Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước

https://vannghebinhphuoc.org.vn


Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt: "CHỊ BẢY TUYẾT - NGHỈ HƯU NHƯNG CHƯA NGHỈ LÀM"

Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt: "CHỊ BẢY TUYẾT - NGHỈ HƯU NHƯNG CHƯA NGHỈ LÀM"
Qua Báo Bình Phước, Bình Phước Online chị Bảy Tuyết biết tin về em Nhật Trường, học sinh lớp 10 gặp tai nạn giao thông khi chở mẹ đi khám bệnh, mẹ em mất còn em bị thương co rút không thể đi lại được.

Việc chạy chữa cho em làm gia đình khánh kiệt, chị Bảy Tuyết kêu gọi và tổ chức Chương trình Khát Vọng Sống, đưa các nhà hảo tâm từ thiện về tận nhà em Trường trao tiền, quà và động viên em vượt qua nỗi đau… Chị vui mừng thông báo trên trang Facebook cá nhân là đã quyên góp và trao cho em Trường 364.600.000 đồng, trước mắt tập trung cho việc cứu chữa. Sau đó là lo cho cháu học hành và sửa sang lại căn nhà dột nát.   
 Chị Bảy Tuyết là ai? Xin thưa hầu hết người dân Bình Phước, nhất là người nghèo, người tàn tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không ai không biết về chị. Phần đông mọi người đều biết chị trên cương vị Chủ tịch HỘI BẢO TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT - TRẺ MỒ CÔI VÀ BỆNH NHÂN NGHÈO TỈNH BÌNH PHƯỚC.

     Chị là Dương Thị Tuyết, sinh năm 1950. Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy Ban Dân số Gia Đình và trẻ em tỉnh Bình Phước. Trong quá trình công tác, phụ trách lĩnh vực gia đình và trẻ em, chị thấu hiểu nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần nhà nước, chính quyền và cộng đồng trợ giúp. Cần xã hội hóa trong công tác đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp người thiệt thòi, trẻ em kém may mắn…thế là chị cùng các đồng chí lãnh đạo ở tỉnh đã nghỉ hưu, đồng đội, các cựu chiến binh đã một thời chiến đấu bên nhau thành lập Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân nghèo. Đến năm 2007 chị nghỉ hưu và toàn tâm toàn ý lo cho Hội. Thế đấy, dù được nghỉ hưu nhưng chị chưa được nghỉ ngày nào, dù đó là thứ bảy hay chủ nhật. Đặc thù của công tác từ thiện là có việc thì đi, có người cần là giúp và thường xuyên tổ chức vào các ngày nghỉ, lễ để tiện cho các mạnh thường quân, các nhà từ thiện, các tình nguyện viên có điều kiện tham gia để họ tận mắt chứng kiến, tận tay trao những phần quà đến những mảnh đời gặp hoạn nạn.

     Tổng kết hoạt động năm 2016, Hội đã huy động gần 15 tỷ đồng làm quỹ hội. Phối hợp thực hiện Chương trình “Ẩm thực chay”, giúp xây được 7 căn nhà tình thương trị giá 280 triệu đồng; tặng 6.082 phần quà vào dịp lễ, Tết cho người khuyết tật, người nghèo, trị giá 1,8 tỷđồng; tặng 300 phần quà Trung Thu cho trẻ em nghèo trị giá 150 triệu đồng.

     Hội của chị có 5 người xoay quanh với 8 chương trình trọng tâm đó là : Chương trình Phẫu thuật thay thủy tinh thể, Hỗ trợ chữa bệnh hiểm nghèo, Khám bệnh cấp thuốc miễn phí, Mở cơ sở khám bệnh từ thiện, Hỗ trợ bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, Chương trình hỗ trợ phương kế làm ăn và Chương trình chia sẻ nỗi đau. Với trọng trách của người chủ tịch Hội chị xông xáo, đi đầu trong mọi công việc, chị làm việc như đang đua với thời gian vì sợ mình không đủ sức. Gần 70 tuổi, về hưu ngót nghét 10 năm nhưng chị chưa cho phép mình được nghỉ một ngày nào, đó đây trong xã hội còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh, còn cần đến chị. Trên trang Facebook cá nhân của mình, chị tự nhận mình là “Cái bang”. Vâng, theo tôi đó là một “ Cái bang có tấm lòng bồ tát”

     Không chỉ làm công tác thiện nguyện ở Tỉnh, Hội của chị cũng phối hợp với các Ban ngành, đoàn thể đi tặng quà giúp đỡ đồng bào bị thiên tai ở miền Trung. “Từ thiện không ranh giới” đã giúp người dân mọi miền xích gần lại nhau với phương châm “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”

     Tâm sự với chúng tôi, chị kể được kết nạp vào Đảng khi chưa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người với bầu nhiệt huyết đánh đuổi cho hết bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi.

    Năm 1971 Chị công tác tại Văn phòng Khu Ủy (Tỉnh Ủy Bình Phước), năm 1973 được biệt phái về khu vực Đồng Xoài nằm vùng, tiếp quản Đồng Xoài, làm công tác dân vận, xây dựng phong trào vùng giải phóng, chuẩn bị cho giải phóng miền Nam. Sau đó chị còn đảm trách Bí thư Huyện đoàn Đồng Phú, Phụ Nữ Đồng Phú, Giám đốc Công ty Lương thực, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em tỉnh… dù ở cương vị nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị bảo phần thưởng lớn nhất cuộc đời chị là Huy chương Lao Động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng và là một trong 20 Công dân Tiêu Biểu của tỉnh Bình Phước năm 2017. Nhưng theo tôi, phần thưởng lớn nhất mà chị có được là sư tin yêu, quý trọng mà các cựu chiến binh, người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi dành cho chị. Người dân dành cho chị bao tình cảm trìu mến, gần gũi, họ gọi chị là: “Bà ngoại Bảy”, “Má Bảy”, “Cô Bảy”, “Chị Bảy”, “Dì Bảy” như người thân ruột thịt…

     Trong quá trình đi đó đi đây giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật… chị Bảy Tuyết gặp lại một số đồng đội cũ. Đó là những thôn nữ 15,16 tuổi đã vô rừng theo cách mạng làm thợ may, thồ hàng, Y tá, trực tiếp cầm súng chiến đấu giống như chị. Mỗi lần biết được đồng đội có cuộc sống khấm khá chị Bảy Tuyết thấy hạnh phúc ngập tràn, nhưng không ít những đồng đội sau hòa bình trở về cuộc sống đời thường không được may mắn, bệnh tật do hậu quả chiến tranh; kinh tế khó khăn; nhà cửa tạm bợ… khiến chị đau lòng, trăn trở và tìm cách giúp đỡ.

     Biết lực lượng nữ Cựu Chiến Binh (nữ CCB), chiếm một tỷ lệ khá cao (16%), lãnh đạo Hội CCB tỉnh chủ trương thành lập Ban Liên Lạc (BLL) Nữ CCB, nhằm tập họp tổ chức lực lương nữ CCB, tổ chức chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho chi em nữ CCB; động viên chị em tích cực tham gia hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Hội CCB. Ban Liên lạc Nữ CCB Bình Phước ra đời trong hoàn cảnh đó và chị được bầu làm trưởng BLL.

     Sau môt thời gian hoạt động, được sự hỗ trợ của Hội CCB các cấp BLL nữ CCB huyện, thị và xã, phường từng bước được hình thành. BLL Nữ CCB các cấp đã tập họp được 2811 chị nữ CCB; BLL đã tổ chức nhiều hoạt động như: Vận động chị em xây dựng Quỹ Tương trợ, Quỹ giúp nhau phát triển kinh tế…trên 2 tỷ đồng; vận động xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho 25 chị; tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ cho chị em nữ CCB; Tổ chức họp mặt “Nữ CCB tiêu biểu”; Tổ chức họp mặt, giao lưu nhân 8/3 Ngày Quốc Tế PN, 20/10 Ngày thành lập HLHPN Việt Nam. Đặc biệt năm 2015, chị đã tổ chức cho hai lực lượng Nữ Pháo binh và Đội thồ họp mặt lần đầu tiên sau 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng… Trên cương vị Trưởng BLL, chị Bảy Tuyết còn giúp làm chế độ cho các đồng đội bị thất lạc hồ sơ. Tuy số tiền trợ cấp theo chế độ 290, 142…không nhiều nhưng bên cạnh đó các chính sách khác cho người có công như chế độ Bảo hiểm Y tế trọn đời. Còn trường hợp chị Hồng “hắc ín” (xã Thanh Bình, huyện Bù Đốp) là đồng đội cùng đội xe thồ ngày nào ở chiến trường Bình Long, cuộc sống khó khăn, bệnh tật, nhà cửa tạm bợ…sau khi kết nối đã được BLL xác minh, làm hồ sơ để chị Hồng được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. BLL hiện đã vận động nhà hảo tâm và phối hơp với Hội CCB huyện xây lại cho chị căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”. Vẫn còn bao đồng đội cũ, những người nữ chiến binh đã sát cánh bên nhau không quản hy sinh gian khổ trong đấu tranh giải phóng dân tộc cần liên lạc, kết nối sẻ chia khiến chị luôn đau đáu, chị sợ các đồng đội không chờ được. Ngồi bấm đốt ngón tay, các chị tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu thế là thôi thúc chị Bảy Tuyết lại lên đường.

     Những căn nhà Nghĩa tình đồng đội, xóa hộ nghèo là mục tiêu để chị Bảy Tuyết và Hội CCB tỉnh, BLL Nữ CCB Bình Phước quyết tâm thực hiện. Phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội CCB tỉnh Bình Phước đã góp phần quan trọng vào phong trào thi đua yêu nước của Đảng bộ và nhân dân tỉnh trong thời gian qua.

     Trước mặt tôi, chị Bảy Tuyết vẫn luôn năng động trẻ trung, chị nhanh nhạy trong cập nhật công nghệ thông tin. Thấy trường hợp nào cần kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ chị đăng ngay lên trang Facebook cá nhân, có ảnh và địa chỉ rõ ràng, chị biết sử dụng email và máy tính thành thạo. Nghe thông tin ở đâu có người cần giúp đỡ, chị lại âm thầm đi thẩm tra, xác minh… khi biết rõ đối tượng cần trợ giúp chị mới dám công khai kêu gọi mọi nguồn lực từ cộng đồng. Nhìn khối lượng và hiệu quả công việc chị đã và đang làm khiến mọi người ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ bởi cái tâm của chị, thương người như thể thương thân, biết đau với nỗi đau của đồng bào. Lẽ ra ở cái tuổi thất thập cổ lai hy chị nghỉ ngơi an nhàn bên con cháu thì chị lại ngược xuôi làm “cái bang”, đi xin của người giàu cho người nghèo.

     Những việc chị và các cộng sự đã và đang làm mang lại cuộc sống, niềm vui, niềm hạnh phúc và có thể là giành giật lại sự sống cho những bệnh nhân nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, làm ấm lòng bao đồng đội. Chị nói làm công tác từ thiện tuy vất vả nhưng mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ. Chị vui với niềm vui của mọi người, hạnh phúc cùng hạnh phúc của đồng bào, và chị Bảy Tuyết thật xứng đáng với danh hiệu người lính cụ Hồ trong thời chiến, nữ cựu binh có tấm lòng nhân hậu trong thời bình, một công dân tiêu biểu của tỉnh Bình Phước. Bản chất người lính cụ Hồ, người Đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, Người cán bộ, người phụ nữ Việt nam anh hùng, bất khuất trong chiến đấu, nhân hậu, đảm đang, năng động trong thời kỳ đổi mới. Tất cả làm nổi bật nhân cách, con người chị, chị là tấm gương sáng cho bao thế hệ, con cháu học tập và làm theo.

NGỌC DIỆP

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây