Và chính các nghệ nhân ở Trà Bồng, Quảng Ngãi đã truyền dạy cho những người đồng tộc ở xã Trà Kót, Bắc Trà My, để hôm nay, nghệ thuật diễn tấu này sống lại ở cộng đồng người Cor.
Đấu chiêng - Nghệ thuật đặc sắc của người Cor
Với người Cor, hầu như gia đình nào cũng có người biết nhạc và múa. Thế giới của âm thanh chừng như hiện diện ở nhiều nơi trong cộng đồng Cor. Nhạc, múa, trò diễn của người Cor có khi là sinh hoạt thường ngày, có khi gắn với mục đích thực dụng như xua đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, có khi lại gắn với nghi lễ thiêng liêng. Trong nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, người Cor đã sáng tạo ra một cách diễn tấu đặc sắc, mang đậm dấu ấn tộc người. Mỗi dịp lễ hội thì tiết mục đấu chiêng luôn được đồng bào chờ đợi, người chơi luôn hào hứng, thể hiện tài năng của mình.
Nhạc cụ dành cho tiết mục đấu chiêng gồm 2 chiêng (một chiêng gọi là Chéc tók, một chiêng gọi là Chéc tứp) và 1 chiếc trống (Agơl). Tham gia đấu chiêng chỉ gồm 3 người: một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng để đấu với nhau. Người thứ ba tham gia đánh trống, đóng vai trò như trọng tài giữ nhịp, kích thích cho hai bên thi đấu. Người Cor xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu. Bởi vì, lối đánh chiêng như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu. Với tiết mục đấu chiêng đôi, âm sắc nhạc điệu càng thêm độc đáo. Người diễn xướng vừa chơi nhạc cụ giỏi vừa có sức khỏe tốt để diễn tả những động tác mạnh mẽ giống như võ sĩ. Người diễn thể hiện tinh thần thượng võ vừa mang dáng dấp của nghệ sĩ, làm cho người xem thán phục, cổ vũ để họ trổ tài diễn xuất hết mình.
Chiêng đối đáp chẳng những được các nghệ nhân dân tộc Cor ở Quảng Ngãi biểu diễn trong các lễ hội truyền thống ở làng mà còn mang đi trình diễn trong các lễ hội giao lưu văn hóa ở huyện, tỉnh và cao hơn là tầm khu vực và quốc gia. Nhiều nghệ nhân đấu chiêng giỏi cũng được mời đến tham gia, giao lưu với đồng bào mình tại Bắc Trà My, Quảng Nam.
Còn nhớ, vào dịp Lễ hội văn hóa thể thao dân tộc Cor của huyện Bắc Trà My tổ chức vào năm 2013 tại xã Trà Kót, tiết mục hấp dẫn nhất là biểu diễn chiêng đối đáp với sự tham gia của các nghệ nhân dân tộc Cor đến từ huyện Trà Bồng. Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2014 được tổ chức tại huyện Bắc Trà My, tiết mục chiêng đối đáp được trình diễn trong lễ khai mạc với sự biểu diễn của các nghệ nhân dân tộc Cor tại huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi và nhóm nghệ nhân xã Trà Kót múa ka đáu phụ họa, là tiết mục hay nhất, gây ấn tượng nhất được bà con mang đến trình diễn trong cuộc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong tỉnh.
Truyền dạy di sản quý cho thế hệ trẻ
Chiêng đối đáp là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị nghệ thuật của dân tộc Cor. Trong khi đồng bào dân tộc Cor ở Quảng Ngãi, loại hình nghệ thuật này được phát huy tốt, có nhiều nghệ nhân biểu diễn xuất sắc thì đồng bào ở Quảng Nam, đấu chiêng không còn xuất hiện trong sinh hoạt lễ hội, nghệ thuật diễn tấu này đã bị mai một.
Nếu trước đây, mỗi lần tổ chức lễ hội truyền thống cho cộng đồng dân tộc Cor, huyện Bắc Trà My phải qua tận Trà Bồng gặp gỡ chính quyền, bà con để mời những nghệ nhân giỏi trực tiếp tham gia biểu diễn tiết mục đấu chiêng thì gần đây các nghệ nhân được mời đến để tham gia truyền dạy. Từ tháng 9 năm 2016, huyện Bắc Trà My đã mời một số nghệ nhân gạo cội từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến trực tiếp truyền dạy cho 15 thanh niên dân tộc Cor tại 2 xã Trà Nú và Trà Kót về nghệ thuật diễn tấu chiêng đôi. Nghệ nhân đã dạy các bài bản tấu chiêng và qua đó họ đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho chính bà con của mình.
Nhờ vậy, nghệ thuật đấu chiêng đôi của đồng bào Cor cư trú trên địa bàn Quảng Nam đã được phục hồi, di sản quý báu đã được truyền lại cho thế hệ trẻ. Mỗi lần hội làng, các nghệ nhân trẻ ở Trà Kót tự mình biểu diễn và tiếp tục phổ biến cho những người khác trong làng. Mới đây nhất, trong Lễ hội phục dựng cây nêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại huyện Tây Giang, trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam năm 2017, điệu chiêng đối đáp của nghệ nhân dân tộc Cor đến từ Bắc Trà My đã góp một âm sắc lạ, độc đáo trong các tiết mục giao lưu văn hóa của các dân tộc. Xung quanh cây nêu bắp chuối được phục dựng, các nghệ nhân dân tộc Cor, xã Trà Kót đã tái hiện điệu múa ka đáu lả lơi, trữ tình và điệu chiêng đối đáp sôi động, hùng tráng.