Tình mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi chị còn rất nhỏ. Già nửa cuộc đời chị cứ tưởng chị là con đẻ của má Năm Hạnh. Mái tới hồi má Năm bệnh nặng sắp qua đời, má mới cho chị biết sự thực về lý lịch của chị và sự tích con dao cạo mủ cao su mà má Năm trân trọng cất giữ như một báu vật trong rương mà má không cho ai sử dụng đến nó cả.
Hôm đó là một ngày chủ nhật. Biết má Năm bệnh nặng, bác Ba Thanh nguyên bí thơ huyện ủy Bình Long đã nghỉ hưu từ mấy nhiệm kỳ trước mướn một chiếc xe TAXI cùng bác gái đến bệnh viện thăm má. Lâu ngày mới gặp nhau, họ tay bắt, mặt mừng, nói cho nhau nghe nhiều câu chuyện cảm động lắm, mà toàn là chuyện trong chiến tranh gian khổ, ác liệt, sống chết, tù đày mà Tình nghe chả hiểu là bao. Cuối cùng thì má Năm vừa khóc, vừa nghẹn ngào nói trong hơi thở câu được, câu không:
Anh Ba còn nhớ vợ chồng tư Phúc – hai Tâm chớ?
Nhớ chớ! Em làm sao có thể quên được cặp vợ chồng nhà ấy được! Anh tư Phúc là một xã đội trưởng mưu mẹo và gan lỳ trong trận mạc. Chị hai Tâm là người có công lớn trong công tác binh vận và nuôi dấu cán bộ của huyện nhà ngày ấy chứ ai!
Đúng! Đúng! Nhưng … chưa đủ! Chị hai Phúc còn là một tay võ thuật cao cường, bản lãnh siêu hạng, một chiến sỹ chiến đấu vô cùng dũng cảm nữa đấy anh Ba ạ!
Lặng đi một lát, bà Năm mới lấy lại được sức.
Trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa (1972) tụi Bảo An Dân vệ xung quanh chi khu An Lộc này bị bộ đội R (rờ) đánh cho tơi tả. Lực lượng chúng bị thương vong quá nhiều, tư tưởng hoang mang rệu rã. Nhân cơ hội đó, chị hai Tâm đóng vai công nhân cạo mủ vào lô C (cê) rải truyền đơn kêu gọi binh lính Cộng Hòa đào ngũ về với Giải Phóng, bị thằng chỉ điểm hai Sứt đích thân dẫn thêm hai tên nữ đến bao vây hòng bắt sống chị nạp cho quan thày đặng tâng công, lãnh thưởng.
Thấy lực lượng chúng những ba tên, mà chị chỉ có một, lại tay không vũ khí, nên chị đành chống trả quyết liệt. Bằng những miếng võ cổ truyền điêu luyện, tên hai Sứt bị chị đá cho một cước dày ba ta vào mặt tá hỏa tam tinh té nhào xuống hố chứa nước mưa bên đường, khẩu cạc bin rớt đâu mất tích. Nhanh như chớp, chị hai Tâm xỉa bồi cho hắn một dường dao cạo mủ ngọt xớt vào mạng sườn, hắn ôm bụng la như cha chết. Hai tên kia liều mạng nhào tới cận chiến bằng tay với chị. Chúng đều bị chị hai chích cho mỗi đứa mấy nhát máu me đỏ lòm cả quần áo. Hoảng quá chúng vội quăng súng, ôm bụng chạy chối chết vào lô. Thế là chị Hai tay không đánh thắng ba tên giặc, cướp được một khẩu súng.
Đêm đó: trên đường rút về căn cứ, qua ấp Phú Miêng, chị lọt vào ổ phục kích của Mỹ. Sau mấy phút giao tranh, chi hai Tâm dính hai trái mìn Clây mo, hy sinh trong tư thế đang nằm bắn.
Sáng sớm hôm sau anh tư Phúc ẵm con này (vừa nói, bà vừa chỉ tay vào Tình) và một con dao cạo mủ đến nhờ tui nuôi dùm nó và giữ cho ảnh con dao cạo mủ để làm vật kỷ niệm. Rồi không lâu sau anh tư Phúc cũng hy sinh. Thế là suốt từ bấy đến nay tui nuôi nó như con ruột của mình. Hôm nay nhân có anh chị Ba đến thăm tui và cũng có con Tình ở đây, tui nhờ anh Ba giúp tui lập lại lý lịch cho nó, đặng cho nó trở về với đúng dòng máu anh hùng của ba má nó nghe anh Ba!
Đến đây Tình mới vỡ lẽ. Vì sao mà gần bốn chục năm qua, má thương Tình đến thế. Và…chị cũng hiểu vì sao mà má cứ nâng niu giữ gìn, quý trọng con dao cạo mủ như một vật báu trong nhà. Thế là bất kể đang trong phòng bệnh và đang có khách, Tình nhẩy chồm vô ôm lấy má Năm khóc nức nở.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn