VÀI SUY NGHĨ VỀ HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC VỚI SỰ NGHIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT Ở BÌNH PHƯỚC (*)

Thứ sáu - 08/12/2017 08:50
…Âm nhạc là một trong những bộ môn nghệ thuật ra đời sớm nhất, là nghệ thuật của âm thanh, là ngôn ngữ đặc biệt có thể dùng chung cho cả thế giới loài người.

Bởi thế, bất kỳ ai trên trái đất, khi nghe một bản nhạc đều có thể cảm nhận được sự vui buồn hay là những tâm tư tình cảm của con người muốn gửi vào trong đó. Điều kỳ diệu nhất là Âm nhạc có thể làm cho con người xích lại gần nhau, yêu mến nhau, đoàn kết gắn bó vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng phấn đấu để đạt được mục đích chung. Mỗi khi hát bài "Kết đoàn" chúng ta cảm nhận thấy rất rõ điều đó. Đó chính là sức mạnh của Âm nhạc. 
   Nói như vậy không phải là lý thuyết chung chung mà nó rất thực tế. Thực tế ở Bình Phước chúng ta trong những năm qua, hoạt động Âm nhạc đã diễn ra như thế nào, cái gì đã làm được, cái gì cần phải tiếp tục làm. Tôi muốn chia sẻ rất nhiều suy nghĩ, những điều tâm huyết. Nhưng trong khuôn khổ vài trang giấy, tôi xin tập trung vào một số nội dung chính sau đây.

     Nói gần nói xa, chi bằng ta nói thẳng, nói thật. Từ một CLB trước đây, nơi nhen nhóm, tập trung những người có cùng sở thích âm nhạc tiến tới một chi hội Âm nhạc vững mạnh, trong đó có nhiều hội viên trung ương là cả một chặng đường dài. Đó chính là công sức phấn đấu của tất cả anh chị em hội viên chúng ta. Ngoài đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các cấp, là sự đoàn kết, thống nhất cao cả về ý chí và hành động của một tập thể. Và chính Âm nhạc đã là yếu tố quan trọng nhất trên những chặng đường phấn đấu, những thành công của chúng ta. Nhờ sự đam mê, sáng tạo của văn nghệ sĩ mới cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm ấy viết về quê hương đất nước, về con người Việt Nam nói chung, Bình Phước nói riêng. Tôi tin rằng trong số những tác phẩm ấy sẽ có những tác phẩm mang sức sống dài lâu và đi cùng năm tháng.

     Những tác phẩm ấy không phải tự nhiên mà có. Không phải cứ đam mê là có sáng tạo, cứ sáng tạo là có tác phẩm hay, bởi vì vẫn chưa đủ. Đam mê sáng tạo rồi, ta cần có một trình độ chuyên môn nhất định. Trong những năm qua, chúng ta đã tổ chức được một số lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quan trọng hơn thế là sự gắn bó đoàn kết tương trợ nhau, giúp nhau cùng tiến bộ giữa các hội viên. Tôi không ngờ sao lại có ai đó nói rằng: Có trình độ mới được kết nạp vào hội, cần gì phải tổ chức lớp tập huấn. Anh giỏi thì cứ viết, cần gì phải hỏi tôi... Vậy xin hỏi: Thế thì cái đức đoàn kết tương trợ nhau anh để đâu mất rồi! Chúng ta vào Hội để có một sân chơi đẳng cấp, để được học hỏi mở mang kiến thức, ta thường nói "học thầy không tày học bạn".

     Xin được nói ra một sự thật, cũng là một minh chứng. trong làng nhạc chúng ta, có một số hội viên do hoàn cảnh, tuổi tác nên vấn đề trường lớp bài bản có phần hạn chế. Tôi coi đó là sự thiệt thòi. Nhưng từ cái tâm, họ đã đạt tới một cái tầm. Họ viết ra tác phẩm với cảm xúc và sự rung động thật sự. Được đồng nghiệp tham gia góp ý, những tác phẩm đó đã đạt được giải cao, giải đặc biệt trong Tỉnh, trong khu vực và trên phạm vi toàn quốc.

     Chỉ có hòa mình vào cuộc sống lao động mới sáng tạo được những tác phẩm như vậy. Nhưng đứng ở góc độ khác, chúng ta lại thấy buồn (tôi nói đúng thực tế tâm trạng của văn nghệ sĩ). Những tác phẩm và tác giả ấy có được sự quan tâm của Hội ta? Trong suốt những năm qua, hầu như chế độ hỗ trợ tác phẩm Âm nhạc là không được thực hiện (mặc dù đã có văn bản hướng dẫn rất cụ thể của trên).

     Có một điều, nếu thông cảm thì không nói, nhưng nếu không nói thì cứ mãi  như vậy sao? Trong các cuộc thi Âm nhạc nói riêng, VHNT nói chung ở hội ta,người được giải cao chủ yếu là được động viên về tinh thần, vì mức thưởng không thể nói khác được là "quá thấp". Trong khi đó có nhiều Tỉnh bạn họ thưởng tới gấp 10 lần ta. Điều muốn nói ở đây là chúng ta không quá nặng về giải thưởng, nhưng nếu có một cơ chế hợp lý hơn thì chắc chắn sẽ có một phong trào sáng tác mạnh hơn và kết quả thu hoạch sẽ tốt hơn. Chúng ta sáng tác không chỉ để tham gia các cuộc thi lấy giải mà phục vụ nhân dân là chính. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, giai điệu và lời ca đã đến với đông đảo quần chúng. Hằng năm, chi hội Âm nhạc đã tổ chức được một đến hai lần giao lưu Âm nhạc - báo cáo tác phẩm mới trong điều kiện hết sức khó khăn, eo hẹp về kinh phí hỗ trợ của trên (đôi khi không có).

     Trong hội ta có một số quan điểm lệch lạc về âm nhạc, tôi không tiện nói ra ở đây (đã và sẽ rút kinh nghiệm trong các cuộc họp nội bộ). Những quan điểm đó ít nhiều đã làm giảm sự say mê sáng tạo của đội ngũ Văn nghệ sĩ. Điều tôi muốn nói ở đây: trong thời gian tới, và ngay tại Đại hội này chúng ta cần "chọn mặt gửi vàng", đưa những người có đủ đức tài, có tâm, có tầm vào hàng ngũ lãnh đạo hội. Tránh lợi ích nhóm, đừng vì một chút lợi nhỏ của cá nhân mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi lớn của cả một tập thể. Văn học là nhân học, VHNT nói chung, Âm nhạc nói riêng phải đạt được ba yếu tố " chân, thiện, mỹ" - chân là cái gốc, thiện là cái tốt, mỹ là cái đẹp". Điều tôi muốn nói ở đây: "những người làm công tác VHNT cũng phải là những người "chân, thiện, mỹ".      Có như vậy, đội ngũ chúng ta mới được trong sạch, mới hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân như lời Bác Hồ dạy.

Đang nói về câu chuyện Âm nhạc và VHNT, cho phép tôi nói sang vấn đề tổ chức một chút vì đây là điều cực kỳ quan trọng. Công tác tổ chức là vấn đề  then chốt để quyết định sự tồn tại và phát triển.

     Con người là tế bào của xã hội, văn nghệ sĩ là tế bào của Hội ta, hội viên có mạnh thì chi hội mới mạnh, các chi hội có mạnh thì Hội ta mới mạnh. Do đó việc chăm sóc, giáo dục bồi dưỡng cho hội viên là rất cần thiết và phải được quan tâm đúng mức.

     Trở lại vấn đề Âm nhạc. Hoạt động âm nhạc cần phát huy những gì đã làm được, khắc phục những điểm còn tồn tại, đồng sức đồng lòng hướng tới tương lai. Hãy để cho âm nhạc ngân lên, vang xa với những bài ca lao động sáng tạo, bài ca kết đoàn, đưa hội ta sang trang sử mới, phấn đầu xây dựng hội VHNT Bình Phước vươn lên ngang tầm với các Tỉnh bạn; là đơn vị thực sự được các cấp lãnh đạo tin tưởng, quần chúng yêu mến, thực sự góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của chúng ta.
QUANG VƯỢNG

1716-CV/TU

Công văn về việc chỉ đạo thực hiện việc sử dụng cờ Đảng, cờ Tổ quốc, biểu tượng Búa – Liềm, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam và thực hiện hát Quốc ca trong nghi lễ chào cờ

Lượt xem:30 | lượt tải:8

236/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa IV, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:260 | lượt tải:37

26/HNV

Công văn 26/HNV của Hội Nhà văn

Lượt xem:954 | lượt tải:335

30-CT/TU

Chỉ thị 30-CT/TU của Tỉnh ủy

Lượt xem:1119 | lượt tải:350

2889/QĐ-UBND

Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước khóa III, nhiệm kỳ 2017-2022

Lượt xem:1183 | lượt tải:574
mailc
bdaontm
vgpenguinssv 1D7A6F5BECGHZ