Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở Phủ Dày

Thứ hai - 09/10/2017 08:49
Những giá trị nghệ thuật của tín ngưỡng thờ Mẫu đóng vai trò và vị trí vô cùng quan trọng trong bản sắc văn hóa nước ta về nhiều mặt: văn học, âm nhạc, kiến trúc, hội họa.
Ban Chầu Thủ Phủ ở Phủ Tiên Hương, Phủ Dày, Nam Định. Ảnh Trường Giang
Ban Chầu Thủ Phủ ở Phủ Tiên Hương, Phủ Dày, Nam Định. Ảnh Trường Giang

 “Vì vậy, mỹ thuật tôn giáo chính là sự thống nhất hữu cơ giữa các yếu tố tạo hình nhằm truyền đạt được ý đồ tư tưởng, đức tin trong tâm linh của các tín đồ, làm sống dậy các hình tượng thần thánh trong các thế giới tưởng tượng, phục vụ hiệu quả cho các chức năng và mục đích của tôn giáo” (1). Quần thể di tích Phủ Dày là một trong số các di sản vật thể được Bộ VHTT xếp hạng sớm nhất từ năm 1975 thuộc địa bàn xã Kim Thái, chủ yếu là hai thôn Vân Cát và Tiên Hương, với 19 di tích bao gồm đền, chùa, phủ, lăng. Trong đó ba di tích lớn của quần thể này là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Thánh Mẫu. Đây là 3 công trình tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí và kiến trúc cuối TK XIX, đầu TK XX của không gian tín ngưỡng thờ Mẫu tại đồng bằng Bắc Bộ.

Để có thể hiểu rõ hơn giá trị nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại đây, chúng ta điểm qua hiện trạng khảo sát khu di tích độc đáo này.

Phủ chính là phủ Tiên Hương được xây dựng, tôn tạo đầu tiên vào năm Dương Hòa thứ 8 (1642) triều vua Lê Thần Tông và được mở rộng quy mô như ngày nay là vào năm Duy Tân thứ 8 (1914). Trải qua nhiều lần tu sửa, hiện nay vẫn còn dấu tích của phủ cũ nằm bên trái sát với khu vực phủ hiện nay - được gọi là phủ Cổ có 4 gian. Phủ Tiên Hương bao gồm 19 tòa với 81 gian lớn nhỏ được bố trí không gian chính phụ rõ ràng. Những công trình chính là các tòa phủ thờ và ba tòa phương đình mặt tiền. Ngay từ ngoài, ta có thể nhìn thấy giếng tròn mang ý nghĩa “tụ thủy để tụ phúc”. Giữa giếng là ụ đất làm nơi dựng cột cờ dùng để treo cờ thần mỗi khi vào mùa lễ hội. Tiếp đến là khoảng sân lớn với 6 hàng cột nghi môn trụ. “Các nghi môn trụ này xây cao, bốn mặt tô vẽ hoa lá, trên đỉnh trụ đắp lân, linh vật tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh nhằm kiểm soát tư cách của những người hành hương”(2). Sau sân lớn, lùi vào trong là phương đình và phương du. Nhà phương du rộng 10,60m x 7,06m nền tôn cao, lát đá xanh, là nơi nghỉ tạm của khách đến lễ và để các quan chức ngồi xem xếp chữ trong các ngày hội. Hai phương đình ở hai bên    có kiến trúc kiểu nhà bát giác kích thước 5,5m x 5,5m, xung quanh có lan can, bậc thềm đá, chạm trổ tượng hổ chầu làm nơi gác chuông và gác trống. Kiến trúc theo kiểu hai tầng tám mái với các đầu đao cong ở 4 góc. “Cả ba tòa phương du và phương đình này đều kiến trúc theo tư tưởng dịch học phương Đông. Các tòa nhà là một khối thống nhất tượng trưng cho “thái cực”, hai tầng mái trên dưới tượng trưng cho âm dương, tức “lưỡng nghi”, bốn mặt nhà tượng trưng cho “tứ tượng”, tám mái tượng trưng cho “bát quái”…”(3). Tiếp đến là một hồ bán nguyệt đường kính trên 20m có lan can đá chạy xung quanh, phía trong có hai cầu được lát đá hai bên là hai con rồng cuộn chạy song song chầu vào phủ. Chính giữa bên ngoài là bức bình phong bằng đá kiểu dạng cuốn thư được chạm khắc cầu kỳ có ý nghĩa ngăn luồng khí độc vào phủ. Đối xứng qua hồ, bên phải là nhà bia và lầu Cậu, bên trái là nhà bia và lầu Cô.

Toàn bộ phủ Tiên Hương là một công trình kiến trúc liên hoàn nối mái nhau chia thành 4 cung: Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ. Trong đó ngoài cùng là, cung Đệ Tứ thờ Tứ phủ công đồng, Ban Quan lớn Thủ phủ và Ban Chầu Thủ phủ. Cung Đệ Tứ bao gồm 5 gian, vì kèo theo lối kiến trúc Huế. Các hình trang trí chạm khắc mang đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá, chim muông với ý nghĩa đề cao thánh nhân, cầu no đủ... Tiếp đến là cung Đệ Tam thờ Ngọc Hoàng và Hội đồng các quan. Cung Đệ Tam và cung Đệ Tứ là tòa nhà dài rộng, hai bên sập thờ có bày các đồ bát bửu, hai giá chiêng, trống. Cung Đệ Nhị thờ Tứ vị Chầu Bà và có đặt cùng ba bộ long ngai lớn. Cung còn là nơi đứng để thắp hương. Trong cùng là cung Đệ Nhất là dãy nhà hậu cung (cung cấm) thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Bên trong đặt một khám thờ lớn có kính được khảm trai bề thế, tinh xảo có ba pho tượng đồng gồm: Mẫu đệ nhất Liễu Hạnh mặc áo đỏ ở giữa, bên trái là Mẫu Thượng ngàn mặc áo xanh và bên phải là Mẫu Thoải mặc áo trắng. Ngoài ra, còn có các sắc phong các đời Lê Chính Hòa, Lê Vĩnh Thịnh, Lê Vĩnh Khánh đầu TK XVIII. Hậu cung được ngăn cách với cung Đệ Nhị bằng lớp cửa bức bàn chấn song con tiện, kín đáo. Các cung đều thông nhau, ánh sáng được bố trí có chủ đích nhằm tạo không gian rộng rãi, linh thiêng. Cửa sổ được bố trí nhiều hơn ở hai cung phía ngoài nhằm lấy ánh sáng. Càng đi sâu vào trong, ánh sáng tự nhiên ít hơn nhường chỗ cho ánh sáng nến lung linh tạo cảm giác huyền ảo hòa cùng cõi tâm linh. Những chạm khắc trên xà, bẩy, cốn tinh tế, cầu kỳ với các đề tài về tứ quý. Tứ linh, cầu phúc lộc thọ... Phủ Tiên Hương giữ được khá nhiều đồ thờ tự, tượng pháp có giá trị cao như bộ đèn bằng đồng, bộ đỉnh đồng, hạc đồng, sập đá...

Bên cạnh dãy nhà thờ chính là dãy nhà thờ Ban Trần Triều, Ban Đức Vương Phụ, Vương Mẫu (hay còn gọi là Tổ phụ, Tổ mẫu - trước kia được đặt ở hai bên khám thờ trong hậu cung hiện được chuyển ra vị trí này). Phía sau dãy nhà chính là động sơn Trang, có hồ, có núi. Nơi đây thờ bà Chúa Đệ Nhị Thượng ngàn Hai Chầu và mười hai cô Sơn Trang.

Về tổng thể, quẩn thể phủ Tiên Hương là sự liên kết của nhiều dãy nhà được nối liền với nhau kết hợp với kiến trúc đăng đối có hồ trong và hồ ngoài tạo nên khung cảnh bề thế, trang nghiêm

Phủ Vân Cát nằm cách phủ Tiên Hương khoảng 1km ở phía bắc thôn Vân Cát, xã Kim Thái, được hoàn thành vào năm Thành Thái thứ 12 (năm 1900). Phủ bao gồm 7 tòa với 30 gian lớn nhỏ. Từ ngoài vào là Ngũ môn với các cột trụ đắp hình lân, phượng kiểu lá lật tượng trưng cho sự minh triết. Dưới chân Ngũ Môn là các bi ký, ghi lại sự tích mẫu Liễu Hạnh giáng sinh và công đức tiến cúng dựng phủ ở các thời kỳ. Kế tiếp là hồ bán nguyệt ghép bằng đá. Giữa hồ là nhà phương du có hai cầu đá dẫn vào. Nhà phương du gồm 3 gian gỗ lim, lợp ngói nam, hoành vuông, cột tròn với bốn đao góc, xung quanh có lan can là những tường hoa bằng đá. Các chi tiết trang trí gồm mai điểu, trúc hóa, quy sen, vân ám, hoa thị, hoa cúc hay con vật đường nét mềm mại. Hai phía bắc - nam có cầu đá, dầm cầu được chạm khắc các họa tiết rất đẹp, mặt cầu sử dụng đá xanh. Trên 4 trụ lớn có 4 con nghê chầu bằng đá rất tinh xảo. Phủ Vân Cát cũng có 4 cung như ở phủ Tiên Hương, kiến trúc theo mô hình “nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc”. Cung Đệ Nhất và cung Đệ Nhị đều lợp ngói ba gian, được tôn tạo mở rộng vào đời Tự Đức năm Kỷ Mão (1879). Cung Đệ Nhất là chính cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu - tượng được tạc bằng đồng gồm: Mẫu Thượng Thiên ngự ở giữa, Mẫu Thượng Ngàn bên trái và Mẫu Thoải bên phải. Cung Đệ Nhị thờ Tứ vị Chầu Bà, Tam tòa quan lớn và hai bên thờ ông Hoàng Mười và ông Hoàng Ba. Tiếp đến là cung Đệ Tam là 5 gian gỗ lim với 6 hàng cột, xà được sơn son thếp vàng hình hoa lá và rồng. Không gian được mở rộng, ánh sáng tự nhiên chan hòa được lấy qua hàng chấn song con tiện nối giữa hai tầng lớp mái. Ngoài ra, còn có các mảng chạm khắc rất công phu, khỏe khoắn với hình rồng, phượng, trúc, mai mang ý nghĩa ước vọng của con người về cuộc sống. Tại đây thờ Công đồng Tứ phủ và bà Chúa bản Đền. Cung Đệ Tứ hay còn gọi là tòa bái đường thờ Quan Giám sát. Đặc biệt, đồ thờ rất phong phú: tượng, ngai, kiệu, hoành phi, câu đối có niên đại từ TK XVII trở lại đây.

Phủ Vân Cát nằm giữa đền Vân Cát và  chùa Long Vân tạo thành một quần thể thờ   phật - mẫu - thần có quy mô lớn và đặc sắc.

Cùng với hai phủ chính, quần thể di tích Phủ Dày còn có ngôi mộ cổ tương truyền là mộ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Lăng nằm giữa cánh đồng thuộc địa phận xã Tiên Hương (nay là thôn Tiên Hương), xung quanh cây cối xanh tươi cả năm. Thời Minh Mạng (1820-1840) quan huyện Vụ Bản cho xây gạch quanh mộ và bệ nhỏ để đặt lễ. Năm 1938, vua Bảo Đại đã cho hội xuân Kinh triều đình Huế tiến hành hưng công xây dựng khu lăng Mẫu hoàn toàn bằng đá xanh và 60 búp sen hồng. Mộ hình bát giác được đặt ngay chính trung tâm, hướng mặt về phủ Tiên Hương với bố cục hợp lý, đường nét chạm khắc tinh xảo hình hoa tựa như núm vú tượng trưng cho bầu sữa mẹ mang ý nghĩa sinh sôi. Từ ngoài vào bước theo bậc tam cấp lên đến mộ có 5 lớp tường thấp, mỗi lớp tường đều có cửa, cửa được bổ trụ với ba mặt đều khắc câu đối nội dung tán dương công đức của Mẫu, phía trên các trụ đều đặt các nụ sen. Tổng cộng quanh lăng có 60 búp sen nhấp nhô, màu đá thay đổi theo ánh sáng mặt trời - vào khoảng trưa búp sen sẽ chuyển sang màu hồng nhạt nhìn tựa như một hồ sen hồng đang nở. Tại bốn cửa ở bậc cuối cùng đều có một bức bình phong. Bao quanh lăng mộ có nhiều cây bóng mát và bốn trụ đồng cao to ở bốn góc tạo nên vẻ trang nghiêm. Lăng mẫu là một công trình kiến trúc mang giá trị cao về kỹ, mỹ thuật trong quần thể di tích Phủ Dày.

Như vậy, có thể thấy quần thể di tích Phủ Dày đã có sự sắp xếp tương đối hoàn chỉnh. Trong hệ thống thờ tự có tính toán đặt thứ tự từng cung nhưng cũng có hơi khác một chút về hình thức ở một số nơi: có Tam tòa Thánh Mẫu, Ngọc hoàng Thượng đế, Tứ vị Chầu bà, hàng cô, hàng cậu, những người có công, cha mẹ của Mẫu... Các chi tiết trang trí trong nội thất điện thờ như cửa võng, xà, cột được sơn son thếp vàng rất lộng lẫy. Các họa tiết chạm khắc đều tinh xảo. Cách bày biện, trang trí cũng tuân thủ lối cổ truyền theo quy tắc nhất định: điện thờ nào cũng có ông Lốt, các tranh, tượng, đồ thờ... mang màu sắc dân gian biểu thị về ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ tuân thủ theo luật phong thủy, âm dương ngũ hành của triết lý phương Đông. Các di tích tín ngưỡng thờ Mẫu ngoài yếu tố tâm linh còn là những di tích lịch sử văn hóa chứa đựng nhiều nghệ thuật dân gian đặc sắc về tạo hình, âm nhạc, múa hát, trang phục, màu sắc… “trong cái môi trường đầy chất tự nhiên có phần hoang sơ, huyền bí ấy, lại là một thế giới thần linh đầy chất thế tục, con người với những tượng, tranh, đồ lễ, trang trí đẹp đẽ, rực rỡ, không một chút đe dọa, mà đầy gợi cảm. Người ta bước đến đây để mà cầu xin tài lộc, sức khỏe của đời sống hiện tại. Phải chăng đó là sự đối lập, tương phản nên một nét riêng của kiến trúc đền, phủ thờ Mẫu…” (4). Những giá trị đó mang lại sự hấp dẫn, đáng trân trọng cho công trình.


____________

1. Đoàn Mỹ Hương, Trí tuệ tạo hình người Việt từ hình tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.28.

2, 3. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.151.

4. Ngô Đức Thịnh, Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010, tr.248.

Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 398, tháng 8 - 2017

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

171/KH-UBND

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20/11/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045

Lượt xem:193 | lượt tải:69

755/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, truyền thông quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Phước năm 2024, 2025 và tầm nhìn đến năm 2030

Lượt xem:185 | lượt tải:51

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:415 | lượt tải:60

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:712 | lượt tải:67

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:1316 | lượt tải:362
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ