Buổi đầu tái lập tỉnh, Bình Phước có xuất phát điểm thấp trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhưng với quyết tâm và nô lực chính trị cao nhất, bằng những quyết sách mang tính đột phá trong đường lối lãnh đạo phát triển, sau 1/4 thế kỷ, kinh tế tỉnh Bình Phước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, gặt hái được nhiều trái ngọt”.
Công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) sản xuất trong đại dịch COVID-19. Ảnh: vnanet.vn
Những ngày đầu gian khó
Ngày 6-11-1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã thông qua quyết định điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó, tỉnh Bình Phước được tách ra từ tỉnh Sông Bé. Thời điểm mới tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh hết sức khó khăn. Kinh tế chủ yếu là lĩnh vực nông - lâm nghiệp (chiếm hơn 70%), Công nghiệp xây dựng chiếm 6,9%, dịch vụ chiếm 22,5%. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém, nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng... Thu ngân sách toàn tỉnh đạt hơn 172 tỷ đồng. Đời Sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người thấp nhất cả nước, chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, chỉ có 53/64 xã đạt chuẩn quốc gia về xóa nạn mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20% dân số. Tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia, tình hình diễn biến khá phức tạp... Đó là những trở lực, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế nói riêng, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Gần 25 năm sau ngày tái lập, tỉnh Bình Phước đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện. Năm 2020, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm 21%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 40,5%, dịch vụ chiếm 37,6%. Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển vượt bậc, nhất là đường giao thông, thông tin liên lạc và lưới điện quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 tuyến đường, với chiều dài hơn 8.000km, trong đó, quốc lộ 13, 14, tuyến đường tỉnh được nâng cấp, nhựa hóa. Hộ sử dụng điện đạt 99%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,51%, thuộc nhóm cao của cả nước. Thu ngân sách đạt 11.608 tỷ đồng, tăng hơn 62 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đấu thầu qua mạng đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 67,3 triệu đồng, gấp gần 26 lần so với năm đầu tái lập. Đặc biệt, năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, nhưng Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bình Phước luôn đoàn kết, đồng sức, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt đã kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì đà tăng trưởng, vinh dự là 1 trong 10 tỉnh được Trung ương đánh giá cao về phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 ước đạt 5,35% - mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành phố phía Nam. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 12.810 tỷ đồng, đạt 99% so với nghị quyết điều chỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 10% so với năm 2020. Chi ngân sách 15.410 tỷ đồng, đạt 98%. Hoạt động xuất, nhập khẩu được duy trì ổn định, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 3,5 tỷ USD, tăng 17,8% SO với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 2,19 tỷ USD, tăng 32,73% so với năm 2020.
Bám sát định hướng phát triển Công nghiệp, hiện 8 khu Công nghiệp trong tỉnh đã được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.194ha. Tỉnh đã và đang thực hiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng các khu công nghiệp: Minh Hưng III (577ha), Bắc Đồng Phú (317ha), Nam Đồng Phú (480ha), Minh Hưng - Sikico (1.000ha); bổ sung thêm quy hoạch mới khu công nghiệp và dân cư Đồng Phú (6.317ha) và 3 khu công nghiệp ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300ha. Ngoài ra, Bình Phước còn có khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tiếp giáp Campuchia, giao thông rất thuận lợi để kết nối sang Lào và Thái Lan, với tổng diện tích trên 28.300ha; trong đó, trên 3.500ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.
Kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
Kỳ vọng đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư là mong muốn chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Ngày 15-9-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, về
“Tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược mang tính khái quát cao, quyết tâm lớn; thể hiện rõ khát vọng bứt phá trong mọi lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước. Nghị quyết đã phác họa chặng đường dài hơi, những Công việc phải làm từ giao thông đến giáo dục, đào tạo cán bộ, thu hút đầu tư, nhân lực... Đây sẽ là cơ sở, nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo triển khai thực hiện các Công việc một cách bài bản, công phu, nghiêm túc và không có tư duy nhiệm kỳ.
Xác định 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, năm với nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, để thực hiện khát vọng đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực, nhiều chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã có những điều chỉnh, thích ứng với tình hình thực tế và mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm cao. Đó là phương châm hành động “2 nhanh, 3 tốt” (nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh thực hiện thủ tục đầu tư; chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt)... Trên tinh thần trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, Bình Phước thu hút được 146 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 1,44 tỷ USD, tăng 1,2 lần về số dự án và tăng 2,2 lần về số vốn đăng ký so với nhiệm kỳ trước. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, phát triển hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện kết nối Bình Phước với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các sân bay, cảng biển.
Hai là, đổi mới chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư; tổ chức xúc tiến đầu tư, khuyến khích hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQTW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Quyết định số 999-QĐ/TU, của Tỉnh ủy bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ năng lực, liêm chính; xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Bốn là, thực hiện quyết liệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc và chương trình giảm nghèo bền vững.
ĐỨC TẤN
Nguồn: Hồ sơ sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn