Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước

https://vannghebinhphuoc.org.vn


“ĐI TÌM MỘT VÌ SAO” - SỰ LẤP LÁNH CỦA LÒNG QUẢ CẢM

Tôi thật vinh dự khi nhận được quà tặng là cuốn sách: “Đi tìm một vì sao” của tác giả Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trước đó, thầy của tôi là Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Quang đã giới thiệu đây là một cuốn sách hay, rất nên tìm đọc. Quả thật, ngay lời đề từ của cuốn sách, khi tác giả kể lại trò chơi đồng dao Đếm sao thuở nhỏ với lời tự vấn: “Vì sao nào là chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm ấy?”. Rồi tác giả tự trả lời: “Tôi không biết vì sao nào của mình, nhưng tất cả những vì sao trên trời, cho dù nhỏ bé li ti, cũng đều tỏa ánh sáng lấp lánh. Giống như sự muôn vẻ của con người sống trên thế gian, ai cũng góp một phần làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường của cuộc sống!”. Và tôi đã bị cuốn hút ngay bởi cách nhìn cuộc đời của tác giả từ những trang viết đầu tiên ấy!

Bìa cuốn sách “Đi tìm một vì sao”, tác giả ghi chú là “Tự kể chuyện mình”. Thế nhưng qua chuyện đời của tác giả, kéo dài 648 trang sách, mỗi thời kỳ của đất nước lại hiển hiện một cách sống động. Ai từng sống trong quãng thời gian đó đều nhìn thấy bóng dáng mình, gia đình, quê hương mình qua mỗi trang viết. Khi một cán bộ cấp cao của Đảng viết tự truyện, người ta thường nghĩ đến cách viết nặng tính chính trị. Nhưng không! “Đi tìm một vì sao” lại đẫm chất văn chương. Xuyên suốt cuốn sách là tình yêu sâu lắng đối với quê hương, gia đình, yêu thương đồng đội. Và trên hết là tình yêu đất nước. Tình cảm ấy được thể hiện qua những tình huống, hoàn cảnh có thật mà tác giả đã trải qua nên chân thực và dễ truyền thấm. Và chính mạch nguồn cảm xúc cùng với hiện thực sống động đã tạo nên sự lấp lánh qua từng trang viết. 

Thép đã “tôi” trên đất lửa Miền Đông

Tháng 9-1970, vừa hết năm thứ ba Đại học Tổng hợp Hà Nội, chàng sinh viên Phạm Quang Nghị cùng hơn sáu chục sinh viên khoa Văn, Sử tình nguyện đi chiến trường B. Sau hơn nửa năm bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo, viết văn và huấn luyện quân sự, những chàng trai phơi phới tuổi thanh xuân háo hức ra trận. Ngày ấy, tất cả cho tiền tuyến không còn là khẩu hiệu mà là tư tưởng, tình cảm của mọi người dân miền Bắc hướng về miền Nam. Gia đình nào có nhiều người đi bộ đội đều rất hãnh diện. Những người trai tráng, sức khỏe bình thường mà không được tuyển quân thì đích thị là “có vấn đề”. Đúng như tác giả Phạm Quang Nghị đã viết: “Tuổi trẻ thời chiến, đường ra trận chính là điểm hẹn, là nơi gặp gỡ. Ước mơ hay hiện thực cũng là đây. Cả một thế hệ đi chung một con đường. Đều ôm súng, khoác ba lô ra trận”. (trang 95).
img01
Toàn bộ chương II của cuốn sách với độ dài 248 trang, tác giả viết về những ngày tháng chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng và nghiên cứu tác động văn hóa, tuyên truyền của ta, của địch trong đời sống nhân dân. Về lý thuyết là như thế, nhưng Phạm Quang Nghị cùng đồng đội đã đối mặt với bao hiểm nguy, chết chóc. Vừa rời ghế giảng đường đại học chưa lâu đã hứng chịu cảnh bom dội mù trời. Trong hoàn cảnh ấy, thực sự là “Thép đã tôi trong lửa đỏ” đối với Phạm Quang Nghị cùng đồng đội của ông - những người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, từng lăn lóc nơi chiến địa miền Đông ác liệt bằng đôi chân đi bộ và luôn đối mặt với bom đạn, thiếu ăn, đèo cao, vực sâu, sốt rét. Giữa mưa bom bão đạn, giữa làn ranh sống – chết không có chỗ cho những hão huyền, lý tưởng hóa cuộc chiến một cách duy lý mà thực sự bằng lòng quả cảm. Và những người lính chiến đã ra trận không chỉ bước bằng chân. Họ “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Để rồi khi “chiến tranh kết thúc từ lâu, nhiều đêm vẫn ngủ mơ về chiến trường và giấc mơ nào cũng gắn liền với gian khổ, hy sinh, ác liệt đến kinh người”. (trang 154).

Tháng 6-1972, do không thể tái chiếm Lộc Ninh bằng bộ binh nên địch trút bom bằng tất cả khả năng có thể, vào bất cứ nơi nào. Vừa chân ướt chân ráo tới “Thủ đô kháng chiến”, ông cùng đồng đội đã chịu trận bom vô cùng khủng khiếp Mỹ trút xuống chợ Lộc Ninh. Nhà cháy, người chết, người bị thương la liệt trên đường. Mùi thịt người bị thiêu lẫn mùi xăng tỏa ra khét lợm, nồng nặc… Xong việc cứu thương và chôn cất người chết, Phạm Quang Nghị đã viết những dòng nhật ký day dứt: “Mỹ ném bom vào giữa thị trấn Lộc Ninh, tàn sát gần 100 người dân vô tội… Hôm nay, chân lại đạp lên những đổ vỡ, nát tan. Mắt ta lại nhìn thấy máu loang đỏ, hòa vào nước mưa. Nháo nhác, hoảng loạn. Mưa rơi trên mặt đất. Máu loang mặt đất. Những giọt nước mắt xót xa rơi trên mặt đất. Không biết thứ nào sẽ thấm sâu, ngấm đượm, lâu bền”.

Những năm tháng bám trụ ở Bù Đốp, Lộc Ninh hay thời kỳ hoạt động ở vùng ven đã để lại trong lòng Phạm Quang Nghị một tình cảm sâu nặng. Những chị Tư, thím Bảy, thím Ba từng nuôi dưỡng, che giấu ông và đồng đội vẫn luôn trong trí nhớ. Trong bài thơ “Lộc Ninh ta đó”, ông đã viết: 

Lộc Ninh ơi

Ta ao ước một lần trở lại

Thăm phố nhỏ trên sườn đồi thoai thoải

Nắng tinh khôi thắm đỏ những bàn chân

Thăm đường quen và ôn lại chiến công

Ngắm đất trời sáng trưng lộng lẫy

Con phố nhỏ đang đầu mùa mưa dậy

Tình miền Đông, đất đỏ níu chân người

Trên đường về mỗi bước mỗi niềm vui… (trang 201).

Và đúng như mong ước, tháng 4-2019, ông đã trở lại Lộc Ninh, Bù Đốp trong chuyến thăm lại chiến trường xưa. Ông đã bùi ngùi thắp hương tưởng niệm những nạn nhân của Pol Pot, Ieng Sary tại Nhà bia tưởng niệm ở xã Phước Thiện, Bù Đốp - nơi 45 năm trước, trong vai một phóng viên chiến trường, ông đã đến đây và thực hiện phóng sự về tội ác diệt chủng.

Những điều cần nói thì phải nói

Kết thúc chiến tranh, Phạm Quang Nghị trải qua nhiều cương vị và trước khi nghỉ hưu là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Với một cán bộ lãnh đạo cấp cao, việc viết tự truyện và dám nói ra cả những điều “đáng tiếc” của chính bản thân, của tổ chức trong thời gian tại vị là điều ít thấy. Tôi đã đọc vài cuốn hồi ký của các vị lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương, phần nhiều là do các vị kể lại thành tích và có nhà văn, nhà báo chắp bút. Nhưng “Đi tìm một vì sao” là trải nghiệm, là ký ức, là sự ủy thác của những người đã nằm xuống; là sự thôi thúc từ hiện thực cuộc sống mà tác giả từng trải qua nên Phạm Quang Nghị đã viết bằng cả gan ruột của mình.

Khi ông được Trung ương phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã xuất hiện tình trạng chống đối ngấm ngầm của những người không ủng hộ. Thậm chí phòng ở của ông bị đột nhập, bị cạy khóa cặp số để xem trước dự định nhân sự… Nhưng Phạm Quang Nghị luôn có niềm tin “ở đâu cũng có người tốt”. Và ông đã cùng tập thể Ban Thường vụ lãnh đạo Đảng bộ Hà Nam vượt qua sóng gió. Mười năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội là quãng thời gian ông phải vượt qua vô vàn khó khăn. Bao nhiêu việc lớn bày ra trước mắt, như mở rộng quy mô địa giới hành chính thành phố Hà Nội; rồi sự kiện lịch sử trọng đại kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Ông đã kiên quyết không làm 5 cổng chào, cũng không xây Khải hoàn môn như các nước Pháp, Đức, Nga... dù đã có rất nhiều tư vấn, thậm chí là “chỉ đạo từ xa”. Điều đó đã đụng chạm biết bao người. Đã có những lúc ông buộc lòng phải lơ đi những “cái đúng” nhỏ để có được cái lớn. Đi kèm với những quyết định khó khăn ấy là những oán giận, trách hờn. Phạm Quang Nghị đã mạnh dạn viết ra thế này: “Cái sự ghen ghét, đố kỵ dường như có sẵn trong trí não con người. Người ta chỉ có thể vượt qua nó bằng làn ranh đạo đức” (trang 449). Hay “Chính trị là nghệ thuật của sự lựa chọn cái có thể. Trong muôn nghìn thứ ước muốn, khát khao của con người, thì cái ước ao làm chính trị, làm chính khách, làm lãnh đạo có quyền lực là niềm ước muốn, khát khao vô cùng mãnh liệt” (trang 620).

Đọc “Đi tìm một vì sao”, nhiều đoạn tôi phải ngỡ ngàng về sự tiệm cận cuộc sống trong sách của một vị chính khách. Tôi cũng hiểu rằng, Phạm Quang Nghị đã phải lựa chọn, cân đong, viết những gì cuộc sống đặt ra, nhưng ít gây đau đớn nhất. Chiến tranh. Tình yêu. Bão giông. Chia ly và hoài niệm. Sự hồn nhiên. Niềm vui. Nỗi buồn. Tinh thần lạc quan và cả thất vọng… ông đều đã trải. Có lẽ vì thế mà những chiêm nghiệm sâu sắc của ông trong đời sống, khi vào trang sách, tự nó lấp lánh.

Linh Tâm

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/54/143298/di-tim-mot-vi-sao-su-lap-lanh-cua-long-qua-cam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây