Cách đây 75 năm, ngày 24-11-1946, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Nhà hát lớn, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sứ mệnh cao cả của văn hóa là: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Bức ảnh Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn của nghệ sĩ Lâm Hồng Long.
❝Trách nhiệm của hoạt động văn học, nghệ thuật là chăm lo giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc, tâm hồn dân tộc, góp phần hình thành "kháng thể văn hóa" trong hành trang hội nhập của các thế hệ người Việt Nam, để dân tộc ta "hội nhập mà không hòa tan"..."hội nhập để tỏa sáng".
—— PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - bí thư Đảng đoàn, chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ——
Sứ mệnh cao cả của văn hóa
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946) và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (Việt Bắc - 1948) đã thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng được khởi xướng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, với ba nguyên tắc có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, đó là: dân tộc, khoa học và đại chúng.
Đây là một mốc son lớn trong lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Đảng ta đã nhận rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là nhận ra yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng, lãnh đạo để tầng lớp tinh hoa này của dân tộc đem tài năng, trí tuệ và nhiệt tình yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Đảng đã giương cao ngọn cờ chí hướng, mở rộng con đường cho hàng nghìn, hàng vạn văn nghệ sĩ cống hiến trọn vẹn tài năng và sức lực, tận hiến cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước của dân tộc ta.
Qua 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, lịch sử dân tộc ta thế kỷ XX đã ghi nhận những thành tựu to lớn của nền văn hóa mới với những đóng góp to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam, với hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm thực sự trở thành những tượng đài nhân văn được ghi nhận và đánh giá cao ở trong nước và trên trường quốc tế, trở thành "giai điệu tự hào" vang vọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Đường lối đổi mới của Đảng được chính thức công bố tại Đại hội VI (1986) đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống dân tộc và khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức.
Ngay trong thời gian đầu thời kỳ đổi mới, giữa lúc đời sống còn đang gặp muôn vàn khó khăn, hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật đặc biệt xuất sắc đã ra đời, vừa như tiếng kèn xung trận, vừa như ngọn đuốc sáng tạo, góp phần cổ vũ nhân dân ta đấu tranh không khoan nhượng với những mặt trái của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, với tư duy và quán tính văn hóa của một thời kỳ giáo điều, bảo thủ, cổ vũ cho những nỗ lực, những tìm tòi đổi mới, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng kinh tế và xã hội.
Theo ông Đỗ Hồng Quân, trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa - văn nghệ vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới, trong đó gian nan nhất chính là cuộc lột xác, tự đổi mới bản thân để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại, không bị lạc đường, chệch hướng, trong diễn biến phức tạp khôn lường từng ngày, từng giờ của cơ chế thị trường.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm.
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Hồng Quân thẳng thắn thừa nhận, những thành tựu văn học - nghệ thuật trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước, chưa xứng tầm với sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi" như Bác Hồ kính yêu từng gửi gắm, giao phó, nhân dân hằng kỳ vọng.
Có thể nhận thấy rõ hơn tình hình trên qua những biểu hiện cụ thể sau đây:
1. Nền văn học - nghệ thuật chưa phản ánh được thật sinh động, đầy đủ, toàn diện thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật thiếu các công trình, tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại, có sức sống bền lâu trong lòng công chúng.
2. Nền văn học - nghệ thuật của ta chưa hoàn thành được sứ mệnh cao cả là làm ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ và văn hóa soi lối, dẫn đường cho cộng đồng xã hội trong việc kiến tạo những giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ. Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những cái chân, thiện, mỹ chưa được cổ vũ, chưa được tiếp sức đủ mạnh mẽ, đủ thường xuyên, liên tục, lại có không ít trường hợp lạc hướng, trực tiếp hay gián tiếp sa vào việc tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, cái lạc hậu.
3. Nền văn học - nghệ thuật nước nhà đã tỏ ra lúng túng, bị động trong quá trình hội nhập quốc tế, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường "kháng thể văn hóa" của dân tộc, khiến cho việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài bị sa vào xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, điện ảnh, báo chí, mạng xã hội… khiến cho môi trường văn hóa nghệ thuật nước nhà bị xâm thực, nguy cơ "ô nhiễm" khá nghiêm trọng.
Trong khi đó, lại chưa có những giải pháp đủ mạnh, hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ba quá trình trên đã diễn ra đồng thời, tác động trong thời gian khá dài, ảnh hưởng tới đời sống văn hóa, nhất là văn học - nghệ thuật, làm chững lại nhịp phát triển, kéo theo những sa sút, nghèo nàn, thậm chí biến dạng, với nhiều biểu hiện đáng lo ngại.
Giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc và tâm hồn dân tộc
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Đảng, Nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng, sự quan tâm mạnh mẽ. Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), ngày 16-7-1998 đã ban hành nghị quyết chuyên đề "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 23-NQ/TW (2008) "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng đối với việc định hướng, chỉ đường, để văn học, nghệ thuật nước nhà tháo gỡ khó khăn, thoát khỏi tình trạng lúng túng, sa sút, vươn lên xứng tầm với nhiệm vụ.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ trong nghị quyết số 33-NQ/TW, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), năm 2014 của Đảng với mục tiêu "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học".
Trong đó, "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Để thiết thực đưa tinh thần chỉ đạo của nghị quyết 33-NQ/TW vào cuộc sống, ngày 8-9-2016 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của chiến lược là: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển những ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam".
Có thể thấy trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức và luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỳ vọng lớn lao.
Đường lối của Đảng, chiến lược của Nhà nước là đúng đắn, đầy đủ, tuy nhiên, những nghị quyết, chỉ thị, chủ trương đúng đắn đó lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thấm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động, chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mạo và chất lượng văn học nghệ thuật.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn đến những tình trạng trên. Về khách quan, sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc, nhanh chóng của môi trường văn hóa thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ thông tin khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam rơi vào thế lúng túng, bị động.
Nguyên nhân chủ quan là do các cấp quản lý, các địa phương, các ngành chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng; chưa có cơ chế phù hợp, hữu hiệu, đủ mạnh để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống; nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế; sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức...
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân đã đề xuất một số giải pháp để phát triển văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn mới.
1. Về chủ trương, chính sách của Đảng, để thiết thực đưa tinh thần, nội dung của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn, đề nghị cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị để mở đường cho sự phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam để định hướng, mở đường cho sự phát triển của văn học nghệ thuật trong tình hình mới, bởi sau 13 năm thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW, đã có nhiều nội dung không còn hoàn toàn phù hợp với tinh thần mới của nghị quyết số 33-NQ/TW và đặc biệt là tinh thần, nội dung của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
2. Về chiến lược và kế hoạch, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian 2016 đến nay, đồng thời ban hành chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình mới. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ sớm cho phép ban hành Chiến lược Phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới.
Thực tế, từ tháng 9-1945 đến nay, nước ta chưa hề có một chiến lược nào đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, đây cũng là một trong những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình hình sa sút, kém phát triển, thiếu vắng những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao và nhiều hạn chế khó khăn khác.
Các chiến lược phát triển này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, tính định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức.
Cùng với chiến lược, kế hoạch của Chính phủ, Quốc hội cần sớm xây dựng, thông qua Luật văn học nghệ thuật để làm cơ sở pháp lý cho giới văn học nghệ thuật hoạt động thuận lợi.
3. Về cơ chế đầu tư, phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí.
Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo, bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm như nhạc giao hưởng, thính phòng, múa ballet..., những loại hình nghệ thuật truyền thống như kịch hát dân tộc, tuồng, chèo, cải lương, dân ca các dân tộc ít người..., đang cần "bảo vệ khẩn cấp" như hát xoan, ghẹo, ví giặm, ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh…
Đồng thời cũng ưu tiên "đầu tư mồi" (seed funding) cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ văn hóa, sáng tạo để giúp cho những doanh nghiệp này có thể khởi nghiệp và phát triển.
4. Chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ, bởi mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra.
Yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng, nghị lực. Tài năng, năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chu đáo, phải được bảo vệ, tôi luyện, trọng dụng mới phát huy, mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn