranh.

Những ngày ở đây, được đi thăm các đơn vị, lữ đoàn của Hải quân Vùng 4, tôi trải qua từ bất ngờ này đến bất ngờ khác... Từ điều nhỏ nhất là nơi ăn ở của bộ đội đến thao trường bãi tập, đặc biệt là vũ khí, khí tài được trang bị phục vụ công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu... Ngày này cách đây hơn 40 năm, là lính bộ binh chiến đấu trực diện với Pôn Pốt Iêng Sary ở biên giới Tây Nam, dù trong những chiến dịch tổng lực tiến vào giải phóng Phnôm Pênh (Campuchia), các đơn vị bộ binh hợp thành vẫn còn sử dụng tiểu liên AK, R15, AT tăng; cao hơn có trung liên, đại liên, cối 60, 80... Lâu lâu cũng có vài đơn vị tăng thiết giáp, pháo binh 105 hỗ trợ, thế đã là oai phong lắm rồi! Giờ tận mắt chứng kiến vũ khí, khí tài của các đơn vị Hải quân Vùng 4, tôi thật sự ngỡ ngàng đến ngây ngô. Cụm từ ngày xưa thời tôi còn là lính phấn đấu xây dựng “Quân đội chính quy và từng bước hiện đại...” là quá xa, giờ thực sự là xây dựng “Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Những vũ khí tối tân, hiện đại được quan tâm đầu tư, trong đó có nhiều loại hiện đại ngang tầm châu Á và thế giới. Được trang bị vũ khí, khí tài tối tân, hiện đại, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4 càng nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngày nắng nóng, đêm gió lộng và thao trường đã tôi luyện những con người ở đây thêm dày dạn để sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào cấp trên giao phó...

Thuyền trưởng Lê Văn Chung chỉ huy tàu 469

Tiếp xúc với Đại tá Vi Đức Thanh, Lữ đoàn trưởng 957, tuổi đời 54 với hơn 30 năm tuổi quân và thâm niên hơn 10 năm công tác ở các đảo thuộc Trường Sa mới cảm nhận được nét phong trần của người lính đảo. Cuộc đời binh nghiệp của anh gắn liền với đại dương mênh mông. Anh thuộc từng đường đi nước bước trên các đảo, từ Nam Yết, Song Tử Tây đến Trường Sa Lớn... Và anh cũng không nhớ đã bao lần giáp mặt đấu tranh với các thế lực trên biển, trên đảo, với thái độ kiên quyết nhưng ôn hòa, mạnh mẽ nhưng không bị kích động. Thế là sóng lặng, đảo yên. Trưởng thành từ người lính nên hơn ai hết anh hiểu rất rõ trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị vừa huấn luyện vừa sẵn sàng chiến đấu. Những lời nói của anh có khi là một mệnh lệnh, cũng có khi là lời nhắc nhở, động viên đầy nghĩa tình của người anh đi trước. Vì thế, mối quan hệ giữa thủ trưởng và người lính ngày càng gần gũi, thân thương.

Sĩ quan Lê Văn Chung, gương mặt rất trẻ nhưng lại là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm của tàu 469. Chính con tàu này vào tháng 7-2018 đã hành quân cấp tốc ra vùng biển Hoàng Sa để cứu hộ nhiều tàu ngư dân bị giông to, gió lớn, có nguy cơ bị chìm. Mặc dù trong đêm, vượt qua mọi trở ngại, sĩ quan Lê Văn Chung đã cùng đồng đội chiến đấu với những cơn sóng dữ cứu hộ và lai dắt thành công tất cả tàu của ngư dân bị nạn vào đất liền an toàn. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tàu 469 do sĩ quan Lê Văn Chung phụ trách đã cứu hộ và lai dắt thành công hàng chục vụ như thế. Khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển của Việt Nam, anh Chung lúc đó là Thuyền phó đã cùng đồng đội dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với tàu Trung Quốc. Bị bắn phá dữ dội bằng súng nước khiến tàu của ta nghiêng ngả, kính chắn gió bị vỡ, nước tràn cả vào khoang. Trong lúc đó, Thuyền trưởng lại bị thương rất nặng do mảnh kính đâm vào người, anh Chung đã mưu trí, kiên quyết bám trụ đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi vùng kiểm soát của ta. Với thành tích này, anh Chung được cấp trên tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, phong quân hàm trước niên hạn và được giao nhiệm vụ Thuyền trưởng kể từ đó.

Gia cảnh anh Chung vẫn khó khăn lắm. Anh đã có vợ và 1 con nhỏ, cha mẹ mất sớm. Đồng lương quân đội với cấp hàm đại úy, ngoài cùng vợ nuôi con nhỏ, anh còn nuôi 2 em đang học đại học. Nghị lực phấn đấu của anh thật đáng khâm phục. Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính vừa làm tròn vai trò của người chồng, cha, anh cả trong gia đình, Đại úy Lê Văn Chung xứng đáng là đứa con trung chuyên của Quân chủng Hải quân anh hùng.

Chiến sĩ mới Lê Hùng Quốc ở Đại đội 3 PPK, Tiểu đoàn 682 là một trong những tấm gương điển hình trong học tập và huấn luyện. Quốc nhập ngũ tháng 2-2019 khi đang là kỹ sư cầu đường công tác tại TP. Hồ Chí Minh. 3 tháng quân trường đã rèn luyện anh trở nên cứng cỏi và dày dạn hẳn lên. Nước da sạm nắng và tác phong nhanh nhẹn, cùng sự năng động tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị đã làm thay đổi suy nghĩ của đồng chí, đồng đội về Quốc - một tân binh chỉ luôn biết cầm bút, cầm giấy thiết kế những công trình. Chăm chỉ trong học tập chính trị, năng động và vận dụng sáng tạo khi học tập chiến, kỹ thuật, Quốc đã thực sự là chỗ dựa vững chắc của đồng chí, đồng đội trong các hoạt động, sinh hoạt ở đơn vị. 3 tháng huấn luyện đã qua, Quốc về đơn vị mới và luôn mang theo hoài bão là sẽ phục vụ quân đội lâu dài, nguyện đem sức trẻ và chuyên ngành đã học tiếp tục cống hiến để góp phần xây dựng quân đội ngày càng chính quy, hiện đại.

Ở Vùng 4 Hải quân còn nhiều và rất nhiều tấm gương điển hình khác. Đến thăm các đơn vị, chúng tôi đều thấy nhiều “viên ngọc quý” đang được gọt giũa, rèn mài. Rất nhiều sĩ quan trẻ đã thực sự trưởng thành qua sự trải nghiệm ở Trường Sa, ở những vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Tạm biệt Vùng 4 Hải quân, bán đảo Cam Ranh đầy nắng và gió mang theo niềm vui khó tả. Đã qua rồi những cuộc chiến với vũ khí trang bị tầm vông vạt nhọn, súng trường thô sơ, giờ đây quân đội ta đã thực sự lớn mạnh đủ sức đương đầu với mọi kẻ thù chung. Dẫu biết rằng đất nước ta, nhân dân ta luôn yêu chuộng hòa bình, luôn phản đối những cuộc chiến tranh phi nghĩa, thế nhưng, cũng cần thiết có những đội quân chính quy, hiện đại để sẵn sàng chiến đấu giữ gìn biên cương bờ cõi... Quân chủng Hải quân anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã và đang thực hiện nhiệm vụ vẻ vang đó. Những con tàu thầm lặng ngày đêm bám biển. Những người lính đêm ngày coi đảo là nhà, biển là quê hương đang nắm chắc tay súng canh giữ sự bình yên cho vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Đâu đây vang lên lời hát trầm hùng nhưng chứa chan tình cảm “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”

Minh Hoàng

(Nguồn: Bình Phước Online)

 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:204 | lượt tải:33

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:906 | lượt tải:333

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1075 | lượt tải:345

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1137 | lượt tải:570

108/QĐ-H.VHNT

QUYẾT ĐỊNH Về việc thành lập Đoàn dự trại sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải năm 2017 của Hội VHNT Bình Phước

Lượt xem:1202 | lượt tải:0
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ