Về kết cấu hạ tầng:
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hạ tầng số gắn với phát triển thương mại điện tử, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số, trọng tâm là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Về phát triển nguồn nhân lực:
Ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thu hút, chuyển đổi cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn lao động có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng an sinh xã hội để ổn định và phát triển lâu dài.
Về cải cách thủ tục hành chính:
Hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.
Để hiện thực hóa mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin… Chú trọng nâng cao trình độ công nghệ; mở rộng và phát triển mới các khu, cụm công nghiệp.
Tận dụng cơ hội tham gia Hiệp định CPTPP, EVFTA để thu hút đầu tư nâng cấp chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo. Hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ lớn, có khả năng đào tạo, nghiên cứu, có năng lực dẫn dắt, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế.
Huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, các huyện Đồng Phú, Hớn Quản. Mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha.
Toàn tỉnh phát triển 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.830 ha; hình thành ít nhất 3 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến nông sản: hạt điều, tiêu, cà phê, trái cây... Tiếp tục đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh với quy mô 25.864 ha.
Song song với phát triển công nghiệp, tỉnh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội gắn với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý của các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp; xây dựng hệ thống thoát nước thải đô thị, nông thôn. Xây dựng 5 nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý cho các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh để đảm bảo xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt.
Tiếp tục duy trì các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và công nghiệp nguy hại hiện có. Bổ sung 2 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại huyện Phú Riềng và Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư.
Bình Phước là tỉnh có nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, công nghiệp trong nông nghiệp, tuy nhiên, sản xuất còn thiếu bền vững so với tiềm năng, lợi thế. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước phát triển nông nghiệp với tư duy kinh tế nông nghiệp, tiếp cận theo hướng cụm ngành, chuỗi giá trị, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái.
Phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống người nông dân và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh phát triển các khu sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn ở các huyện: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung ở các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Đồng Phú, Bù Đốp và thị xã Bình Long.
Xây dựng hệ thống thủy lợi, cấp nước đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, các khu, cụm công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn; đầu tư các công trình nối mạng cấp nước liên xã.
Theo quy hoạch tỉnh Bình Phước đã được phê duyệt, thành phố Đồng Xoài là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Tỉnh sẽ tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội theo 3 vùng phát triển. Phía Nam gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú. Đây là trung tâm kinh tế, công nghiệp - đô thị - dịch vụ và là tam giác phát triển của tỉnh. Vùng phía Tây gồm thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và Lộc Ninh với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long. Vùng phía Đông Bắc gồm thị xã Phước Long, các huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Phú Riềng và Bù Đăng với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long.
3 trục động lực tăng trưởng, gồm: Trục Chơn Thành - Bù Đăng, trọng tâm là quốc lộ 14, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường phía Đông Nam quốc lộ 14. Trục Chơn Thành - Lộc Ninh: Phát triển công nghiệp gắn với quốc lộ 13 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, kết nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư. Trục trung tâm Đồng Phú - Phước Long: Phát triển kinh tế gắn với ĐT741, kết nối thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng với quốc lộ 14 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thiết lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh với 6.873,56km2; phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước.
Hiện nay, Bình Phước đã ban hành danh mục các dự án ưu tiên, chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn từ các tập đoàn kinh tế lớn. Để quy hoạch thực sự mang lại hiệu quả, Bình Phước tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với các địa phương khác trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ lâu dài, bền vững.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức; kết hợp giữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại địa phương với thu hút lực lượng lao động chất lượng cao từ bên ngoài.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch khác theo quy định, đảm bảo đồng bộ. Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung quy hoạch thành các kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Đầu tư mở rộng các khu công nghiệp tập trung; ưu tiên thu hút theo cụm ngành công nghiệp phù hợp. Chú trọng đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng bên cạnh tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Quy hoạch được thông qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là với tỉnh còn nhiều dư địa phát triển như Bình Phước. Quy hoạch đi vào thực tiễn sẽ góp phần phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Nội dung: Minh Nhâm - Minh Luận
Thiết kế: Diệc Quyền
Nguồn: Bình Phước Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn